ĐĂNG NHẬP THÀNH VIÊN

BÀI VIẾT HAY

Động Phong Nha Kẻ Bàng

Hang Sơn Đoòng muôn màu











Ký sự Quy Hậu quê tôi

Đăng lúc: Thứ ba - 08/01/2013 04:04 - Người đăng bài viết: nguoiquyhau

QUY HẬU QUÊ TÔI

   Tái bản “ Chuyện làng quy” được chỉnh lý qua nhiều độc giả đương thời, nay đổi thành “Quy Hậu quê tôi”.

Biên tập:                   Nguyễn Hùng Dũng

Chỉnh lý bổ sung:    Mai Ngọc Lương

  Nguyễn Thái Học

  Đỗ Văn Hoài

Lời nói đầu!

     Quy hậu quê tôi, cũng như hàng trăm, hàng ngàn làng quê khác của Việt Nam, là nơi đã sinh ra và nuôi lớn bao thế hệ con người.

     Làng Quy Hậu đã có từ hàng trăm năm nay, đã sinh ra hàng chục lớp người. Họ đã kế tục nhau, chung lưng đấu cật, trải qua bao nỗi thăng trầm đã làm nên một Quy Hậu như ngày nay. Tôi là lớp người “sinh sau, lỗ muộn” so với các ông, các bà và các bậc đàn anh, đàn chị  đã có nhiều công lao xây dựng quê hương trong đó có cả mồ hôi và xương máu. Từ một làng quê nghèo khó, nay đã có nhiều đổi mới, đã xóa được đói, giảm được nghèo, nhà cao cửa rộng, điện sáng khắp nơi, ti vi, tủ lạnh, xe máy nhà nào cũng có. Đường láng, lối xóm được bê tông hóa, cảnh bùn lầy nước đọng cũng không còn nữa…Từ những việc tai nghe mắt thấy đến những chuyện xa xưa nghe ông bà kể lại, đã cho tôi những cảm xúc sâu nặng với quê hương. Đặc biệt là truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm, truyền thống cần cù, thông minh và sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương.

    Với vốn hiểu biết ít ỏi của mình, còn nhiều chuyện chưa nghe, chưa biết nhưng với tấm lòng yêu quê hương, yêu bà con làng xóm nên tôi cũng xin mượn phép ghi chép lại đôi điều để lại cho con cháu mai sau hiểu thêm về Quy Hậu quê ta.

    “Chuyện làng Quy” ra đời từ ngày 2/9/2009 đến nay đã tiếp nhận được nhiều ý kiến bổ sung. Tôi xem đó là một tài liệu quý báu và đã đưa vào chỉnh lý, bổ sung theo từng ý, từng phần trong cuốn sách này.

     Mong bạn đọc đóng góp thêm để cho ký sự “Quy hậu quê tôi” được đầy đủ hơn, có gì sai sót xin bạn đọc thứ lỗi.

Xin chân thành cảm ơn!

Quy Hậu, ngày 2 tháng 9 năm 2010

 

 

Thay lời giới thiệu

     Năm 1972,  anh Thanh ở chiến trường Bình Trị Thiên ra Bắc dự hội nghị cán bộ cao cấp trung ương. Tôi đón anh tại Huyện Đoàn Lệ thủy mời anh nói chuyện với Huyện. Anh em trò chuyện thân mật về chuyện quê hương “ Làng Quy Hậu”.

     Tôi đề nghị anh giúp đỡ để tôi viết lịch sử truyền thống làng tôi-anh rất phấn khởi và gợi nhiều ý kiến để tôi tiến hành thu thập tư liệu. Qua ý kiến của  anh, tôi đã bắt tay vào làm việc.

     Năm 1979,  khi anh đã vào Nam, anh có viết cho tôi một bức thư động viên nhắc nhở, thư anh viết đại ý: Mình rất đồng ý với Dũng, nên viết lịch sử truyền thống cách mạng của làng, đây là việc làm có ý nghĩa lớn đối với quê hương, làng xóm, nhất là đối với thế hệ mai sau. Nên nhớ truyền thống cách mạng của làng ta luôn gắn với truyền thống cách mạng của đất nước, với cả tỉnh, cả huyện, có sự lãnh đạo của Đảng của Bác Hồ, nhất là Đảng bộ của xã nhà, chi bộ của làng ta… Dũng cố gắng viết, tôi sẽ xem và bổ sung thêm.

          Trích thư anh Thanh

     Thư này tôi đã chuyển cho đồng chí Uông lúc đó là Bí thư chi bộ, đồng chí Quý là chủ nhiệm hợp tác xã xem, nay bị thất lạc chưa tìm ra nguyên bản. Anh Dũng đưa tôi xem cuốn sách, anh viết về “ Chuyện Làng Quy”. Đọc xong cuốn sách “ Chuyện Làng Quy”,  tôi bàn với anh nên đề  tên sách là “Quy Hậu quê tôi” hoặc “ Quy Hậu làng tôi”. Hai tiếng “Quê Hương” hoặc “Làng tôi” nghe thân thương trìu mến, nặng nghĩa xóm làng, lại gắn cả cuộc đời và sự sống của mình với quê hương.

     Tôi đã đọc kỹ và cũng đã đóng góp một số ý kiến mà mình hiểu về truyền thống cách mạng quê hương. Nay tôi đã 85 tuổi đời, sáu mươi năm tuổi Đảng, là cán bộ tiền khởi nghĩa của quê hương, tôi cũng có nguyện vọng “biên soạn” truyền thống cách mạng của quê hương nhưng chưa làm được, nay đọc “Chuyện làng quy” tôi  xem như cuốn sách này để lại cho con cháu mai sau có thể tự hào và phát huy truyền thống cách mạng của cha ông ta  đã góp phần  công sức của mình vào sự nghiệp “ Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”.

     Tôi cũng có nguyện vọng đề nghị lãnh đạo thôn tài trợ kinh phí để xuất bản cuốn sách “Quy Hậu quê tôi” như cuốn lịch sử vậy.

Mai Ngọc Lương – Cán bộ tiền khởi

     Tôi xem “Chuyện làng Quy” như cuốn lịch sử làng Quy Hậu, đã xem như lịch sử thì phải tôn trọng lịch sử, lịch sử có bước  “thăng – trầm” có sao nói vậy, thà không biết thì thôi, không nên chủ quan gán ép cho lịch sử. Phần tôi, tôi đã xem và trực tiếp nói  chuyện với chú (1) để làm rõ truyền thống cách mạng của làng mình.

     Mong rằng lịch sử cách mạng của làng mình để lại cho con cháu mai sau tự hào và phát huy tốt đẹp hơn.

Đỗ Duy Thường – Lão thành cách mạng

     Tôi cùng anh Lương – bạn học lại ăn ở cận kề nhau. Tôi giác ngộ cách mạng cũng qua anh Châu, anh Lương và các anh Nuôi (Thanh), Tý… Cách mạng tháng tám thành công, tôi và các anh : Nguyễn Văn Nhơn, Đỗ Bá Tặng, Nguyễn Văn Nhân, Đỗ Duy Hiên… vào xưởng “Trần Táo” đóng tại Đình Làng. Năm 1947, Trần Táo được chuyển ra Tuyên Hóa, rồi chuyển ra Nghệ Tĩnh. Tôi nhập ngũ vào quân đội, tuy xa quê nhưng tấm lòng khi nào cũng hướng về quê hương, có tìm hiểu chuyện làng nhưng đâu có rõ như khi đọc “ Chuyện Làng Quy”. Tôi thấy “Chuyện Làng Quy” như một bản lịch sử cần để cho con chấu hiểu biết và phát huy; nhất là truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm. Tôi cũng có một số ý kiến bổ sung, chỉnh lý theo hiểu biết của mình. Mong rằng có nhiều bạn đọc đóng góp thêm những hiểu biết của mình về nơi chôn nhau cắt rốn.

Nguyễn Thái Học – Gia đình cách mạng

      Làng Quy Hậu từ xưa đã nổi tiếng một làng ít ruộng, dân đông làm ăn giỏi; nơi đây nhiều nhà có kinh tế khá giả, có điều kiện, đời sống người dân vững vàng. Do ít ruộng nên Quy Hậu phải đi thâm canh nhiều nơi xa, đến vụ cày cấy hoặc thu hoạch bà con Quy Hậu từ 2-3 giờ sáng nấu cơm ăn, rồi chèo đò (thuyền) đến tận đồng ruộng: Hồng Thủy, Sơn Thủy,… lúc trời chưa sáng. Đến vụ gặt, chiều về trên sông Kiến Giang rộn rã tiếng hò khoan của từng đoàn thuyền nặng trĩu lúa vàng, chèo đua rộn ràng, nhộn nhịp; trong đó nhiều nhất là thuyền  (đò) của Làng Quy Hậu.

     Quy Hậu không chỉ giỏi nghề nông mà giỏi cả trăm nghề như: nghề rừng, nghề cá, nghề đan lát, nghề phát rẫy (rẫy Quy Hậu có khắp rào Nậy, rào Con) song có hai nghề xuất chúng là dệt vải và làm nón.Vải Quy Hậu xưa kia không đẹp lắm, khổ hẹp nhưng bền, chắc, hợp với nhà nông, hợp với túi tiền của dân nghèo, nếu được nhuộm nâu thì độ bền tăng lên, “chó cắn không ra” được mọi người ưa chuộng.

     Nón Quy Hậu không được thanh cảnh, đài các như nón bài thơ ở cố đô Huế hoặc nón Thổ Ngoa (Ba  Đồn – Quảng Trạch) nhưng nó có vẻ đẹp bền chắc, có tuổi thọ gấp đôi, nếu nón có một lớp dầu dừa thì tuyệt vời. Nón Quy hậu đẹp đến nổi Đại Tướng Võ Nguyên Giáp khi về thăm quê hương cũng khen. Cô Hà (phu nhân đại tướng) cũng khen rằng đi khắp nơi chỉ có  nón Quy Hậu là cô ưng ý. Nhiều bà con khi ra Bắc vào Nam thăm người thân, ai cũng mua chiếc nón Quy Hậu làm quà. Làng Quy Hậu nhờ có nghề phụ nên đời sống người dân ngày được nâng cao, không chỉ có nhà được lợp mái ngói mà sân cũng được lát gạch đỏ rực vững chãi. Đặc biệt, đường đi lối lại trong thôn xóm đều được lướt đá liếp hoặc xây gạch, đổ bê tông cao ráo, nhà vệ sinh, giếng nước, nhà tắm sạch sẽ. Mọi người sinh hoạt văn hóa rộn ràng và vui vẻ.

     Thời bao cấp, Quy Hậu là Hợp tác xã đầu tiên huyện Lệ Thủy có chế độ cho xã viên có lương hưu (bằng thóc). Trẻ em, người già, người tàn tật, người có công với cách mạng, gia đình chính sách đều được chăm sóc, ưu đãi chí tình.

     Đây cũng là làng sớm giác ngộ cách mạng, nơi đây có nhiều cán bộ, Đảng viên tiền khởi nghĩa như: Nguyễn Văn Thanh, Đỗ Hùng, Đỗ Hạnh, Đỗ Duy Kế, Đỗ Duy Thường, Mai Châu, Mai Lương, Mai Thông, Đỗ Thị Lợi, Đỗ Thị Huê, Đỗ Kính,…vv

     Nhiều cán bộ cao cấp về quân sự như Nguyễn Văn Thanh, Mai Văn Tý, Nguyễn Vũ Bảo,… và thêm một số nhà văn, nhà báo như Mai Văn Tấn,…

     Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, Quy Hậu cũng chung tay đóng góp sức người sức của cùng toàn Đảng, toàn dân hăng hái tham gia kháng chiến lập nhiều chiến công.

     Xưởng Trần Táo là xưởng vũ khí dân tộc của  Tỉnh, những ngày đầu thành lập gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1946 đóng tại Đình Làng Quy Hậu, được cán bộ và nhân dân bảo trợ, nuôi dưỡng, chăm lo và bổ sung quân số đến trưởng thành.

     Từ năm 1965 đến năm 1975, giặc Mỹ biết được Kiến Giang là nơi vận chuyển vũ khí, quân lương vào Nam phục vụ kháng chiến nên chúng đã dùng mọi thứ bom đạn để ngăn chặn gây nên không biết bao nhiêu cảnh đổ máu hai bên bờ sống Kiến Giang.

     Ngày 6 tháng 01 năm 1968, đế quốc Mỹ ném bom xuống làng làm chết hơn 100 người, hang chục người khác bị thương. Nhờ có sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sức sống mạnh mẽ của dân làng với truyền thống đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau nên Quy Hậu sớm vươn lên, đứng dậy xây dựng cuộc sống mới như ngày nay.

     (1)  Lê Văn Khuyên – Cán bộ tiền khởi, Phó TW VHTTQB, Phó giám đốc đài TTBTT – quê ở Lộc An, An Thủy nay trú tại Tp.HCM.

(Trích trong cuốn: Lệ Thủy quê tôi)

     Quy Hậu, làng tôi như vậy đó, tôi đã lớn khôn trong lòng mẹ quê hương. Tôi hợp sức với anh Dũng để viết về quê mẹ, về làng tôi với sự từng trải và bao điều cảm nhận sâu xa.

     Cuốn sách là người kể chuyện tường tận về làng Quy Hậu của chúng ta để thêm tự  hào về truyền thống của quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

    Hy vọng được bạn đọc và con cháu sau này đón đọc như cuốn lịch sử vậy!

Mai Văn Lương.

      Do hoàn cảnh và thời lượng tập “ Quy hậu quê tôi” có hạn, hơn nữa nhiều ý kiến đóng góp có phần phù hợp nên tôi lấy mấy ý kiến trên làm cơ sở thay lời giới thiệu tập sách này, mong bạn đọc đón nhận.

      “Chuyện làng Quy” ra đời từ 2/9/2008 đến 2/9/2009, đã tiếp nhận được nhiều ý kiến chỉnh lý và bổ sung (kể cả góp ý bằng lời và bằng văn bản). “Chuyện làng Quy” xin chân thành biết ơn và tiếp thu (có chọn lọc) và đã đưa vào từng phần và tái bản lại thành “Quy Hậu quê tôi”.

 

Lời tác giả

Phần thứ nhất

VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ QUY HẬU QUÊ TÔI

 

TÊN LÀNG CÓ TỰ BAO GIỜ?

     Quy Hậu quê tôi bên dòng sông Kiến Giang hiền hòa, mát mẻ. Một làng quê nổi tiếng cần cù, thông minh, sáng tạo trong sản xuất, anh hùng trong chiến đấu bảo vệ quê hương. Một làng quê đã sản sinh ra bao thế hệ người, họ kế tiếp nhau, đoàn kết xây dựng một làng Quê với nhà cửa khang trang, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ đàng hoàng.

     Có được như ngày hôm nay, chúng ta càng nhớ lại ngày xưa, ông cha ta đã lập làng như thế nào, ai là người khai khẩn lập làng, và cái tên làng có tự bao giờ? Vì sao tên làng là Quy Hậu?

     Qua tìm hiểu các bậc tiền bối trong làng cũng như gia phả các dòng họ vẫn chưa ai giải đáp được câu hỏi đó. Bởi làng mình trải qua ba mươi năm chiến tranh ác liệt, bom đạn quân thù chà đi xát lại, nhà cửa, chùa chiền chẳng còn lại một dấu tích nào nói chi đến sử sách người xưa để lại. Trong cuốn lịch sử Đảng Bộ huyện Lệ Thủy và lịch sử các làng lân cận như Đại Phong, Thượng Phong, Mỹ Lộc… thì làng ta cũng có niên đại trên 500 năm cùng thời Nguyễn Hoàng năm 1300-1400.

     Qua tìm hiểu các cụ bô lão cao niên của làng như cụ: Nguyễn Văn Hoa, cụ đỗ Sáng (bố anh Đồng, anh Hải ở đội 4) cụ Đỗ văn Nhân thì làng mình do ông Nguyễn làm quan to ở ngoài Bắc vào khai khẩn, lập làng. Ngài làm quan võ đời nhà Lê (thời Lê Thái Tông). Khi ông Nguyễn Hoàng vào nam chiếm giữ kinh đô Huế, lấy đèo ngang phân chia địa giới cai quản, nơi “Hoành Sơn Nhất đái vạn đại dung thân” thì ông Nguyễn làng nhà ta cũng vào theo cùng với các tần thần đời nhà Lê  vào  lập nghiệp ở đất Chiêm Thành (kinh thành người Chămpa), sau đó người rủ thêm vài người họ Mai, Lê, Đỗ, Lí, Trần, “Lục tộc đồng hương” vào đây an cư lạc nghiệp. Ông Nguyễn làm quan Võ tướng được  nhà  Lê phong tước công hầu, sau này làng có thánh vị thờ ngài tại miếu của làng.

     Trong chiến tranh chống Mĩ, miếu thờ (gọi là nghè làng) bị Mỹ ném bom ác liệt, miếu thờ  bị sập và nhà thờ họ Nguyễn cũng tan tác. Hai ngôi nghè thờ hai bà và ông họ Mai cũng bị tàn phá. Tháng 6/1967, các vị bô lão  của làng đưa linh vị của ngài họ Mai  về  thờ chung với ngài họ Nguyễn.

     Năm 1979, để tưởng nhớ công đức của các vị tiền nhân khai khẩn lập làng cũng như ghi nhớ những công lao của các anh hùng liệt sỹ, làng đã xây dựng khu tưởng niệm mới. Họ cũng đưa linh vị của hai ngài họ Nguyễn và Ngài họ Mai lên thờ tại khu tưởng niệm nằm ở sân bóng gần cầu Quy Hậu.

      Hiện tại miếu (khu tưởng niệm) hiện giờ có hai thánh vị được phục chế nguyên bản sơn son thiếp vàng. Đó là di sản văn hóa cũng như là di chỉ duy nhất của người  xưa để lại  cho con, cháu và thế hệ sau này. Hai thánh vị này khi đưa vào thờ ở miếu thấy quá cũ, chữ khó đọc một vài đồng chí lãnh đạo định chủ trương cho hỏa táng, nhưng các bô lão và phần đông bà con yêu cầu để lưu giữ lại. Thời kỳ này Đồng chí Đỗ  Bá Mậu bí thư kiêm thôn trưởng đã đồng ý không hỏa táng hai thánh vị. Cho in viết lại bản chữ Hán ghi ở hai thánh vị và đưa về phòng văn hóa huyện Lệ Thủy nhờ người biết chữ Hán dịch nghĩa ra chữ quốc ngữ. Ông Trần Trọng Bân (ủy viên Ủy Ban Mặt trận Huyện) dịch ý dịch của Ông Bân trùng với lời dịch của cụ Đỗ Hiều (bố anh Toan – Tính) là người trong làng.

-         Thánh vị cụ Ngài Nguyễn đã mờ, dịch là: thánh vị của ngài Nguyễn Quý Công.

-         Thánh vị cụ Ngài Mai còn rõ đó là: thánh vị của ngài Mai Quý Công.

      Năm 1985, trong lễ Đông chí (ngày 22/12) tại miếu thờ, các vị bô lão và bà con dân làng yêu cầu cụ Hiều dịch từ chữ Hán của hai thánh vị để mọi người cùng biết. Hai thánh vị có nội dung như sau:

- Thánh vị mờ có dòng chữ:

Hình hương hầu

Chánh suất Đội

Nguyễn Quý Công

Chí linh vị.

- Thánh vị rõ có dòng chữ:

Thạch nham hầu

Bổn xã trưởng

Mai Quý Công

Chí linh vị.

     Vậy là các vị bô lão một lần nữa khẳng định, Ngài Nguyễn là người khai khẩn ra làng ta. Ngài có tên thật là “ Nguyễn Văn Dật” năm sinh không rõ, năm mất không rõ chỉ biết mất ngày 28/7 (âm lịch), mộ táng tại Hà Tran, nay con cháu dòng họ Nguyễn đã xây lăng cất táng quy tập lại An Sinh nội nay thuộc thôn An Sinh, xã Trường Thủy (Văn Thủy).

    Trong gia phả dòng họ Nguyễn được ghi chép lại năm 1953 cũng không nói rõ. Ngài họ Nguyễn trước khi vào khai phá lập làng Quy Hậu thì làm gì? ở đâu? Không được nhắc đến.

    Còn cái tên làng “Quy Hậu” cho đến nay vẫn chưa ai giải được.Từ các vị bô lão cao niên cho đến người có học vấn vẫn mò mẫm lại, phán đoán mà thôi. Có ý kiến cho rằng: Ngài Nguyễn đến sau nhưng có công khai khẩn đặt tên là làng Quy Hậu, nhiều người khác cho rằng đất làng ta không phải hình con Quy (rùa) và đến sau nên đặt tên Hậu cũng không đúng và cả huyện này ai đến trước đến sau không ai rõ.

     Nhiều người có tâm niệm làng ta có quy cũ, nề nếp, dân làng ta phúc hậu, hiền từ nên chăng  có tên gọi là “Quy Hậu”. Thôi thì tên gì mà ông cha ta đã đặt tên gọi cho Làng và đã đi vào lịch sử, miễn là chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, làm rạng rỡ tổ tông. Dù đi đâu, về đâu, làm gì thì cũng không thể nào quên  được mảnh đất làng Quy Hậu thân yêu này.

 

CẢNH QUAN LÀNG NGÀY XƯA

    Trước  cách mạng tháng 8/1945, làng ta nổi tiếng là một làng giàu có, sông nước hữu tình, dân sống cần cù, thông minh, sáng tạo. Làng nằm bên hữu ngạn sống Kiến Giang, được sông Kiến tô điểm cho quê hương màu xanh mát rượi, giữa làng cũng có sông Ngô Giang từ Bàu Sen chảy về phụ nước cho sông Cái. Cả hai con sông uốn lượn quanh làng, điều hòa khí hậu cũng như giúp dân làng trong việc phát triển kinh tế.

    Làng được chia làm 12 trổông (trước gọi là xóm). Mỗi trổông  có  một cái bến phục vụ dân sinh. Trong trổông có trưởng trổông, mọi nhà đều chấp hành theo lệnh của trưởng trổông cùng nhau góp sức xây dựng đường làng bến nước sạch đẹp. Trong 12 trổông chỉ có 2 trổông lướt đá từ bến đến đường quan, đó là Trổng ông Thịnh và ông Lý viên  (2 ông này nhà giàu). Sau đó, thấy đường sá sạch đẹp các trổng định góp sức để lướt đá nhưng nạn đói xảy ra, giặc Pháp tràn về thế là đành hoãn lại.

    Trước đây, tuy xóm làng chưa được giàu có nhưng cảnh quan làng xóm, lời ăn tiếng nói đến vạn vật hiền lành, từ trong làng ra ngoài đồng đều được tổ tiên sắp xếp không ai chê trách được. Trong làng, hàng rào dâm bụt nở hoa thật đẹp. Ngày nay, đời sống nhân dân được nâng cao, hàng rào được xây tường cao cổng kính.

    Các ngài đời xưa bố trí Đình – Chùa – Nghè – Miếu theo hướng địa lý Đông Tây; phong thủy để che  chắn phong ba bão táp cho dân làng được an cư lạc nghiệp, tạo nên cảnh quan văn hóa thiêng liêng tuyệt diệu.

-         Hướng Tây Bắc của làng có Miếu thờ thần khai khẩn xung quanh trồng nhiều cây cổ thụ như: nhãn, xoài, cây đa, sân… sầm uất. ( Nay dấu tích còn lại ở trước nhà ông Đỗ Xuân Thái).

-         Hướng Tây Nam có Đình làng năm gian hai chái cột to hai tay ôm không xuể, mái đình có lưỡng Long Triều nguyệt như ta xem các đình làng ở trong Huế vậy. Xung quanh có tường bao, có cổng Tam quan vào ra được xây bằng đá xanh, mặt đình hướng Tây Nam nhưng lại sát sông Kiến Giang nên thuyền bè qua lại trên sông thật là hữu tình. Đình làng không những là thờ cúng các vị thần linh linh thiêng mà còn là nơi hội tụ của dân làng, vì vậy mà cận sân đình có nhà Hương hội. Sau những năm 1930 nhà hương hội dùng làm trường học cho em cháu trong làng. Khuôn viên của Đình làng rộng gần 2 ha (từ Hà xuống tận bờ sông Kiến Giang). Tả hữu là hai đường trổông nay là nhà ông Đắc và ông Hiệt. Xung quanh Đình được trồng nhiều cây lưu niệm, cạnh cổng Đình có cây đa cổ thụ. Đình làng uy nghiêm, lộng lẫy,  tiếng đồn đi khắp gần xa trong huyện.

     Đình làng làm xong, ngày khánh thành làng làm rât to có rước đoàn hát bội và đoàn cải lương về phục vụ. Ngày chính lễ mời quan  huyện đến dự, các cụ kể rằng ông Nghè Đỗ đã báo trước Lễ khánh thành Đình làng sẽ cháy. Ông không cho mượn đồ dùng phục vụ lễ, ai mượn cái gì phải có giấy mượn đóng dấu của Lý trưởng. Biết vậy ông Lý đã chuẩn bị sẵn hai chiếc đò và dụng cụ sẵn sàng chữa cháy. Ngờ đâu, khi quan huyện vào đến sân, pháo nổ gió nam thổi mạnh quật vào rạp bốc cháy, quan bỏ chạy, dân được dịp cười hả hê, lại khen thầy nghè giỏi. Sau cách mạng tháng 8/1945 thành công, giặc Pháp quay trở lại cướp phá; cấp trên đã chọn Đình làng làm công binh xưởng, thường gọi là xưởng Trần Táo chuyên rèn đúc vũ khí cung cấp cho mặt trận. Dân làng đóng góp sức người sức của để nuôi dưỡng cán bộ công nhân trong 2 năm (1946 – 1947), đóng góp nhiều nhất được ghi trong lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy.

     Lớp thanh niên làng ta hồi ấy đã xung phong gia nhập xưởng như anh: Nguyễn Văn Học, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Nhân, Đỗ Bá Tặng, Đỗ Duy Hiện… Họ là lớp học sinh, sinh viên đã học trường Công Kỹ Nghệ ở Huế trở về đã đóng góp một phần không nhỏ vào những kết quả vũ khí do xưởng sản xuất ra.

    Đầu năm 1947 khi giặc Pháp xâm lược Quảng Bình xưởng Trần Táo được dân làng chuyển lên tàu hỏa chở ra Tuyên Hóa (theo lời kể của cụ Hạ).

    Cũng hướng Tây Nam (phía dưới giáp Cổ Liễu) có chùa thờ phật, chùa được xây cao có tháp chuông, có nhiều tượng phật được thờ dưới các bảo đài hoa sen, chẳng khác nào ngày nay ta vào thăm các chùa ở Huế vậy. Trên tháp cao, làng treo cái chuông to có đường kính 2 người trai làng ôm không xuể, chiều cao cũng gần 2mét, khi đánh lên ở An Sinh vẫn nghe tiếng. Năm 1947,  giặc Pháp trở lại xâm lược quê hương ta cướp đi cái chuông lớn của làng. Năm 1948,  khi hội Tề của làng được lập lại, họ đã về tỉnh (Đồng Hới) xin lại chuông,  được tin chuông lại lưu lạc lên ở đồn Hòa Luật Nam nhưng phải về tỉnh xin giấy lên đồn Hòa Luật Nam mới có thể mang chuông về làng. Năm 1955-1956,  trong giảm tô và cải cách ruộng đất. Sở văn hóa Quảng Bình về tỉnh làm di vật lịch sử, nay chuông ở đâu chưa ai biết được..

-         Hướng Nam có 2 ngôi nghè, một ngôi thờ ngài họ Mai, ngôi kia thờ 2 bà Thủy – Hỏa.

     Trong chống Mỹ cứu nước, ngày 6/6/1967 đế quốc Mỹ ném bom làm sập nghè và nhà thờ họ Nguyễn Văn,  làng đã nghinh thỉnh ngài họ Mai về thờ chung với ngài khai khẩn (như đã nói ở trên).

     Chuyện kể rằng:  Nghè thờ 2 bà để 2 bà ngăn chặn lũ lụt tràn vào làng và cũng từ đó về sau hết lũ quét vào làng. Xung quanh nghè có khuôn viên rộng, làng trồng cây lưu niên, cây cổ thụ, đặc biệt là cây xoài to cao, bom thả gần gốc mà cây xoài vẫn đứng vững không lay chuyển.  Năm 1968, làng cho anh Lê Thanh Dũng – khi ấy là phó chủ nhiệm chặt cây để làm hầm và “săng đất” cấp cho bà con khi qua đời (anh Lê Thanh Dũng quê ở Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh,  đã về quê sau ngày giải phóng miền Nam).

-         Hướng Đông Bắc có đền âm hồn thờ những vong linh “ bất đắc chi tử” của dân làng. Bên cạnh đền có cây bàng xã to cao, sầm uất nay làng xây sân khấu cạnh nhà văn hóa thôn.

-         Hướng Đông, cận bờ sông lại có đền thờ “Mụ” thường gọi là đền thờ Đa mụ, vì cạnh đền thờ làng trồng cây đa to lớn, chuyện kể rằng: Ngày xưa, ở vùng dưới thường có đò đi chợ Mai (chợ Mai ở làng Phù Chánh, xã Hưng Thủy ngày nay). Khi đò qua đây thì bị chìm, làm chết một bà. Làng đưa lên bờ cấp cứu rồi bà chết tại đó. Dân làng lập bàn thờ tạm, hằng ngày thắp hương khói cho bà. Về sau những người mê tính lợi dụng linh hồn bà cho rằng: xóm đó cháy là do không cúng bà; con trẻ đau đầu, đỏ mắt,… đều đến khấn bà, vì vậy mà làng cho xây đền thờ bà, cử người trong coi thờ cúng đàng hoàng (nay ở chổ máy bơm cận nhà thờ tưởng niệm).

      Cách “Đa mụ” ra khoảng 200m làng lại trồng thêm một cây đa lớn. Cây đa đẻ nhánh mọc lên chín chồi, cành lá sum suê, rễ cây đa đâm xuống đất tạo nên cảnh quan vô cùng đẹp đẽ. Mùa hè, dân làng ra đồng thường nghỉ mát tại đây. Lâu ngày, trai làng lấy vợ khác xứ về, ai nấy đều giàu có, làm ăn phát đạt nên có câu: "Cây đa Quy Hậu chín chồi, lấy vợ khác xứ đến ngồi ăn chơi."

CHUYỆN PHONG THÚY TRONG LÀNG

     Ngày xưa, làng ta mới ở hữu ngạn sông Ngô Giang tả ngạn là nơi rừng rậm thuộc đất Chiêm Thành - Thành của vua Chămpa, dần dần dân làng vượt sông sang thành  làm rẫy sau sang làm nhà ở luôn trở thành "xóm rẫy". Lúc này, làng có ba xóm: xóm rậy, xóm hói, xóm rào và đã có vè "Xóm rẫy chống gậy qua làng, xóm rào ăn nói, xóm hói ăn mần”.

     Làng có 12 trổng lập thành 4 giáp, mỗi lần làng tế hoặc đào hói đắp đường, hương lý cho dân ăn “Bốn giáp, hai bò, cơm ăn hai bữa.

     Xóm Rẫy sau này  được gọi là xóm thành ở về phía Đông Nam, giáp làng Uẩn Áo, xung quanh bao bọc bởi bức thành là nơi đóng đô của vua Chămpa. Vùng giữa thành có đồng ruộng gọi là  ruộng "Đồng thành" nơi đây các vua triều Nguyễn dùng để cấp cho các quan trong triều về hưu, xem như trả lương hưu cho họ.

     Ruộng đồng thành vua cấp cho quan Thượng Thư người Gia Ninh (Quảng Ninh). Ông này lại cho các  ông địa chủ, phú nông trong làng thu tô.

     Cách mạng tháng 8 thành công,  rồi chín năm kháng chiến  chống thực dân  Pháp, số ruộng đất này do chính quyền thu lại rồi cấp cho nông dân... đến nay.

     Xóm thành có sông Ngô Giang  đằng sau,  sông  Kiến Giang (Bình Giang)  đằng trước, hợp thành Mũi Viết - Cồn,  đối diện với Mũi Viết  làng Thượng Phong, tạo nên dòng sông  thơ mộng trước mặt làng trông thật đẹp.

     Tuy vậy, hàng năm đến mùa lũ lụt nước từ thượng nguồn đổ về tràn ngập thôn  xóm, có năm "lũ quét" nước đo vềm xoáy sâu hàng chục mét như Hà ốc, thường gọi là "Soi ốc" nay còn dấu vết ở vùng cồn đội 2, hoặc làm sạt lở hàng chục mét ở bờ sông đoạn từ nhà anh Quyền, anh Toàn... nay tỉnh, huyện đã đầu tư xây bờ chống sạt lở rồi.

     Do lũ quét, nước xói vào làng đã tạo ra một con mương dài từ Nghè về đến Chùa nay còn dấu tích từ đội 4 đến đội 6 ở giữa làng.

     Để thoát nước làng đã xây cống lớn qua đường quan ra ngoài đồng ruộng, lâu ngày  các cống đã hóa ra Pốôc , ơ mỗi đường trổông có cống thông nhau cho nước thoát, làng khỏi bị úng, trong làng được khô ráo và sạch sẽ.

     Trước vì hay bị lũ quét, đời sống dân làng nghèo xơ nghèo xác, có năm Hương lý phải di vay thóc nhà giàu ở các làng khác đem về cho dân vay lại để ăn cho qua ngày tháng, có năm Hương lý chưa thu đủ thì các nhà giàu các làng khác đã đến đòi nợ dân làng phải "Lả củi"

(Ông Nguyễn Văn Chư 95 tuổi ở An Sinh mất năm 1983 kể lại).

     Do vậy, làng quyết định huy động sức dân đi chở đá về đắp đập chỗ bị vỡ ở cồn tạo nên Soi ốc nhằm không cho lũ quét tràn qua làng và cho trồng tre khắp cồn để ngăn dòng nước. Lúc bấy giờ ông Nguyễn Văn Trí làm lý trưởng, ý nghĩ thì tốt nhưng dân làng không làm vì ông nói dân không sợ. Năm sau, làng bầu ông Nguyên Văn Tri (em ông Trí) làm Lý trưởng, ông có tính  cường hào  dân sợ nên làng đã huy động được dân đi chở đá về đắp đê, ai không đi thì phạt bằng tiền, bằng roi. Người có chức sắc không đi làm thì phạt vạ nặng hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn làng đã ngăn chặn được  dòng chảy của nước lũ qua làng. (Nay tại xưởng cưa của Trần phú) thế mới biết ở thời đại nào  cũng vậy người lãnh đạo phải có năng lực quyết đoán và phải có uy tính dân mới làm theo.

     Hàn được "Hà ốc" lũ lụt nước không tràn qua làng được dân làng rất phấn khởi. Năm sau, ông lại cho trồng tre chắn sống ở vùng cồn và cả ngoài đường quan thường gọi là nạp tre ngang từ "Đa mụ" về tận Đạc dàng (sát cổ Liễu) tre mọc lên ông cho  treo bảng cấm trâu bò đi lại ai bắt được thưởng tiền, người bị bắt chịu phạt nặng (cấm chặt tre, nè, nánh tược, ai bắt được thưởng 1 quan tiền).

     Năm sau nữa, ông lại huy động dân đào hói, đắp đường Lối Cồn, vì trước chưa có đường Lối Cồn đến mùa cày cấy ở cánh đồng Thiển, dân phải đi bằng đò, nên có cợ ruộng gọi là "Ruộng Qua Giang hiện nay".

     Gặt xong vụ chiêm, làm xong vụ tám, đồng khô cạn. Dân bốn giáp ra đào hói đắp đường, cấp "bốn giáp hai bò, cơm ăn  hai bữa" làm trong mấy ngày đường Lốn cồn đã đắp xong, nối từ "Qua Giang" ra Thiểu, Vùng tấy, Bến Hữu …  Đường đắp xong cho trồng cỏ, trồng cây chắn sóng, lệnh cấm trâu bò không được đi trên đường Nếu trâu, bò ai đi trên đường bắt được sẽ làm thịt mời làng uống rượu. Đến vụ cày cấy ông cho người ở tớ đưa  trâu mình đi trên đường rồi báo cho người"Vệ nông"  bắt vào báo với ông. Ông cho mổ thịt mời làng uống rượu ngay. Từ đó, không có một dấu chân trâu, bò nào đi  trên đường Lối cồn, đường Lối cồn được bảo vệ và tu bổ mãi cho đến ngày nay. Các năm sau, làng lại đắp tiếp các con đường khác từ Lòi Vạc, Cồn Đinh, Vụng Tấy...

     Ở giữa đồng làng lại có ba loại mưng che chắn gió bão, mỗi lòi có một, hai "lỗ sĩa" dâng nước thường xuyên, tưới cho hàng chục ha ruộng lúa.  Hàng năm cứ đến tháng 6, tháng 7, nước mặn tràn lên sâu, dân làng ra lòi gánh nước ngọt về ăn uống thoải mái. Trong lúc đó, các làng lân cận phải đưa đò lên tận “trốc vực", "thác tre" chở nước về uống.

     Trong những năm kháng chiến chống thực dân  Pháp, ba lòi mưng (giữa đồng) cũng là nơi trú ấn của dân làng khígiặc Pháp đến. Trong chống Mỹ, "Lòi Mưng” lại cung cấp gỗ cho dân làng làm hầm  trú ẩn tránh bom đạn. Ngày nay, "Lòi Mưng" không còn nữa cũng do lấy gỗ làm hầm và “giặc chuột” phá mùa màng.

     Từ cây đa Mụ ra khoảng 500 m lại có "điện”, đây vẫn có đền thờ, cúng, ở giữa có hai cây đa vẫn còn hiện ở phần đất của đội 3, 4, rộng khoảng 2 sào. Hàng năm cứ đến thời vụ, các vị hương lí, sắc hào đến làm lể. Khai canh, lí trưởng hoặc người có  chức sắc cao cầm cày đi cày ruộng gọi là lễ “Xuống đồng”.

     Đồng ruộng thời trước thường đặt tên cho từng "cợ", mỗi cợ cách  nhau bởi một con đường đồng mức trong đường cái thì gọi là "ruộng nội lộ” ngoài đường cái gọi là "cợ nhất", "cợ nhì", "nhất đạt", "nhị đạt", "tam đạt" xa hơn nữa thì "Cơn Mưng", "Vụng Tấy", Hạ Đoạn", "Hậu Lôi"...v v. Từ làng ra đồng có bốn đường thuận tiện đi lại cho bốn  giáp khi ra đồng làm việc, nay được tu bổ lại tốt hơn, lại có các mương nước xây bằng bê tông khiến chúng vững chắc hơn.

     Nhìn chung phong thủy của làng ta được xây dựng quy cũ, các cạ ruộng, trục đường đi lại được bê tông hóa nên cảnh quan từ trong làng ra đồng ruộng đẹp như một bức tranh họa đồ.

THÀNH NHÀ NGO

     Thành Nhà Ngo ngày xưa là nơi đống đô của vua Chămpa, thường gọi  là "Chiêm Thành". Thời ấy, vua chiêm thành là “Chế  cũ”, là láng giềng của nước Đại Việt, thường đem quân đánh phá nước ta. Lúc đó nước ta có nàng công chúa, Chế Cũ muốn cưới làm vợ và hứa nhường, cúng đất Châu Ô, Châu Lí cho nước Đại Việt và không quấy phá nước ta nữa. Từ đó, Vua Chiêm Thành chuyển đất hai châu cho nước Đại Việt và vào Nam sinh sống.

     Cứ theo mốc giới lưu lại cho đến ngày nay ta cũng hiểu được ít nhiều về "thành Nhà Ngo" thuộc làng Uẩn áo. Thành Ninh Viễn hoặc Ninh viễn thành.

     Từ năm 1945 lại đây, thành Nhà Ngo thuộc về làng Quy Hậu (như đã nói ở trên), thành xây đắp bằng đá, đất, cao khoảng 5m, rộng 5-10m, chu vi khoảng 5000 mét vuông, thành có bốn cửa Đông- Tây- Nam- Bắc, mỗi cửa có điểm canh thường gọi là "chòi gioi" cao trên 5m. Nay ở ràng trâu đội 1, 2 còn dấu tích "chòi gioi" người đời sau gọi  là "Nhà Ngó", theo giáo viên sử học Hoàng Đình Liền kể thì đó gọi chệch là "Nhà Ngo".

     Các dấu tích của vua Chiêm Thành để lại trên mảnh đất Quy này hiện còn như:

-         Bàn thề, Bàn giáo, hiện là vùng đất " Trưa kêng" nối từ thành đựng ra đến giáp sông Uẩn Áo.

-         Trường Tra có tượng phật lồi bằng đá (cụt đầu) nay ở vùng đội 2 (chỗ Tác giả trở lên).

-         Đấu Trường (Trường đấu) ở đội 6 (từ chỗ ông Đỗ Quý trở về cuối).

     Các địa danh trên nói lên một phần nào về việc tổ tiên ta ngày xưa đã chọn đúng vùng "đất lành chim đậu" là vậy. Chuyện kể lại rằng: Ngày xưa có ông Tà Ao giỏi về địa lí, khi đi ngang qua thành Nhà Ngo có đẻ lại một huyệt đất "Cận Vương Kế Thế” mộ ai đặt đúng huyệt đó sẽ được làm quan to, huyệt đất ấy là:

“Tiền Giang, Hậu Giang

Đông Tỉnh, Tây Tự”

Nghĩa là

“ Trước có sông, sau có sông.

Đông có giếng, tây có miếu thờ”.

Chắc rằng chưa có một ai gặp cả!

 

PHƯỜNG TRẤM, AN SINH

      Nói đến làng Quy Hậu không thể không nói đến bà con dân ở  “Phường Trấm, An Sinh” và một  số thôn khác ở 2 xã Văn Thủy, Trường Thủy. Vào những năm 20 của thế kỉ trước, một số dân làng đi làm rẫy ở Miền Tây, để tiện cho công việc làm rẫy, họ đã lập nhà, sinh sống trên đó thành từng phường, bản. Một số làng khác cũng có phường, có bản như phường Tréo (Cổ Liễu), phường Tiễu (Thượng Phong), kể đến nay cũng đã có 5-7 đời người rồi…Trước kia thường gọi là phường Trấm, sau cách mạng 8/1945 thành công, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được đổi tên là An Sinh, Văn thủy thuộc xã Trường Thủy, nay là thôn Văn Minh, xã Văn Thủy. Nhưng dù có nhiều lần đổi tên gọi của phường Trấm thì ở đó vẫn là một bộ phận của làng Quy hậu mà thôi.

     Ở An Sinh cũng có nhiều di tích lịch sử như nghè Ông Cao Biền (Cao tức Kiêu, Biền tức Nà). Dân làng rất kị cái tên này vì người xưa kể rằng: Ngài Cao Biền người Tàu sang nước ta thời Bắc thuộc, ngài giỏi địa lý, phong thủy nên lập bàn thờ để cầu ngài che chở, nay miếu thờ của ngài ở gốc cây Sanh.Chính nơi đây, vào ngày 4/7/1945 đã thành lập lực lượng vũ trang Quảng Bình, nay quân khu IV đã cho xây Bia lưu niệm ngày này. Cũng tại An Sinh, vào ngày 4/7/1945, Hội nghị Việt minh toàn tỉnh được thành lập, sau Hội nghị thống nhất Đảng Quảng Bình tại chùa An Xá 2 ngày (theo lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy).

     Chuyện kể rằng: tại “Troốc vực” An Sinh có hai ngôi miếu thờ Hai công chúa con Vua Hùng thứ 18, tên là Ngọc Hoa và Tiên Dung. Tiên Dung có chồng là Chữ Đồng Tử, là một chàng trai nghèo khó, làm nghề chài lưới, là người tài giỏi văn chương nên sau được làm phò mã, kế nghiệp vua Hùng. Còn cô em là Ngọc Hoa (Mị Nương) sau lấy  Sơn Tinh có tài trị Thủy tinh.

     Theo gia phả của họ Nguyễn Văn thì người được làng cử lên An Sinh xây dựng, tu sửa, làm mới 3 ngôi miếu là ông Nguyễn Văn Tính (đội trưởng trung tá), Tước Quý Hầu, Thị Hùng Cẩm,  sau khi về lão được cử lên làm hội Chữ. Theo dòng lịch sử, ở An Sinh còn nhiều di tích lịch sử khác được nhà Văn, nhà báo chép lại như bài của Lê Đình Lờng viết:

“An Sinh ngòi bút, dĩa  nghiên”

     Năm 1558, “Ô châu cận lục" của tiến sĩ Dương Văn An viết: "Vực An Sinh ở ngã 3  nguồn Thổ Lị, huyện Lệ Thủy, trên thì mặt núi mở rộng, dưới thì sắc nước trong xanh." Năm 1776, nhà bác học Lê Quý Đôn soạn: " Phủ biên tập lục" và đến năm 1910 trong “Quốc sử quán", triều Nguyễn hoàn thành bộ "Đại Nam nhất thống chí" còn để lại cho người đời sau hiểu rằng: núi An Sinh, nơi chân núi có vực cũng gọi theo tên núi. Năm 1885, kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi đem theo một số quân tình nguyện với nhiều của cải châu báu ra Bắc lập căn cứ kháng chiến. Khi đi qua vực An Sinh (Bến Quan) để nhẹ gánh, đi cho nhanh, thoát khỏi sự truy đuổi của giặc, một số toán quân vận chuyển của nhà vua đã vứt xuống vực hai bão đài vàng (2 hòm vàng) với ý thức "thả xuống nác, không thà cho ác ăn".

     An Sinh - một địa chỉ đỏ, vùng đất bán sơn địa, trở thành  nơi sang lập lực lượng vũ trang Quảng Bỉnh đầu tiên của huyện Lệ Thủy.

     An Sinh - Trạng Càu - Ráng - Vườn hoa, là các thôn có từ những năm 1940-1945, khi nạn đói sắp xảy ra thì bà con Quy Hậu đã lên khai phá trồng sắn trồng khoai chống đói. Đến năm 1947, khi giặc Pháp đến xâm lược dân làng tản cư lên đó sinh sống. Sau ngày hòa bình lập lại (1954), một số bà con ở lại tiếp tục xây dựng thôn như ngày nay.

 

 

VĂN HÓA, XÃ HỘI LÀNG QUY HẬU

Về văn hóa:

     Con người Quy Hậu rất thật thà, cần cù lao động, siêng năng, sáng tạo, sống chân thật, mộc mạc, ít phô trương, ghét xua nịnh, ba hoa, lừa đảo. Trong cuộc sống thì “tình làng nghĩa xóm” được coi trọng. Ngày nay, khi đất nước phát triển, nhân dân cả nước cùng nhau thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết, xây dựng cuộc sống văn hóa văn minh, hiện đại, xây dựng quê hương giàu đẹp", thì những phẩm chất tốt đẹp của người dân làng Quy lại được nhân lên, tình người trở nên gắn bó hơn.

     Như ta đã biết, trước cách mạng, làng có đủ: đình, chùa, nghè, miếu, có cả bộ đồ lễ nghi phục vụ các nghi lễ, có bộ gia lễ, có đội nhạc, đội âm công "họ hiếu” phục vụ đám tang,… Giờ đây,  một số miếu thờ đã được tu sửa, trông khang trang hơn trước. Các nghi lễ cũng vẫn giữ nguyên.

     Thời xưa hằng năm, cứ đến lễ Kì Phước (vào giữa tháng 6 âm lịch ), làng tổ chức lễ hội 3 ngày: ngày đầu, rước sắc vua ban, ngày thứ hai rước các linh vị khai khẩn và linh vị.

     "Lục tộc" vào đình làng để tế lễ, có năm làng rước cả đoàn hát bội về chầu, ngày sau cùng nghinh thỉnh các linh vị trở lại như cũ.

     Ngoài ra các ngày lễ tiết khác như: muôn rằm tứ quý, đặc biệt là ngày Đông chí được các bậc bô lão, các vị chức sắc kì cựu chăm lo chu đáo, ngay cả lễ tế " Xuân thủ" cúng đầu năm tại các miếu ở An Sinh cũng được tổ chức. Làng có họ hiếu, có đội nhạc, có đội hát  Kiều  sắm đủ các vai từ Kim Trọng, Thúy Kiều, Vương ông... Hàng năm có biểu diễn cho dân làng xem. Đội nhạc có đủ sáu bộ nhạc cụ: Trống Kèn, đàn, sáo…

    Trong cuộc kháng chiến ác liệt, lâu dài nên dần dần đội nhạc mất đi, nay làng ta chưa khôi phục lại được. Hoạt động của câu lạc bộ, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, thơ ca hò vè, bóng  đá, bóng chuyển,... đang được khôi phục và phát triển. Một xóm  được xây dựng một đội âm công để phục vụ tang lễ theo quy chế văn hóa mới được nhân dân đồng tình ủng hộ.

    Trước cách  mạng tháng  8/1945, làng ta có đội ca kịch cách mạng thường xuyên biểu diễn các vở kịch: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Nguyễn Trãi, Phi Khanh... Họ vừa ca kịch vừa diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng ở nhiều nơi trong huyện. Đặc biệt là buổi biểu  diễn  tại sân vận động Cỗ Liễu. Trước đêm khởi nghĩa giành chính quyền (LS Huyện Đảng Bộ Lệ Thủy).

    Đời trước, hai Ngài họ Nguyễn và họ Mai tước vua ban "Công hầu" sau đó thấy đề   “Quan Viên Tử ” (con quan) chưa thấy ông bà nào làm quan to ở chốn Triều Đình cả. Sau này, theo gia phả họ Nguyễn Văn mới có ông Nguyễn Văn Tính làm đến chức đội trưởng, hiệu trung tá, tước Quy Hầu,Thị Hùng Biện. Trước cách mạng tháng Tám làng  ta có ông Nghè Đỗ, Nghè Lê, ngoài ra còn các chức sắc như Bang Tá, Cửu Phẩm, Thất Phẩm, Hội đồng... kể cũng nhiều.

Về kinh tế

     Làng ta chủ yếu nghề Nông, do đất chật người đông, bản chất cần cù chịu khó, một nắng hai sương đi khắp các vùng, các làng trong huyện để  thuê  ruộng "xâm canh" hơn phần nữa diện tích trong đồng "nghề làm ruộng" chắc không có làng  nào sánh  kịp,  “vắt  đất  ra  nước,  thay  trời  làm  mưa “ cồn cao, vực sâu  đến  mấy  hể dân làng Quy Hậu lấn làm thì ở đó vẩn "bằng phẳng", lúa màu đã làm thì bời bời xanh tốt (xem bài làng Quy Hậu của ông Lê Khuyên).

     Các  nghề  thủ  công  cùng  phát  triển  mạnh  mẽ  như  nghề trồng bông dệt vải, vải Quy Hậu bền chắc,  nếu  được  nhuộm  nâu  thì  "chó cắn không rách"  hợp túi tiền nên khắp nơi ai cũng ưa chuộng,  nghề rừng,  nghề mộc cũng  nổi  tiếng  một  vùng, ông  bộ  Kề  với ông  Tổng Giãng  đã  hợp  sức chế  tạo  ra chiếc  xe  đạp  nước  đầu  tiên,  được  đưa  đi  triển  lãm  trong  huyện, ngày nay do máy bơm hoặc thủy lợi tưới  tiêu  nên  xe đạp nước không còn  nữa (chắc con cháu ta khó hình dung  được xe  đạp nước là thế nào?).

     Sau  năm 1930,  lại  phát  triến   thêm  nghề  nón  lá, nghề  nón  tuy  thu  nhập  thấp  nhưng cả làng ai cũng làm, trung  bình  mỗi  ngày  cả  làng  làm  ra  hơn  500 chiếc  nón  lá, thu  nhập vào hàng chục triệu đồng. (Xin đọc tiếp phần nón lá làng Quy để hiểu rõ).

     Theo  báo cáo tổng  kết  của  làng  năm  2000  cũng  đã  phát  triển  trên 25 ngành  nghề  khác nhau làm tăng  thu  nhập hàng năm  từ 10% - 15%  so với  tổng  thu  nhập năm trước. Do  đó,  đời  sống của người dân  đã  được  cải  thiện  nâng  lên  rỏ  rệt,  đã  xóa  được  đói  giảm  được  nghèo, nhiều hộ có thu nhập hàng nhăm  từ  20-30  triệu  đồng,  gần 100% gia  đình  có  xe  đạp ,  gần  90%  gia  đình  có xe gắn máy, nhà  nào cũng  có  tivi,  tủ lạnh..

     Ngày trước, do cách sông  trở đò (chưa có cầu) dân làng vùng trên đi chợ tréo, phải nghỉ lại chờ đò sang sông, tiện việc họ bán khoai sắn hoa quả..lâu ngày hóa ra “chợ đò”. Ngày nay có sẵn cầu, có cầu đường  thuận tiện cho đi lại nhưng chợ đò vẫn phát triển thành chợ Cầu như ngày nay. Chợ Cầu tuy nhỏ nhưng có đủ hàng hóa phục vụ đời sống cho dân làng.

     Nói đến chợ Cầu làm tôi nhớ đến "chợ Tréo", tôi hỏi anh Hoàng Đình Luyện vì sao lại gọi là chợ Tréo? Anh cho biết: Ngày xưa chợ Tréo thuộc làng Quy Hậu quản lý nhưng chợ lại ở giữa làng Cỗ Liễu nên mới gọi là chợ Tréo. Về sau, quan huyện cùng hương lý hai làng bàn bạc trao đổi cho nhau. Cỗ Liễu lấy chợ, Quy Hậu lấy ruộng giáp Cổ Liễu. Cợ ruộng này trước gọi là cợ ruộng biên liễu nay là cợ ruộng Đàng Nự mãi cho đến nay. Thế mới biết tổ tiên ta coi trọng ruộng đất quý hơn vàng bạc, có lẽ với truyền thống ấy nên đến nay làng ta vẫn đi cày cấy, thâm canh khắp các nơi trong huyện.

     Anh Luyện cũng cho biết: Ngày trước đình làng Cỗ Liễu (vùng đất trước nhà anh Bàn, anh Đồng có vườn bông của Quy Hậu cho đến cuối những năm 1920 mới trở về Cổ Liễu). Bà Mai Thị Vẫn, một cô gái hái bông xin đẹp đã yêu một chàng trai Cỗ Liễu ngay từ buổi ấy (Quán cháo bà Vẫn - nuôi cán bộ cách mạng trong lịch sử huyện Đảng Bộ Lệ Thủy).

     Để kết thúc phần này, xin lấy bài "Cáo Tổ" của cụ Lê Trung Hiếu đọc trong lễ Đông Chí năm 1990 làm kết thúc chuyện đời xưa của tổ tiên ta. Bài này có một số câu, chữ cần được tra cứu bổ sung dù sao đây cũng là chuyện kể công đức tổ tiên để lại cho con cháu cho đời

Cáo Tổ

Tổ tiên xưa vốn người giao chỉ

Vào nơi đây là đất Châu Ô

Thế kỉ XV chiến sự xô bồ

Người xứ Bắc tràn vào lập nghiệp

Các cụ xưa vai  mang gói xách

Đoàn có sáu người do ông Nguyễn dẩn đầu

Đến đất này thống nhất cùng nhau

Chọn lãnh địa định cư lập ấp

Tổ tiên ta toan lo từ trước

Ngàn đời sau con cháu mãi sinh sôi

Rừng rú, đồi hoang, đầm phá bãi bồi

Chiếm cứ khai canh gần năm trăm mẫu

Đất hình chữ Quy mới đặt tên làng Quy Hậu

Sáu họ một làng, lục tộc đồng hương

Ngày tháng qua đi lớp lớp lớn lên

Gần năm trăm năm tăng mấy lần bội số

Từ một xóm chỉ gồm sáu hộ

Nay một làng nhân khẩu hơn ba ngàn

Giữa không gian bát ngát mênh mông

Khoảng thời gian ấy biết bao kì tích.

Đẵn gỗ, đào mương, đắp đê, cuốc đất

Phở lác, chặt lùng mở lối khai canh

Kể từ đầu, từ Tả Hữu Thanh Long

Qua cho đến Mốc Cao, Bổn Ngoại

Là công lao cha ông để lại

Nay cháu con mới có ruộng cầy

Hơn bốn trăm năm là mười bốn vạn mấy ngàn ngày

Đã sinh hạ ra mười sáu đời con cháu

 

Lớp lớp tuôn ra mồ hôi và máu

Đã thấm vào trong mảnh đất quê hương

Đã làm nên một Quy Hậu kiên cường

Có Đình cô có hai Nghè, hai Miếu.

Có Đền Chùa lập ra Họ Hiếu

Có dân cư, có Giáp, có Phường

Có cụ Nghè đỗ khoa hội, khoa hương

Quan võ tướng có ông Đề, ông Lãnh.

Có kỉ vật chuông chùa ta đánh

Tục truyền rằng:Tiếng vọng đến Đồng Nai

Tổ tiên ta vốn bậc kì tài

Đặt sơn cước cùng chăm lo địa phận

Từ bến Nhà Muôi mà ra Cồn Rộng

Từ khe Chài vào tận Động Nham

Đất mênh mong, đồi núi cũng mênh mong

Nay con cháu tha hồ hưởng thụ

Giang sơn ấy là cửa nhà ta đó

Có ngày xưa mới có ngày hôm nay

Đắp bồi tô điểm sao đây

Cho cam công trước cho đầy phước sau.

Làng Quy Hậu là của dân QuyHậu

Biết ơn xưa tiên tổ ông bà,

Mỗi một người còn sống ở trong ta,

Thề báo nghĩa bằng tấm.lòng trung hiếu.

              ***

Lê Trung Hiếu

 

Phần thứ hai

QUY HẬU LÀNG TA TỪ NGÀY CÓ ĐẢNG

     Làng ta cũng như hàng ngàn làng quê hương Việt Nam. Trước chưa có Đảng hơn chín mươi lăm phần trăm dân số nghèo khổ, hàng chục gia đình trong làng không có một tấc đất cắm dùi, quanh cày thuê cuốc mướn cho địa chủ, phú nông.

    Nạn đói năm 1945 làm hàng trăm người chết, hàng chục gia đình phải tha phương cầu thực, trong hoàn cảnh đó ảnh hưởng của Đảng, của cách mạng đã đến với làng ta. Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, tiếp đến là cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh .... Đảng đến với Lệ Thủy từ những năm 1931 - 1932. Cơ sở đầu tiên ở Lệ Thủy được thành lập tại Trung Lực, Mỹ Thổ tháng, 10- 1931. Theo lịch sử Đảng bộ Lệ Thủy thì đến những năm 1935 - 1936 trong phong trào dân chủ thì Đảng đã về với làng ta như một số làng khác trong huyện. Thông qua con đường đọc sách báo tiến bộ và các thầy giáo, các anh thanh niên, sinh viên học ở Huế về như anh Thanh (Nuôi) anh Tý, anh Phan, anh Lương, anh Lộc, chị Lợi, v.v… học ở trường Thành Chung (An Xá) có anh Thường, anh Châu, v.v... Họ đều là lớp người tri thức như thầy giáo Đỗ Hùng, Đỗ Hạnh, Đỗ Duy Kế, Đỗ Duy Thường, v.v... Tiếp thu ảnh hưởng cách mạng rất sớm, họ là những hạt nhân cho phong trào cách mạng ở làng ta. Những năm 1936 - 1939 phong trào dân chủ lên mạnh các cuộc đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi cấp lại ruộng đất, xóa bỏ chế độ."Nhất đẳng điều quan viên kì cựu, nhị đẳng điều ba hạng đến dân. Cuộc đấu tranh chống "Lậu đinh, lậu điền" kéo dài ba năm từ huyện lên tỉnh mới giải quyết được (theo lời kể của cụ Đỗ Nhân - 95 tuổi ở đội 5).

    Tháng 9 năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổi, ở Đông Dương Nhật hất cẳng Pháp, dân ta một cổ hai trồng nô lệ. Nạn đói năm 1945 làm hơn hai triệu người chết, làng ta cũng nằm trong bối cảnh ấy. Tổ chức Việt Minh ở làng đã bí mật đoạt động: vận động lúa gạo nhà giàu, nhận gạo cứu đói của cấp trên về nấu cháo cho dân sống qua ngày tháng. Vận động bầu lại lý trưởng, ông Đỗ Duy Kế được dân bầu làm lý trưởng thay ông Lý Bủng. Tổ chức ra "Hội công lực" đi khai hoang trồng khoai sắn ở (cồn thôn, khe chài (An Sinh) chuẩn bị lực lượng giành chính quyền. Hội nghị  Việt Minh tỉnh ngày 4/4/1945 tại trại sản xuất An Sinh … có thể nói phong trào Việt Minh ở làng ta lúc này hết sức sôi động, nổi lên là đội ca kịch: vừa biểu diễn ca kịch vừa tuyên truyền cách mạng. Trong cuốn “Lệ Thủy quê tôi” ông Lê Văn Khuyên có viết: anh Nguyễn Văn Thanh (anh Nuôi) giác ngộ cách mạng rất sớm. Năm 1947, anh mới 24 tuổi đã làm bí thư huyện ủy Lệ Thủy. Năm 1949, làm bí thư tỉnh ủy Quảng Bình. Sau này anh đến chức hàm tướng. Mùa thu tháng 8 năm 1954, khi Việt Minh còn hoạt động bí mật có một thanh niên trẻ măng giám đi diễn thuyết trước quần chúng nhiều nơi trong huyện với lời lẽ hùng hồn trôi chảy, hấp dẫn lại thường, đó chính là anh Thanh.

     Theo bác Lê Thuận Sản (lão thành cách mạng) quê ở Mỹ Thổ kể: Đầu năm 1942, cơ sở Mỹ Thổ - Trung Lực bị vỡ, một số đồng chí bị bắt tù đày. Tổ chức quyết định chuyển cơ quan ẩn ở Quy Hậu (nhà anh Thường) sau đồng chí Bùi Trung Lập, xứ ủy Trung Kỳ về Quy Hậu kiểm tra thấy gần huyện lỵ không tiện cho việc in ấn nên phải chuyển di nơi khác. Nhà anh Kế - chị Thơm cũng là nơi giao tiếp bí mật của tổ chứa Việt Minh trong làng và nơi khác đến. Theo hồi ký của cụ Đỗ Duy Thường: Tối ngày 19/8/1945 tại nhà anh Đỗ Duy Kế có cuộc họp do đồng chí Võ Hồng Thanh mời ở đây có đồng chí Dương Đình Mai, Võ Văn Quyết, Đỗ Duy Thường … Sau khi nghe đ/c Hồng Thanh truyền đạt mệnh lệnh, khởi nghĩa ngày 23/8/1945 đ/c Thanh giao cho đ/c Kế 5mét vải điều để may năm lá cờ đỏ sao vàng chuẩn bị cho ngày khởi nghĩa và đã thêu cho ông Nguyễn Văn Trần (Thợ thêu) may. Như vậy cờ đỏ sao vàng ở Lệ Thủy được may tại làng ta trong ngày 19/8/1945.

     Đội ca kịch của làng gồm có anh Thanh, anh Tý, anh Châu, anh Lộc, anh Lương, anh Kính, chị Lợi, Huê, Minh, Nhạn, Lừa, Phi và anh Hoài. Đội đã biểu diễn các vở ca kịch như: Nguyễn Trãi – Phi Khanh, Trưng Trắc Trưng Nhị, Phạm Hồng Thái … thu hút hàng trăm lượt người đến xem không những biểu diễn trong làng mà còn biểu diễn tại sân vận động huyện trước đêm khởi nghĩa để thị uy và vận động quần chúng cách mạnh. Cùng ca kịch, họ còn tổ chức luyện tập võ nghệ cho thanh niên chuẩn bị lực lượng để giành chính quyền do ông Bát Nuôi (bố anh Châu, anh Lương) dạy võ và tham gia giành chính quyền ở huyện ta ngày 23/8/1945.

    Theo lịch sử huyện Đảng bộ Lệ Thủy:

-         Ngày 2/7/1945 hội  nghị cán bộ Đảng tỉnh Quảng Bình tại chùa An Xá, Lộc Thủy.

-         Ngày 4/7/1945 hội nghị thành lập tỉnh bộ Việt Minh tại trại sản xuất An Sinh (Trường Thủy). Đoàn cán bộ huyện Lệ Thủy dự hội nghị này có sáu đồng chí và ba đồng chí bảo vệ. Đó là: Nguyễn Phú Thanh, Nguyễn Thê Bưu, Nguyễn Dỉnh phụ trách. Sau hội nghị về đồng chí Thanh tổ chức một cuộc tuyên truyền tại chợ Tréo rồi đột nhập huyện đường.

-         Tháng 7/1945 tại nhà thờ họ Phạm (Xuân Lai) hội nghị Việt Minh bầu 9 đồng chí vào ban chấp hành huyện bộ Việt Minh, trong đó có đồng chí Duy Thường, Phú Thanh.

-         Ngày 19/8/19458 khi nghe phổ biến lệnh khởi nghĩa, đồng chí Duy Thường là thành viên trong ban khởi nghĩa của huyện.

-         Ngày 23/8/1945 cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện ta thắng lợi mở ra kỷ nguyên mới trên quê hương Lệ Thủy.

-         Ngày 02/9/1945 Quốc Khánh đầu tiên ở huyện và xã ta cũng được tổ chức long trọng. Chi bộ Quy Hậu – Mỹ Trạch được thành lập ngày 20/10/1945. Từ đây, tổ chức Đảng ở làng ta chính thức sinh hoạt.

     Sau cách mạng tháng 8, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ chủ tịch cả làng đều tham gia “Thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”.

     Về diệt giặc đói thực hiện khẩu hiệu “Tấc đất tấ vàng” nơi nào có đất là nơi đó có khoai sắn, rau màu, vụ chiêm cũng mới thu hoạch nên nạn đói đã được dập tắt.

     Về giặc đốt, thì phong trào “Bình dân học vụ” được tổ chức khắp các xóm: người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Làng có ban bình dân học vụ do ông Mai Sen làm trưởng ban chỉ trong thời gian ngắn dân làng đã biết đọc biết viết và được cấp trên công nhận là làng xóa nạn mù chữ đầu tiên của huyện.

     Ngày 06/01/1946, lần đầu tiên dân làng ta đã tự mình chọn đại biểu xứng đáng bầu vào quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, để cử tri dễ nhớ, ban vận động bầu cử huyện đã có bài “Bầu cho Vỏ Quyết, Thật Tùng, Trần Hường, Hoàng Diệm lại cùng Võ Nho”.

     Sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, giặc Pháp trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Phong trào “Nam tiến” diệt giặc ngoại xâm lên mạnh. Năm 1946, nhiều  thanh niên trong làng hăng hái vào nam diệt giặc như: anh Nguyễn Văn Đẩu, Nguyễn Văn Ruôi, Nguyên Văn Thêu, Đô Bá Giao, Mai Văn Thiển, Lê Công Đàm, Nguyễn Quang  Thiều, Đỗ Vãn Tế, …

     Sau ngày hòa bình lập lại (1954), đất nước tạm chia hai miền Bắc-Nam các anh Đàm, Ruôi ra Bắc tập kết còn các anh khác tiếp tục sự nghiệp giải phóng dân tộc như ih Thêu ở huyện Cái Nước (Cà Mau), anh Thiều, anh Giao ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Tổ quốc thống nhất, các anh Thêu, Thiều, Giao đã về thăm quê, một số anh khác đã hi sinh vì tổ quốc trở thành những chiến sĩ vô danh như anh Đẩu, anh Tuế...

     Nhân dịp kỷ niệm 60 mươi năm ngày thương binh liệt sĩ 27/7/2007, tôi có viết bài tưởng niệm: Anh tôi không về, xin chép lại như sau:

 

Anh tôi không về

Cách mạnh tháng tám thành công
Anh vào vệ quốc quân
Rồi vào Nam chiến đấu
Từ đầu năm bốn sáu
Mãi đến nay không về
Bạn đồng hành chân đất thôn quê
Mùa lúa chín mong anh về gặt.

Đất nước mình hơn ba mươi năm hết giặc

Sao anh không về

Anh ở đâu?

ở núi thẳm rừng sâu

Hay đã vào Nghĩa trang liệt sĩ

Kỷ niệm sáu mươi năm

Ngày thương binh liệt sĩ

Nhớ ơn người trong đó có anh tôi!(1)

(1) Anh tôi: Nguyễn Văn Đẩu (liệt sĩ vô danh).

Nguyễn Hùng Dũng

 

 

Phần thứ ba

QUY HẬU LÀNG TA QUA CHÍN NĂM KHÁNG

CHIẾN CHỐNG THỤC DÂN PHÁP

 

     Ngày 27/3/1947,  giặc Pháp trở lại xâm lược Quảng Bình mà chủ yếu là  Đồng Hới.

     Ngày 30/3/1941,  giặc Pháp kéo đến Lệ Thủy bằng hai con đường từ Đồng Hới lên và từ Quảng Trị  ra. Ngay từ buổi đầu chúng đã bị quân dân Lệ Thủy đánh trả quyết liệt [Xem lịch sử Đảng bộ Lệ Thủy).

     Chiếm được Lệ Thủy, gịặc Pháp đã  xây dựng một hệ thống Đồn — Bốt dày đặc theo đường quốc lộ 1A., đường 15 và  vùng giữa.

      Quy Hậu  quê mình cùng nằm trong vùng kìm kẹp  giữa các Đồn Thượng Phong, Hào Luật Nam, Liên Thiện, Xuân Bồ, Mỹ Trạch, ngày đêm chúng càn quét đốt phá ác liệt.

     Ngay từ đầu giặc mới đến dân làng tản cư lên chiến khu, thực hiện "Vườn không nhà trống”, “ Tiểu  Thổ kháng chiến”, “Thà chết không chịu làm nô lệ” ,v.v…

     Được một thời gian ngắn thì  Chính phủ Việt Nam kêu gọi đồng bào hồi cư, bám làng, bám ruộng sản xuất để cung cấp lương thực cho kháng chiến trường kỳ, “thực túc binh cường”.

     Dân làng ta lương thiện, các tôn giáo tuy có nhưng rất ít, như Phật giáo vài ba gia đình Thiên chúa giáo, có mỗi một gia đình ông  Đỗ Duy Mỡn – có con là Đỗ Duy Cần cam tâm làm việt gian. Khi tây mới đến  chúng đã bám gót giặc, chỉ điểm người làm Việt minh trong làng cho giặc bắn giết,  kể cả anh em thúc bá, họ hàng của chúng.

     Rạng ngày 5/4/1947 (tức ngày 3/3 Đinh Hợi) sau 5 ngày giặc Pháp chiếm đóng Lệ Thủy. Bọn Tây trắng, Tây đen đến bao vây làng Quy Hậu. Chúng vào từng nhà lùa hết mọi người ra sân trường Tiểu học (nay là trường Mầm Non ở đội 3 cạnh nhà văn  hóa). Chúng bắt một số  người mà tên Cần cho là Việt Minh quỳ một hàng ngang dưới chân cột cờ  trên bệ chân cột cờ  chúng bắc sẵn khẩu Đại  Liên có hai tên Tây chực sẵn chờ lệnh bóp cò lính Tây trắng, đen bao vây kính đáo.

     Một cuộc khủng bố, tàn sát làng Linisơ  (Tiệp Khắc) của phát xít Đức  đang chờ sẵn với dân làng ta.

     Tôi thấy dưới chân cột cờ, trước họng súng Đại Liên chúng đã bắt ông Mai Ngao (Lý viên) bố vợ của anh Thanh, ông Mai Viên (Binh phần), ông Nguyễn Văn Vinh (Binh vói) anh Nguyễn Văn Giỏ. Thanh niên quỳ một hàng, mặt họ nhìn dân làng mà tràn đầy nước mắt.

     Sau khi dân làng đã ra hết ở sân trường, khoảng 10h tên thông ngôn nói: Mọi người  sắp hàng dọc, những em từ 10 đến 15 tuổi cho về trước, tiếp đến từ 15 đến 20 tuổi, sau đó từ 21 đến 25 tuổi tiếp tục cho về….

     Khi hàng người đi qua trước mặt tên  Tây Trắng, tên Cần chỉ đến ai người đó bị Tây bắt lại, trói tay rồi đưa đi chổ khác, lớp từ 10-15 tuổi chúng bắt các anh Nguyễn Quang Vịnh, Đỗ Văn Thang làm liên lạc cho Tư vệ thôn; lớp tứ 13-20 tuổi, chúng bắt các anh Đỗ Phương, Đỗ Tùng. Các lớp khác, chúng bắt trên 20 người trong đó có các ông Đỗ Bi, Đỗ Hiếu, Mai Viên, Nguyễn Vinh, Nguyễn Giõ. Chúng bắn chết tại chổ hai người là Ông Mai Ngao (Lý viên), Nguyễn Giõ (thanh niên tự vệ thôn).

     Năm 1948, anh Vinh, anh Thang được chúng cho về, số còn lại chúng đưa đi bắn chết ở đâu không biết! Nghe  ông Vịnh (nay đã 78 tuổi còn sống) kể lại rằng: Khi dân làng đã tập trung đông đủ, tên Cần nói với tên thông ngôn để tên này nói lại với quan Tây rằng "Tơlumongdongyilas Quy Hậu xettulow Việt minh" nghĩa là dân Quy Hậu Việt minh cả, bắn hết cho nó biết.

    Tên thông ngôn nói với tên Cần rằng: Tôi đồng ý Quy Hậu có Việt minh nhưng không phải Viêt minh cả làng, ai Viêt minh thì ông bắt, ông bắn chứ không nên bắn cả làng tội nghiệp! Tên Cần nghe ra và đồng ý  như đã nói ở trên. Nghe nói tên thông ngôn này  ở làng Đại Phong sau trốn lên chiến khu tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

     Sau trận khủng bố này, dân làng càng căm thù giặc Pháp lại càng căm thù tên Cần, họ thề bắt đươc tên Cần sẽ phân thây xé xác nó ra mới hả dạ nhưng không làm được, nó đã theo Tây. Cả nhà nó cùng theo Tây, chỉ chừa lại gia đình người em ở lại là Đỗ Duy Kiệm.

     Tháng 5 năm 1947 giặc Pháp từ đồn Thượng Phong kéo lên càn quét, khủng bố dân làng. Lập tức bị bộ đội và lực lượng du kích làng chặn đánh quyết liệt, diệt tại đường quan (Trước nhà ông Lạch - ông nội anh Thanh ở đội 5 hiện nay) giết một tên quan ba,) và mấy tên khác bị thương. Bọn chúng vào nhà ông Lạch kê cái giường tre ông nằm đê khiêng tên tây vê đồn Ông Lạch không cho nó bắn chệt tại nhà. /

     Bị thua trận bọn chúng rút về đồn Thượng Phong, bên ta anh Nguyên Văn Thái (du kích thôn) hi sinh, anh Nguyên Văn Thọ (bố anh Thăng đội 1) bị thương nặng trong chiều ngày ấy. Bọn chúng tập trung lực lượng dùng đủ mọi thứ vũ khí kể cả canoong ở đồn Hòa Luật Nam dội sang quyết tiến công vào làng ta nhưng bộ đội, du Kích và dân làng đã rút ra đồng để lại vườn không nhà trống: nổi giận chúng châm lửa đốt sạch làng, ngọn lửa bốc lên che kính cả một vùng trời tàn khốc.

     Vụ chiêm năm này được mùa nhưng do lụt tiểu mãn 20/5 làm cho cả cánh đồng ngập nước lúa chín không gặt kịp, lại bị giặc Pháp nổ súng ra đồng khủng bố nên lúa mộng, mạ mộc lên xanh cả chẹn lúa còn hoa màu như: khoai, sắn, ngô, đậu đặc biệt là "dưa gang" một loại dưa quý hiếm (nay không còn nửa) trôi nổi  khắp đồng.

     Trời thì mưa lũ, giặc Pháp bắn phá khủng bố, hễ thấy người ra đồng là chúng nổ
súng bắn chết, lúa ngô khoai, sắn và dưa gang trôi nổi thối cả đồng. Cánh đồng làng
ta nằm trước mũi súng của nạn đói lại xảy ra, bà con dân làng lại phải lên chiến khu để sản xuất chống đói.

     Vụ sản xuất Đông Xuân 1947 - 1948, dân làng lại trở về cày cấy,  bọn chúng buộc làng phải lập hội tề,  phải "Quy thuận" chúng mới cho ra đồng sản xuất, các cụ bô lão mới cử ông Lê Quang Chồng (mắt mờ tai điếc) ra trình diện đồn làm Lý Trưởng. Ông làm được khoảng một tháng thì bọn chúng không cho ông làm nữa buộc làng phải cử Lý Trưởng khác. Các cụ lại họp bàn (có sự chỉ đạo của Việt minh). Làng lại cử ông Mai Văn Sung làm Lý Trưởng Ông này có biết chữ lại vui tính nên được bọn chúng chấp nhận, song cũng chỉ được một hai tháng thì ông bị bệnh già yếu rồi chết, cày cấy xong thì làng lại không có Lý Trưởng. Bọn chúng lại khủng bố, ngày đêm nả pháo vào làng, thấy dân làng ra đổng nó bắn.

     Thời kháng chiến tình hình rất căng thẳng, làng mới cử lý mới thì Cách mạng ta diệt như ông phó Phạm ông Trùm R. Từ đó không ai dám đứng ra làm Lý Trưởng nữa.

     Cũng như lần trưóc,  mỗi sáng tinh mơ,  bọn chúng đã áp vào làng bắt các cụ bô lão, các vị "quan viên kỳ cựu" ra đình tập trung. Chúng buộc ta phải cử ra ban Hương lý  "Hội Tề" không chúng tiêu diệt cả làng. Bọn chúng đã làm sẵn danh sách  Hương lý từ trước cách mạng tháng tám.

     Ban Hương lý lần này có đủ các chức sắc như Lý trưởng, Phó lý, Hương kiểm, Hương mục, Hương dịch, Hương bản v.v. Được biết, bọn chúng lập ra "Hội tề" ở làng ta sau các làng lân cận.

     Hoạt động của địch lúc này khá ráo riết, hầu như chúng đã "ổn định" được vùng đồng bằng, chúng bắt dân làng chặt tre rào làng, tổ chức canh gác chặt chẽ "Hương vệ đoàn" do Hương kiểm trực tiếp phụ trách. Các cổng ra vào làng đều có "Điểm canh" có mõ khắc lao, có Hương vệ đi tuần rất chặt chẽ nhưng chúng có biết đâu lực lượng hương vệ này đều là con em Việt minh cài vào cả. Cho nên sau khi ta "diệt tề trừ gian" xong, họ tuyên bố thành lập trung đội du kích thôn, nhiều người kết nạp vào Đảng cộng sản năm 1949.

      Làng ta cùng như các làng khác, bọn chúng bắt dân canh gác ngày đêm, tuyệt đối không cho người lạ mặt vào làng nếu không có giấy thông hành của 'hội " Tề “ sơ tại cấp.

      Ban đêm Việt minh vào làng, phải báo động báo cho "cụ lớn" biết, làng ta khi Việt minh về, có "Khẩu lệnh" họp nhau rồi là Hương vệ mở cửa đón Việt minh vào làng hoạt động. Khi xong việc Việt minh ra khỏi làng mới nổi trống mỏ báo động.

     Chiếc cầu gỗ có trước năm 1945,  năm 1947 khi giặc Pháp đến lực lượng tự vệ thôn đã đốt phá "Cắt đính đường, phá cầu" không cho giặc càn quét là chủ trương của ta hồi đó. Đến năm 1948, khi đã ổn định được vùng đồng bằng, bọn chúng cho bắc lại cầu gỗ, chúng bắt dân chở đường ray (tàu hỏa) về làm đà nên cầu khá vững chắc, xe ô tô chở lính qua cầu tiến lên chiến khu Bang Rợn của ta, tất nhiên chúng đã bị dân quân ta đánh cho tan tác không tài nào lên chiến khu được (xem lịch sử Đảng bộ Lệ Thúy).

     Đầu năm 1948, theo chủ trương của huyện, các xã Tây hồ, Cao Vân sát nhập lại một xã lấy tên là xã Liên Thủy.

     Tháng năm 1948, đại hội đại biểu huyện Đảng bộ ra nghị quyết "Tất cả bám dân, bám đất, phát động toàn dân đánh giặc giữ làng". Xã Liên Thủy có thêm sức mạnh mới, chi bộ xã được củng cố thêm một bước. Lúc này, đồng chí Nguyễn Văn Hòe (bố đ/c Kề) được bầu làm chủ tịch Ủy ban.

     Cuối năm 1948, phong trào "Diệt tề trừ gian" phát triển manh mẽ, chỉ trong một  đêm bộ đội ta phối hợp với lực lượng du kích (bí mật) của thôn bắt gọn bọn Hội tề và một số tên Việt gian ngấm ngầm hoạt động cho địch, trong đó có Đỗ Duy Kiệm. Số hội tể này được tập trung lại một chỗ, nghe bộ đội ta giải thích chính sách khoan hồng của chính phủ, nói rõ chủ trương giải tán Hội tề và kêu gọi lên chiến khu "cải tạo" rồi cho về duy chỉ có hai tên bị ta xử lý (bắn) tại chỗ.

     Nhớ một đêm cuối năm 1948, Việt minh vào làng đã làm xong nhiệm vụ, khi họ rút lui mới đốt hết điểm gác, đốt cả hàng rào rồi kêu "cụ lớn cứu với", lúc đó có một số bô lão "cầu an" đốt đuốc, chạy ra đường quan van cụ lớn cứu với, cụ lớn không lên cứu nằm tại đồn Thượng Phong nả pháo và bắn Đại Liên vào làng làm cho một số cụ chết và bị thương trong đó có ông Cửu Huề chết, ông Nghè, ông Kính, ông Nghệ bị thương. Sáng mai, cụ lớn lên khen làng Quy Hậu giỏi.

     Vào một đêm khác giữa tháng 10/1948, trời mưa lạnh, gió heo may Việt minh lại về làng bắt gọn số Hương lý lên chiến khu cải tạo, làm xong việc lại đốt điểm canh gác, hàng rào và nổi trống mỏ rất rầm rộ.

     Thầy giáo Nguyễn Văn Nam có làm bài thơ kể chuyện đêm ấy như sau:

Không đề

Chiếu giường vừa soạn ngáy pho pho

Tiếng độn vang lừng tợ hẩy bò

Bao nhiêu trống mỏ đều la ó

Bao nhiêu điểm dỏ biến thành tro

Đống tro rạng đến ngày mai

Nhìn quẩn nhìn quanh chẳng thấy ai

Ông Lý, ông Hương mất đầu cả

Vợ, con thường nhớ hoài

Nhớ hoài nỏ muộn cùng không lâu

à! May  sót được một anh sâu

Tây cầm quả lựu toang không nổ Chạy sang đồn báo kéo lâu.

                                                                  Nguyễn Văn Nẫm

      Lại nói chuyện Hội tề gặt lúa dân, vụ chiêm năm 1948 mà nó cho là “ruộng việt minh”, “ Ruộng có tên mà không có mặt”. Ông Nguyễn Quang Trúc, tức cảnh đã có bài vè Hương lý. Tuy Nhiên, đây là vè kể chuyện lịch sử một thời, chuyện xảy ra cũng chỉ một lần, hơn nữa cũng do giặc Pháp gây nên, lúc này giặc Pháp cũng bắt dân vùng dưới đi gặt cướp lúa về cho nó. Hội tề làng ta khi đó chẳng qua lợi dụng mà thôi.

     Họ là người đã tham gia giành quyền thắng lợi năm 1945 và sau này họ lại tiếp tục tham gia xây dựng quê hương, xây dựng HTX. Hơn nữa, sau này đất nước thống nhất, Đảng và chính phủ đã nêu lên khẩu hiệu “Bỏ qua quá khứ, hướng tới tương lai”.

     Để tôn trọng lịch sử, tôn trọng quyền tác giả, tôi xin chép lại nguyên bản, không thêm bớt chút nào mong bạn đọc thông cảm.

Vè hương lý

Lẳng lặng mà nghe

Nghe vè Hương lý

Có ông bộ D (1)

Bóc lột quá tay

Mỗi người một trự (2)

Ông không tư lự

Ông nổ thương dân

Ông nói tần ơn

Có ông bảo đảm

Lại thêm Hương bản (3)

Mua một viết ba

Dân chúng kêu la

Sắc hào không mắt

Bắt dân đi cắt (4)

Hương K’, hương K (1)

Chưởi diết la oang

Trình đồn nạp huyện

Quy Hậu cắt ruộng kháng chiến

Cái o đem cho Khoán Hiểu (7)

Cái nộng đem biếu chín thầy

Cái đầu không biết mần chi

Hôm chấm máy bộ (8)

Cho dân ăn uống

Cứ sổ cấp ruộng

Thượng hạ phân minh

Ăn uống giữa Đình

Dân không được nói

Ba ngày đào hói

Ta sẽ liệu cho

Bốn giáp hai bò

Cơm ăn hai bữa

Bao nhiêu củi lửa

Bữa cột Hương Trường (9)

Nói ra thăm thương

Gia đình cán bộ

Tây Tới đến chỗ

Lập bộ Lý Hương

Bắt được dân thường

Đem vào tự vệ

Biết bao xiết kể

Khổ nhục muôn phần

Người có tin thần

Thì phải ẩn núp

Súng bắn bì bụp

Thì phải thoát thân

Rồi sung dậy mần

Đề phòng tiếp tế

Không hay mưu kế

Không có hạt đâu

Trinh sát réo trâu (13)

Có C ông C

Đặt Mi rình lén

Bắt bọn Việt minh

Nố chộ mầm thinh

Chạy liền vào báo

Với ông Đỗ K

Có tên Nguyễn Sáu (14)

Nó lọt vào làng

Ông Lí la- oang

Chạy tìm eng Khế(15)

Mi là tiếp tế

Cho nó ngoài đồng

Tui thì chối không

Ông thì la giết

Tui nói không biết

Ông lại bóp bơ

Mi nói trơ trơ

Cắt ruộng Việt minh

Chất lúa ngoài Đình

Hai mươi một mẩu

Có dư bảy sào

Dân nói ồn ào

Thì dân được chết

Bên đồn cụ biết

Bắn hết cả làng

Việc này sửa sang

Do ban Hương lý

Thóc đâu mà hỏi thủ quỹ

Khi ấy thầy Lý

Vừa nói vừa cười

Thóc lưa tám mươi (5)

Mà chưa nói được

Đến lề kỳ phước (6)

Làng tế hai bò

Trừa cái đầu, cái nọng, cái o

Rồi súng dậy mần

Đề phòng tiếp tế

Không hay mưu kế

Có kẻ mần giàu

Bên đồn cắt trước

Tổng Gi(1) cắt sau

Chổ này một Triêng

Chồ kia ba bó

Nói qua thầy phó

Thầy cũng cắt thêm

Cắt ruộng có tên

Mà không có mặt

Ruộng này cung cấp

Do Đảng Việt minh

Nói ra tình hình

Ai cho bay cấy

Ruộng này cắt lây

Để tại Làng Tân (10)

Sương thóc lần lần

Chục ni, trăm khác

Nói qua số bạc

Thầy Lý cổng nhiều

Phần này ta nêu

Thì dân cùng hoảng

Lại thêm TôngGi(1I)

Ngồi đố ve bày

Phần này ta nêu

Đem dây trăm trự

Ta là khoán chư(12)

Sáng giơ nêu cho

Đứng đắn, đừng đo

Chưa đầy năm thúng thóc

Đừng khóc, đừng lóc

Chiều qua ông bổn L

Tới nói tàu nghe

Mi xách nồi chè

Ra ngoài Cồn Thiển(16)

Việc này nguy biên

Để lại cho mi

Đưa giấy tình nghi

Mi bị Kiềm Thúc

Thưa ông

Tui đây nhiều lúc

Tù tội gian nan

Thưa với ủy ban (17)

Mong rằng để ý

Đêm nằm mọng mị

Nhớ tới ủy ban

Chờ khi độc lập hoàn toàn

Tung hô khẩu hiệu

Đánh tan bọn này.


Chú dẫn

1-     Miễn gọi tên thật, xin giấu tên.

2-     Một trự: Ì đồng bạc Đông Dương

3-     Hương bản:ghi chép sổ sách tài chính.

4-     Đi cắt: Bắt dân đi gặt lúa.

5-     Thóc lưa tám mươi: còn 80 thúng thóc.

6-     Lễ Kì Phước: Lễ tế của làng "cầu phúc".

7-     Khoán hiểu: ông khoán giữ đồng.

8-     Chấm máy bộ: báo cáo việc thu chi

9 -     Cột Hương Trường: Nhà Hương hội, sau làm nhà trường tiểu học.

10-     Làng Tân: làng Tân Hậu nay sang ở HàũLuật Nam.

11-     Phần này ta nêu: nêu bằng cắm một cây nêu lên ruộng.

12-     Ta làm khoán chư: giữ đồng, bảo vệ đồng.

13-     Trinh sát réo trâu: tác giả mô phỏng trinh sát

14-     Nguyễn Sáu: còn sống, cán bộ Việt minh của xã lúc bấy giờ.

15-     Eng Khế: tên con tác giả.

16-     Cồn Thiển: ruộng ngoài Thiển hiện nay.

17-     UB xã: lúc này đang là UBHCKC xã. ,

Trong những năm 1947 - 1948 khi giặc Pháp xâm lược quê hương ta, làng Quy Hậu nói riêng hết sức đau khổ, bọn giặc cứ nghe đến Quy Hậu nó đã cho là “làng Việt minh” nên nó hết sức tàn sát, khủng bố. Cảnh chết chóc đau thương xảy ra hàng ngày, xóm làng, cầu cống điêu tàn xơ xác. Người chết trong làng ngoài đồng không ai chôn cất hết sức thảm thương, ai đã sống qua mấy năm này ở làng ta mới thấy nổi đau lòng khôn xiết!

Giữa năm 1948, khi Hội tề ổn định, làng mở  trường tiểu học, do thầy Nguyễn Văn Nẩm và thầy Đổ Bá Phó trực tiếp dạy.

Thầy Phó (ông nội đ/c Mậu hiện nay) có đọc cho học sinh chúng tôi chép bài "Làng ta đau khổ vô cùng" không rõ tác giả, xin chép-lại như sau:

 

Làng ta đau khố

Làng ta đau khổ vô cùng

Dân tình ly loạn não nùng cỏ cây

Đông không thưa thớt dấu cày

Vườn không, cỏ choán cây gầy mành xiêu

Đó đây nhà chấy bụi thiêu

Bơ vơ tường sạm, tiêu điều. cột đen

Cống, cầu tàn tật ngã nghiêng

Ngựa xe mất lối, bến thuyền biệt xa

Ngõ đường thưa bóng lại qua

Tịnh không chó sủa. tiếng gà cũng không

Không gian nặng nghẹt hơi nồng

Xác người rữa chết trên động quạ tha

Dân quê bũng thịt vàng da

Thân xương thiếu áo, cơm là cỏ măng

Nắng mưa ngũ bụi nằm đàng

Thoáng trong người lạ vội vàng lánh đi

Đêm ngày lơ láo ngại nghi

Đạn lạc đến hết đời oan khiên!

Than ôi! Quỵ Hậu, ưu phiền.

 

      Cuối năm 1948, số Hội tề bị bắt lên chiến khu cải tạo, sau cho về cả. Phong trào cách mạng trong làng lên cao. Số anh em "Hương vệ nay đã vào đội tự vệ làng, sau đó thành trung đội du kích thôn do ông Đỗ Triều làm thôn đội trưởng, ông Mai Văn Trung thôn đội phó, lực lượng du kích thôn lúc này khá mạnh.

     Suốt năm 1949 - 1950 phần lớn, họ được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam nay đã 60 tuổi Đảng.

     Lợi dụng hàng rào do "Hội tề"  lập từ trước, nay dân làng lại chặt chẽ hơn. Học tập làng chiến đấu Cử Nấm Cảnh Dương (Quạng Trạch) nên việc bố trí chống càn bảo vệ làng được trung đội Du kích làm rất chặt chẽ, các cổng ra vào làng được chôn bom, mìn và hầm chông được khép kín, nhiêu lần địch mò vào đều bị đu kích ta chặn đánh chúng chẳng vào được.

     Lực lượng Du kích của làng ngày càng lớn mạnh đã vận động toàn dân đào giao thông hào từ nghè xuống tận chợ Tréo để phối hợp bao vây đồn Thượng Phong. Tiểu đội Du kích trực chiến bao vây đồn Thượng Phong đã bắn chết một tên giặc đang leo lên chòi canh, nghe nói do đ/c Mai Văn Sướng bắn.

     Sau một thời gian bị bao vây bọn giặc đã huy động lực lượng các đồn  Hào Luật Nam, Mỹ Trạch Thượng, Liêm Thiện càn về mở vây. Khi bọn chung đi qua Quy Hậu lại bị Du kích và bộ đội ta chặn đánh , cả ba cánh quân của chúng hoảng sợ lại bắn lẩn lộn nhau và đua nhau chạy về đồn Tiểu (đồn Thượng Phong). Không những thế  mà đơn vị Du kích làng ta tham gia đi diệt tề trừ gian ở một số làng khác như Uẩn Áo, Thuận Trạch (tân duyệt hạ) đưa rơm lên đốt đồn Liêm Thiện (đồn Cầu Ngò) đ/c Hoài kể: Ta đưa rơm lên ém sát hàng rào của đồn kèm theo những “con cúi” đơm quân lại có ít thuốc cháy bỡ trong rồi châm lửa. Du kích mình về giữa đồng Tâm Duyệt –uẩn Áo rồi lửa mới bốc cháy, bom địch trong đồn bắn ra như mưa nhưng ta đã rút về hết.

     Tham gia diệt tề trừ gian ở trong làng hoặc làng khác, anh em Du kích ta đều mặc áo đen, mang súng giả cùng với một vài anh bộ đội địa phương huyện (đại đội độc lập về mỗi địa người vài người chỉ đạo).

     Lúc này các cơ quan lãnh đạo của xã đều về bám trụ vùng địch hậu mà chủ yếu là về đồng ở làng ta. Nhiều đồng chí cán bộ, du kích các làng trên lúc này cũng về kết nạp Đảng ở làng ta, có đ/c về kết nạp tại Xuân Hồi (sau lưng địch),…

     Các đoàn thể Việt minh của làng lúc này hoạt động mạnh lắm, đ/c Mai Văn Tấn Bí thư thanh niên, chị Nguyễn Thị Minh bí thư phụ nữ. Sau đ/c Tấn được rút lên thanh niên xã, rồi được bầu vào BCH huyện đoàn Lệ Thủy làm bí thư huyện đoàn cho đến năm 1952, đ/c Đỗ Duy Ngạch làm thường vụ rồi phó bí thư huyện đoàn.

     Tháng 3/1949, sau khi mở được vòng vây đồn Tiểu, bọn chúng lại ồ ạt tiến công lên càn quét ở làng ta, lập tức bị bộ đội và du kích làng ta chặn đánh quyết liệt. Khoảng 10h-11h trưa chúng mới tràn vào làng. Du kích ta giật bom, bắn pháo sang đường quan. Lúc này học sinh đang học, một tên tây xách quả bức kích không nổ vào trường hỏi Việt minh đâu? thầy Kế trả lời ở đây trẻ em không có Việt minh “ Việt minh noong” rồi bọn chúng bỏ ra, có một tên tây trắng bị trúng bom chết tại đường quan, mấy tên khác bị thương van la chí chóe, bọn chúng bắt được cụ Bướm đi làm đồng về liền bắt cụ đem bắn tại chỗ bom nổ ở đầu đường ra Đàng như hiện nay. Chúng bắt một số bà con ta ở vùng dưới ra tập trung tại đường quan (dưới ruộng nội bộ) dọa bắn hết nhưng chúng thấy toàn ông già, bà mẹ và trẻ em nên chúng cho về. Khi bọn chúng rút về đồn nó châm lửa đốt hết nữa làng phía dưới nơi có bom nổ giết chết tên Tây.

     Ngày 15/7/1949, tỉnh ủy Quảng Bình phát động tuần lễ hạ sơn “Quảng Bình quật khởi”.Ngày 23/7/1949 tức là ngày 25/6 Kỷ Sửu (sau 1 tuần) bọn giặc ở đồn Liêm Thiện kéo về theo sông Ngô Giang dưới sông đoàn thuyền chở đầy hàng hóa, lúa gạo mà chúng cướp được của đồng bào ta đưa về đồn Tiểu. Mỗi chiếc đò có hai tên lính đi áp tải, trên hai bờ sông có hai toán lính đi kèm bảo vệ cho đoàn thuyền khỏi bị đánh, đi đến đâu chúng cũng xả súng bắn dẹp đường (thị uy).

     Về đến làng Quy Hậu bị chặn cổng, du kích ta chặn đánh quyết liệt. Chúng không tài nào vào làng để về đồn Tiểu được, bọn đi dưới thuyền đã lọt vào làng, đến cầu thì bị chặn đánh dữ dội, lực lượng du kích với dân làng tràn ra bờ sông ném lựu đạn và đá trấy xuống đò rồi đồng thanh hô “xung phong” cả xóm thành ai nấy cũng hô “xung phong” cũng ném đá xuống đò, bọn địch khiếp sợ nhảy xuống sông kéo đò rút lui về đồn Liêm Thiện.

     Về đến đồn Liêm Thiện, bọn chúng vẫn chưa hoàn hồn vì thua trận. Trong trận thắng này, có sự đóng góp to lớn của bà con ta ở xóm Thành. Họ không những “hô xung phong” vang dội một vùng mà còn xong ra bờ sông lấy đá ném xuống đò giặc làm cho chúng thất điên.

     Bị thua đau nên sau một ngày bọn chúng đã huy động lực lượng các đồn Thượng Phong, Luật Hòa Nam, Liên Thiện và Mỹ Trạch Thượng ào ạt tấn công vào làng, cũng như ngày trước nhờ có “rào làng chiến đấu” các cổng làng đều bị chặn đánh nên bọn chúng không thể ào ạt vào làng được, phải dùng đủ các loại vũ khí kể cả canong, mốc chê và tàu bay “bà già” yểm trợ.

     Do lực lượng không cân sức, du kích ta rút vào làng từng bước đánh trả bọn chúng, khoảng 10-11h trưa ngày 25/7/1949 tức là ngày 27/6 năm Kỷ Sửu bọn chúng xông vào làng, đi đến đâu là chúng đốt sạch, giết sạch, chủ yếu là ông già, bà lão và trẻ em, phụ nữ sinh đẻ. Trong ngày này, bọn chúng đã tàn sát, giết hại hơn 60 người ở xóm Thành, có gia đình bị giết không còn một ai như gia đình cụ Đỗ Bá Chẳng (6 người), cụ Đỗ Uy (5 người), cụ Mai Cáo (5 người). Từ đó đến nay làng ta lấy ngày 26/6 (âm lịch) là ngày giổ làng. Có ý kiến đề nghị làng xây bia căm hờn bọn giặc đồng thời tưởng nhớ đến những người đã mất, nhưng chưa làm kịp thì xảy ra cuộc chiến chống Mỹ nên không làm được.

     Trong những năm 1949-1950, phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở làng ta phát triển mạnh. Làng có trung đội du kích trực chiến bảo vệ làng, lực lượng dân quân làm tiếp tế, hậu cần, tiếp thương, tải đạn.

     Một số đồng chí du kích được xã rút lên đơn vị chiến đấu tập trung của xã. Xã lớn bao gồm các xã Thái Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy và Liên Thủy hiện nay anh Lê Quang Thông cùng với đơn vị du kích xã chiến đấu bảo vệ mùa tại thôn Thuận Trạch (Mỹ Thủy) đã anh dũng hi sinh. Danh sách liệt sĩ có ở xã Mỹ Thủy.

     Các tổ chức Việt minh như tổ Đảng, chính quyền và mặt trận thôn, đoàn thanh niên cứu quốc, hội phụ nữ cứu quốc, nông dân cứu quốc,… đều hoạt động mạnh. Lúc này, anh Nguyễn Văn Chiến (Ông Bé) làm hội lại, anh Lê Quang Chấn (bố chị Hợp) làm thôn đội (chết) thay anh Đỗ Triều làm thôn đội trưởng sau thay anh Mai Văn Trung làm thôn đội trưởng, anh Đỗ Tục làm thôn đội phó, anh Nguyễn Khanh làm nông hội sau thay anh Đỗ Hoài, trong thời gian này đội ngũ lãnh đạo của thôn có sự thay đổi luôn. Ông Lê Quang Chấn làm một thời gian thì bị địch bắt tại nhà, ống chống lại rồi bỏ chạy bị chúng bắn, bị thương nặng sau đưa lên chiến khu cấp cứu nhưng không qua nổi.

     Sáng ngày 20/5/1950 lực lượng du kích làng ta đã phối hợp với tiểu đoàn 274 (trung đoàn 18 do đồng chí Mai Văn Tý – người con của quê hương đã đánh tan một đại đội địch từ Thượng Phong và Hòa Luật Nam buộc chúng tháo chạy về đồn, sau đó bộ đội ta vượt sông Kiến Giang sang chi viện đánh thắng trận Xuân Bồ (chiến thắng Xuân Bồ - năm trăm giặc Pháp không mồ vùi thây) đã tạo cơ hội mới cho phong trào cách mạng huyện nhà sôi nổi hẳn lên, làng ta cũng như các làng khác phong trào chiến tranh du kích bảo vệ làng, bảo vệ mùa đều thắng lợi.

     Bị thất bại nặng nề ở Xuân Bồ, giặc Pháp lần lượt rút các đồn: Mỹ Trạch Thượng, Liêm Thiện, Thượng Lân, Phú Hòa, Mỹ Đức về co cụm ở vùng giữa và quốc lộ 1A.

    Phong trào đang mạnh lên thì gặp phải trận lụt to chưa  từng  có  ở huyện ta. Đó  là  trận  lụt  tháng 10/1950 lúc ngô, khoai, sắn  ngoài  đồng bị ngập thối. Cả  làng  chỉ  còn một vài  nóc   nhà  cao  dân  đến  tạm  trú. Nước  ngập  nhà  giặc Pháp xả súng bắn vào làng, chúng sợ Việt minh lợi dụng đánh vào đồn nên chúng bắn tứ  tung. Nước ngập lâu ngày  lương thực  bị thối,  trâu bò bị chết hôi thối khắp làng..

     Mùi hôi thối bốc lên không sao chịu được, giữa làng có một xác chết trôi nổi không rỏ danh tính, dân làng chôn cất tử tế . Sau lụt, dân làng cảm cúm, ỉa chảy la liệt, sốt rét hoành hành, nạn đói diễn ra trước mắt. Lúc này, dân làng lại phải tản  cư lên chiến khu để tăng gia sản xuất và tham gia kháng chiến. Lực lượng du kích cũng theo gia đình đi tản cư, đi gánh gạo Gia Hưng (Bố Trạch). Một phần đóng góp cho kháng chiến, một phần nuôi dưỡng gia đình. Lúc này, địch lợi dụng khó khăn của ta chúng lại tiếp tục càn quét cướp phá, phong trào hầu  như lắng xuống. Chúng bắt dân vùng dưới lên chặt phá cây cối trong làng ngôi chùa làng cũng bị chúng đánh sập, vì ngôi chùa cao che khuất tầm nhìn của chúng ở Thương Phong quan sát lên. Làng  trơ  trụi  không  có  cây cối chỉ còn những nốc nhà xơ xác. Bên kia sông các làng Quảng Cư, Phan Xá cũng bị chúng tàn phá như vậy. Theo đồng chí  Đỗ  Hoài  kể: Lúc này, các đồng chí Đảng viên, dân quân du kích ở lại đều phải vào hoạt động bí mật vì bọn  địch  thường xuyên sục sáo vào làng bất cứ lúc nào không ai  chặn được , các đồng chí liên chiến  khu  đều  tham gia vào quân đội  như đồng chí:  Hưng, Tràu, Sải khoảng 20  đồng chí.

     Sau đồng chí Chấn  chết, tổ chức  cử đồng chí Dụng (cha anh Dung) làm thôn đội trưởng, đồng chí Chiến (cha anh Lít) làm hộ lại, đồng chí Hoài thay đồng chí Khanh làm tổ trưởng  Đảng. Đồng chí chiến làm hộ lại tài liệu đùm trông mo (như mo cơm) hàng ngày ra đồng làm ruộng nhưng bọn địch không hay biết. Ông Nậy làm liên lạc cho ông Chiến.

     Bọn địch lúc này hoành hành lắm, chúng thường cải trang, mang tơi đội nón  vào làng muốn bắt ai là bắt, muốn bắn ai là bắn. Ngày 20/6/1950  bọn chúng cải trang  ra đồng, bắt  ông Tẩn, ông Thơi (ông nội đồng chí Vương - chủ tịch xã bây giờ) đang làm ruộng dưới lòi lên nhà ông Toa bắt hai ông làm vịt cho nó ăn. Khi đem vịt về sông, hai ông đã vượt sông chạy trốn bị chúng bắn chết tại Biền Kẻng trước mặt nhà ông Toa, Cử. Sau một thời gian, bà con đi nhổ mạ sớm đã gặp bọn chúng sục sạo ở giữa đồng, lúc đó (gần sáng) các đồng chí cán bộ của xã về hoạt đông ở làng Cổ Liễu, Xuân Hồi lên vừa đi vừa nói chuyện cứ tưởng mọi việc đã yên lành, nào ngờ gặp bọn chúng, đoàn cán bộ ta bỏ chạy toán loạn, chúng đuổi theo định bắt sống, những người vượt qua sông thì sống riêng đồng chí Triển xã đội quê ở Xuân Hồi liệt đuổi vào làng đến gần cầu (nay là chợ Cầu) định vượt qua sông thì chúng bắn chết tại chỗ. Thi thể anh nằm lại bên sông, bọn giặc bố trí lại một số lính gác chờ Việt Minh đến lấy xác để tiêu diệt nốt. Biết vậy, bọn trẻ chúng tôi báo cho Việt Minh biết; đợi mãi đến 5-6 giờ tối chúng mới về đồn Thượng Phong. Anh em cán bộ mới đưa xác anh về mai táng.

     Bấy giờ đội Thiếu Niên Cứu Quốc chúng tôi đã hoạt động, lấy tên là đội Chim Xanh do đồng chí Nguyễn Văn Hoài làm đôi trưởng. Dưới sự chỉ đạo của anh Mai Văn Tấn - bí thư huyện đoàn Lệ Thủy, Lê Thét - xã  đoàn quê ở Xuân Hồi. Anh Hoài là người được anh Tấn trực tiếp bồi dưỡng, giúp đỡ và giao nhiệm vụ cho đội "Con chim Xanh” hoạt động bí mật. Cả đội cũng phân công nhau, bám sát những tên ngụy quân, làm quen với nó để tìm hiểu  lí  lịch của từng tên, báo cáo lại cho bộ đội. Khi cần, đội báo cho nhau ra cồn Phát Cát, Lòi Mưng hay Nghè để họp. Chúng tôi còn phân công nhau đi chợ Tiểu bán nón để lấy tin tức báo cho bộ đội ta, ngoài ra còn đưa tin vặt như Việt Minh thắng trận ở nơi này hay nơi khác (do các đồng chí cán bộ bày kế). Chúng tôi còn rủ nhau đến làm nón cho vui, ban đêm làm nón "công ty" số tiền kiếm được làm quỹ đội. Chúng tôi vừa làm vừa kể chuyện, vừa hò khoan rất vui vẻ. Có đem bọn giặc lên rình mò ở ngoài vườn, anh em  đi tiểu chút nữa đã đái vào đầu chúng. Hôm sau, bọn chúng lên kể lại tụi tôi cười và nói "chúng em có biết đâu!".

     Một buổi sáng, trời mưa phùn gió bấc, bọn giặc cải trang, lùng sục vào làng ông Võ Văn Dúng  cán bộ xã (quê Dương Thủy), về hoạt động ở nhà mẹ Ở (mẹ đồng chí Nghỉ ở đội 6),  nghe tin có địch liền chạy lên dọc làng, bọn chúng đuổi theo đến nhà mẹ Hồng thì được mẹ dấu vào trong buồng kín, rồi ra quét sân, bọn giặc chạy qua hỏi mẹ, mẹ nói ngay: có thấy,  Nó mới chạy qua đó, vừa nói vừa chỉ tay lên phía trên dục bọn chúng chạy nhanh, tưởng thật, chúng rượt theo. Thế là ông Dúng thoát chết. Cứ thế, bọn giặc đuổi lên đến xóm ông Bổn, thì lại có một anh cán bộ về hoạt động ở nhà mẹ Nghỉ (mẹ chị Phi) anh lại bỏ chạy, giặc đuổi theo, đến bến Nghè anh vượt sông qua Cồn chúng đành chịu rút lui. Anh cán bộ bơi qua giữa sông thị bị chuột rút chết chìm. Bà con ta đưa thi thể anh mai táng ở bên Cồn (mẹ Nghỉ kể anh là bộ đội tỉnh về công tác tên là anh Hạnh).

     Một đêm khác, bọn giặc lại ngồi trên đò cho người chèo lên. Đến cầu thì chúng nhảy lên đi bộ về đồn, đến đường đội 3 gặp 2 anh cán bộ ta đi hoạt động ở Cỗ Liễu lên, chúng hô đứng lại định bắt sống, hai anh chống lại  rồi chạy ra đồng bọn chúng bắn theo, một anh hy sinh tại chỗ, một anh nấp sau ràn trâu sống sót. Dân làng nghe súng nổ chạy ra đưa anh về tắm và thay quần áo cho anh và đưa thi thể của anh kia lên đền Âm Hồn (Uẩn Áo), hỏi ra thì một anh tên là Kiệt, anh chết tên Lãnh quân báo  E18 quê ở Cỗ Liễu.

     Sau tết Nguyên Đán bọn giặc lại càn quét chúng bắt dân ta vác đường ray về đồn. Chúng báo vác về rồi lên, ai ngờ về đồn chúng bắt người khỏe mạnh đi lính, có hai người được về, còn năm người về Đồng Hới rồi vào Mang Cá (Huế). Cả năm người cùng ở một đồn, nhân lúc đi vác tre, cả năm người cùng vác súng lên chiến khu, được bộ đội giúp đỡ cho về quê. Đó là anh Nguyễn Văn Thí (bố chị Hoạt), Nguyễn Quang Dương (bố anh Bằng), Nguyễn Văn Dim (bố chị Nguyệt), Lê Quang Bon (bố anh Thành), Nguyễn Phú Khôi  (ông Gien bố anh Đông).

     Sơ qua vài nét như vậy đủ biết dân làng ta có truyền thống yêu nước, yêu quê hương,  trong gian khổ vẫn tin tưởng vào cách mạng, tin tưởng vào ngày toàn thắng của dân tộc.

     Năm 1950, đội tình nguyện cứu quốc được chuyển lên thanh niên được anh Tấn, anh Thét giao nhiệm vụ thành lập đội thanh niên xung phong, với hai nhiệm vụ:

-         Ban ngày thay nhau về nhà thờ họ Đỗ ngồi trên nốc nhà  nhìn về đồn Thượng Phong, hễ thấy Tây qua đò thì báo động, thấy Tây lên thôn Thượng (Cổ Liễu) lại báo báo cho dân làng tránh ra đồng hoặc lên Uẩn Áo chỉ chừa lại du kích bảo vệ làng.

-         Ban đêm mọi người rủ nhau  đi đào hầm dọc đường quan, đào từ làng lên Uẩn Áo  rồi ra đồng cách 3-5m có 1 hầm trú ẩn.

     Chỉ làm "2 viêc" ấy mà bọn địch không tài nào lọt qua mắt của anh em. Chúng tôi, ngay cả việc chúng bắn canoong, móc Chê và Đại Liên vào làng cũng giảm được thiệt hại về người và của cải cho bà con ta.Bà con và lãnh đạo làng hồi ấy hết lời khen ngợi lớp trẻ chúng tôi ngay cả các ông "cầu an" bảo thủ hay chê trách bọn trẻ con non dạ nay cũng khâm phục, ngợi ca.

     Phong trào TNXP lên mạnh, thu hút hầu hết lớp tham gia có nhiều anh, chị đã lớn tuổi cũng hăng hái xung phong như chị Phi, chị Bảo, chị Con, anh Tha, anh Tề.... Tất cả hơn 50 người. Lúc này phong trào chiến tranh du kích trong toàn, huyện phát triển mạnh, bọn chúng  không thể ngang ngược như trước nữa. Ngồi tại đồn nả súng vào các  làng, thấy dân ra đồng là bắn, bắt buộc dân các làng phải cử Lý Trưởng. Các đợt bắn phá ngoài đồng dân làng cày cấỵ đa làm cho làng chục con trâu bi chúng bắn chết, nhiêu người dân đang cày cấy, gieo vụ đã bị  chúng bắn chết và bị thương  như ông Nghè  đang gieo mạ, vợ chồng ông No đang cấy lúa  đều bị bọn chúng  nả súng bắn chết.

     Trước tình hình ác liệt ấy, các cụ lại chống sậy sang nhờ ông Nhạn ở quê vợ Thượng Phong (gần đồn) làm Lý Trưởng, ông làm được mấy tháng lại lâm bệnh chết. Một lần nữa, làng không có Lý Trưởng, chúng lại bắn phá vào làng, ra đồng như trước.

     Vụ chiêm sắp gặt, chúng càn lên làng bắt được ông Đệm (bố anh Tùng) một thầy tu tại gia sang làm Lý Trưởng, sau đó bộ đội ta đánh đồn Tiểu (đồn Thượng Phong) giải phóng được Lý Trưởng, ông được về làng. Một thời gian sau, chúng bắt được Ông Tục (bố anh Phăng) sang làm Lý Trưởng, đến khi bộ đội ta về tiếp túc đánh tan đồn Tiểu ông Tục mới được thoát về làng.

     Đến năm 1954 hầu như chế độ Lý Trưởng ở làng ta đã hết.Một buổi tối tháng 10 /1951, chúng tôi gồm các đ/c Nguyễn Vãn Hoài, Mai Văn Thắng,  Nguyễn Hùng Dũng, Nguyễn Văn Hề, Nguyễn Văn Bon, Lê Thị Sánh sang họp tại nhà anh Dụng (bố anh Dung) có các đ/c lãnh đạo xã, thôn dự họp. Ở xã gồm có đ/c Đào Triết bí thư chi bộ kiêm chủ tịch xã, đ/c Võ Triêu xã đội trưởng, đ/c Võ Dùng cán bộ xã. Trong thôn có đ/c Nguyễn Khanh tổ trưởng Đảng, đ/c Nguyễn Chiến, đ/c Nguyễn Dụng thôn đội trưởng. Sau khi nghe nói rõ tình hình địch và hoạt động của ta, đã phát động lòng căm thù địch và quyết tâm xây dựng lực lượng du kích chiến đấu bảo vệ tài sản tính mạng cho dân. Đ/c Đào Triết thay mặt lãnh đạo xã quyết định thành lập trung đội du kích thôn Quy Hậu do đ/c Dụng làm thôn đội trưởng, đ/c Thắng làm thôn đội phó trực tiếp lãnh đạo, đ/c Hoài làm chính trị phó, đ/c Hề, đ/c Dũng, đ/c Bon làm A trưởng. Mỗi A có 10 đ/c có danh sách được lãnh đạo lựa chọn (3A) và giao nhiệm vụ cụ thể cho toàn bộ đơn vị du kích Quy Hậu.

     Tối hôm sau, chúng tôi mời tất cả anh em có tên trong danh sách họp nói rỏ tình hình nhiệm vụ, mọi người đều hăng hái, phấn khởi xung phong không ai từ chối.

    Mỗi A  được trang bị 2 quả lựu đạn, Ì quả bom, 2 quả mìn và 3 bàn chông sắt. Ban đêm đội ngũ tập trung thay nhau đi tuần .tra về tận ngã ba Cỗ Liễu mới lên. Ban ngày, chúng tôi cũng thay nhau "canh gác" ở nhà thờ họ Đổ, hễ có địch là toàn đơn vị về tận làng bố trí bom, chông, mìn sẵn sàng chiến đấu.

    Cả trung đội được tập trung huấn luyện 3 ngày tại "Nường Tranh" - Miếu làng Uẩn Ao , ở đây cây cối rậm  rạp có hàng xoài to cao sai quả rất thuận tiện cho việc luyện tập, cụ thể như tập ném lựu đạn, tập bắn súng, tập chôn bom-mìn, bàn chông sao cho địch không phát hiện được; khó nhất là chôn bàn chông sắt dưới có mìn cài sẵn, làm sao để khi tháo gỡ được an toàn.

    Mọi người được tham gia phương án tác chiến khi có địch càn "Phương án chiến đấu bảo vệ làng". Trách nhiệm của mỗi A bố trí ở một nơi xung yếu, quy  đinh đến tập trung khi rút lui hoặc có người bị thương đưa đến nơi băng bó (đ/c Sánh và đ/c Nhem phụ trách Kết thúc đợt huấn luyện ngày sau khoảng 9-10 giờ canong đồn Hòa Luật Nam, Móc Chê đồn Tiểu liên £iếp bắn vào vùng Nương Tranh và miếu thờ làng

    Uẩn áo- nơi đơn vị du kích  tập luyện ngày trước làm hai ngôi miếu, hàng xoài sập đổ ngổn ngang. Sau đạt huấn luyện này, xã đội lại trang; bị thêm cho mỗi người đủ hai quả lựu đạn, mỗi A có thêm Ì quả bom và 3-4 bàn chồng sắt, Ì súng trường đủ cơ số đạn.

     Theo kế hoạch chiến đấu bảo vệ làng, chúng ta đã đào sẵn hố chôn bom, mìn, bàn chông ở những nơi địch có thể đi qua khi có báo động anh em chỉ vận động đến vị trí làm việc và sẵn sàng chiến đấu.

     Để uy hiếp tinh thần và làm cho địch mất ăn mất ngủ, đơn vị tổ chức đào hầm ở chợ Tréo, ở cạnh bờ sông, quấy rối địch, gọi loa kêu gọi lính ngụy trở về với cách mạng. Ớ đồn Thượng Phong và lô cốt Hà Thanh có lần bọn chúng nả pháo sang nơi gần hầm trú ẩn tưởng có người hi sinh. Có lần địch qua đò, tiến lên thôn Thượng (Cố Liếu) đơn vị du kích làng ta đã sẵn sàng, lại được xã đội điều thêm lực lương du kích Thuận Trạch – Mỹ Hà (Mỹ Thủy) vận động về cùng nhau bố trí sát dải Cố Liểu – lợi dụng dải có và cây cối che khuất chưa đầy 200m mà-chúng không mò lên. Nếu chúng liều lĩnh mò lên chác sẽ bị tiêu diệt vì lực lượng du kích ta khá mạnh.

     Rút kinh nghiệm hôm trước quấy rối đồn Thượng Phong bị pháo địch phản kích, lực lượng TNXP đi chặt cây ngoài Lòi Mưng, tỉa các nhánh cây to ở bên Thành Ban đêm chuyển về lấp hầm ở chợ Tréo để khi có pháo đích dội sang là vào hầm trú ẩn. Tuy vậy, có đêm đang quấy rối gọi loa bọn chúng bắn pháo và Đại Liên rất ác liệt,  khi pháo dứt, đơn vị rút lên làng, kiểm lại thấy thiếu đ/c Tề, tưởng đã hi sinh (đ/c Tề rút chậm). Đơn vị thường ăn, ngủ tập trung tại nhà chị Phi, chị Bảo. Ỏ đó, đơn vị được các chị, các mẹ quyên góp tiền gạo nấu cho các anh em ăn. Đi quấy rối về, các mẹ đã nấu sẵn chè, cháo bồi dưỡng; có lần canoong đồ Hòa Luật Nam dội sang làm tan nát cả một vùng, dưới sông cá chết nổi lên trắng xóa. Trưa hôm ấy, chúng bắn sập hầm, nhà anh Nguyễn Văn Kế làm chết cả hai vợ chồng, 4 đứa con và một bà mẹ. Địch hết bắn chúng tôi về đào bới hầm, chôn cất các thi thể nhưng không ai còn nguyên vẹn (chỗ anh Thành đang ở).

     Cả năm 1952 – 1954( đến hết tháng 7/1954), hầu như bọn địch co cụm lại không giám đi càn quét nữa, lực lượng du kích làng ta lúc thì phối hợp với bộ đội chủ lực huyện, lúc thì độc lập đi quấy rối ở đồn Tiểu, Hà Thanh có đêm sang tận Đàng Lộc cắt dây điện thoại của địch.

     Cuối năm 1953,  đ/c Nguyễn Văn Hề,  đ/c Nguyễn Quang Lũy được tuyển lên bộ đội địa phương huyện (Đại đội 1).  Đ/c Hề cải trang giả dạng phụ nữ đi chợ Đàng Lộc (gần đồn Hòa Lập Nam chúng lập đồn Đàng Lộc – nay thuộc xã Cam Thủy) bán ngô, gặp vợ lính Ngụy đến mua chúng phát hiện ra “đàn ông”, liền vô báo với Đồn – bọn lính đồn Đàng Lộc ra vây bắt, đ/c Hề biết mình đã bị lộ nên đã nhanh chóng thoát ra khỏi chợ, bọn chúng định đuổi theo bắt  sống nhưng đ/c  Hề  đã vừa chạy vừa thoát y, rồi ném dồn hai quả lựu đạn về phía địch, làm cho chúng khiếp sợ phải chùn bước, chúng bắn nhả đạn như mưa định bắn chết  nhưng đâu có được, đ/c Hề đã vượt “Hổi” lội sang đồng làng an toàn. Sau này, đ/c Hề nổi tiếng là gan dạ, dũng cảm, dân làng rất khâm phục, và đã làm cho bọn địch ở đồn Đàng Lộc và đồn Hòa Luật Nam khiếp sợ.

     Tôi hỏi, đ/c Hề nói: “Mình cải trang trinh sát xem tên Tao ác ôm khét tiếng quê ở Mỹ Thổ để tìm cách tiêu diệt chúng”.

     Sau này đất nước giải phóng, đ/c Hề về phục viên mang quân hàm Thượng úy. Một thời gian lâm bệnh, Tôi về thăm rất cảm động, nhớ lại những việc làm của đ/c, Tôi viết mấy dòng thơ tặng:

Tôi hiểu anh nhiều anh Hề ơi

Thanh xuân thưở ấy đã qua rồi

Chọc Trời khuấy nước nghiêng một mảng

Hậu thế mai sau nhớ anh hoài.

     Tháng 3/1954,  phối hợp với chiến trường chính, phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh. Bộ đội về giải phóng đồn Thượng Phong, đồn Hòa Lập, Mỹ Phước. Đội du kích làng ta được lệnh áp sát bên bờ sông Cổ Liễu chặn đánh địch tháo chạy, rồi vượt sông cùng bộ đội tiêu diệt địch, thu được nhiều chiến lợi phẩm nộp lại cho bộ đội đưa lên chiến khu, giữ lại khẩu Ga tăng làm kỷ niệm, một số lựu đạn mõ vịt trang bị cho anh em. Trong đó có một chiếc đồng hồ đeo tay, sau này tặng cho đ/c Mai Thắng. Du kích làng ta được xã biểu dương xuất sắc, tiếp đó là đơn vị Bình Minh (Dương Thủy).

      Chiến thắng Điện Biên Phủ - Hội Nghị Giơ-ne-vơ ký kết. Hòa bình lập lại, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Cùng với  nhân dân cả nước, làng ta reo hò phấn khởi.

 

Phần thứ tư

QUY HẬU THỰC HIỆN HAI NHIỆM VỤ CHIẾN LƯỢC

      Đất nước tạm thời chia làm hai miền, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam thực hiện cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Ngày 20/7/1954 cùng với phong trào mở hội mừng chiến thắng của đất nước, tỉnh, huyện, làng ta chuẩn bị lễ hội đua thuyền truyền thống mừng Quốc Khánh, mừng quê hương giải phóng.

     Làng cử một số đ/c về dự lễ kỷ niệm ở Đồng Hới, khi đi lên trời mưa to gió lớn, về làng thì nước đã tràn đồng làm cho lúa vụ tám bị mất trắng, lễ hội đua thuyền bị hoãn lại. Chiến tranh mới kết thúc, lũ lụt lại ập đến, mùa màng mất trắng, nạn đói xảy ra. Dân làng phải vào tận Vĩnh Linh, Vĩnh Ô, Vĩnh Kim mua sắn khoai về ăn chống đói. Bà con tản cư lên Ráng, An Sinh định về nhưng vì đói nên ở lại.

     Cuối năm 1954, đội giảm tô về làng, dựa vào tổ Đảng, cán bộ tổ chức cho nhân dân học tập chính sách chủ trương của Đảng, phát động quần chúng chống man khai diện tích, thất thu thuế nông nghiệp. Bộ thuế thành lập, tiến hành truy thu đối với địa chủ, phú nông. Nhân dân dựa vào các điều quy định vạch tội ác của địa chủ, phú nông đòi giảm tô, giảm tức, thực hiện khẩu hiêu: “Dựa hẳn bần cố trung nông, đoàn kết phú nông, đánh đổ địa chủ hay địa chủ hết thời nông dân vạn đại” được viết dán khắp mọi nơi.

     Trong giảm tô, làng ta có năm địa chủ, mười hai phú nông. Số địa chủ bị đấu tố, tịch thu ruộng đất, trâu bò nông cụ chia cho nông dân. Tổng kết giảm tô cũng là bước chuẩn bị cho cải cách ruộng đát. Bây giờ xã Liên Thủy chia làm bốn xã sau:

Xã Liên Thủy gồm có: Uẩn Áo, Quy Hậu, Cổ Liễu, Xuân Hồi, Tân Mỹ.

Xã Mỹ Thủy gồm: Mỹ Trạch Thượng, Mỹ Trạch Hạ, Thuận Trạch.

Xã Dương Thủy gồm: Liêm Thiện, Dương Xá.

Xã Thái Thủy gồm: Thái Xá, Tâm Duyệt, Thanh Sơn.

     Xã Liên Thủy do đ/c Nguyễn Văn Dê làm bí thư chi bộ, đ/c Lê Đức Ngô làm chủ tịch xã. Làng ta cũng được chia làm bốn chòm, có chòm trưởng chòm phó hẳn hoi.

Chòm I: Từ cầu đến Uẩn Áo

Chòm II: Từ cầu về xóm ông Chấn

Chòm III: Từ trổng ông Chấn về trổng ông Nguyễn Ngạch

Chòm VI: Từ trổng ông Ngạch về Cố Liễu

     Đầu năm 1956, làng tiến hành cải cách ruộng đất, xét lại thành phần nông thôn, lần này số địa chủ pú nông tăng lên gấp bội. Địa chủ cường hào bị bắt giam chờ đưa ra tòa xét xử. Làng ta có ông MS bị kết án tử hình. Một số đồng chí cán bộ, Đảng viên trong kháng chiến chống Pháp cũng bị quy là” Quốc dân Đảng” là phản động, họ cũng bị bắt giam, khai trừ ra khỏi Đảng. Số người Bần Cố nông được kết nạp vào Đảng, tuyên bố chính thức và cử làm lãnh đạo xã, thôn. Anh Nguyễn Văn Tốt làm bí thư, anh Lê Ớ làm chủ tịch xã. Sau khi đã tịch thu ruộng đất, trâu bò của địa chủ được chia lại cho nông dân. Về ruộng đất thì chia theo nhân khẩu trong làng, hộ nào nhiều thì rút, hộ ít được cấp them theo phương châm: “Lấy gần bù xa, lấy tốt bù xấu”.  Cả làng được tổ chức mọt ngày “Cắm thẻ nhận ruộng” rất rầm rộ sôi nổi. Mỗi hộ lại được cấp “Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất” do chủ tịch UBND tỉnh ký và đóng dấu.

     Trong lúc CCRĐ đang tiến hành thì trung ương Đảng và Bác Hồ phát hiện ra “sai lầm” liền điện cho các địa phương tạm ngừng việc đấu tô. Trung ương Đảng cử cán bộ về “sửa sai”.  Làng ta có anh Thanh vào chỉ đạo ở Quảng Bình, anh có về làng họp dân nói chuyện cho rõ chủ trương của Đảng, Bác Hồ về sửa sai “Một trăm chổ lệch cũng kê cho bằng”. Trước hết là đối với các đ/c cán bộ, Đảng viên  và những người có công với cách mạng.

     Cuối năm 1956 và cả năm 1957 hầu như tập trung sửa sai, các đ/c, cán bộ Đảng viên bị khai trừ Đảng nay được phục hồi các chức danh; sau mới sửa lại các thành phần, ai bị quy sai được sửa lại cho đúng chính sách chủ trương của Đảng, phát hiện sai đến đâu sửa đến đó làm cho các từng lớp nhân dân trong làng phấn khởi tin tưởng.

     Chủ trương của Đảng ta lúc này là tập trung khôi phục và phát triển kinh tế hàn gắn vết thương chiến tranh. Phong trào thi đua lao động sản xuất sôi nổi, nhiều tổ đổi công trong huyện, trong xã và cả ở làng cũng được thành lập như: tổ đổi công Ông Dâng (bố anh Viễn) nổi tiếng trong huyện, ông Vân (Lộc An) , ông Hộ (Xuân Hồi).

     Vụ chiêm xuân năm 1959 được  mùa, tổ đổi công ông Dâng được chuyển lên HTX Nông nghiệp bậc thấp do ông Dâng làm chủ nhiệm, ông Thường (bố anh Sơn) làm phó chủ nhiệm, anh Bổn kế toán. Cuối năm 1959, các chòm đều tổ chức học tập và vận động nông dân làm đơn vào HTX.

     Đầu năm 1960, trong vụ Đông Xuân cả làng đã xây dựng được 5 HTX bậc thấp, đó là:

HTX Quy Tiến: ông Dâng chủ nhiệm

HTX Quy Thắng: ông Sáng chủ nhiệm

HTX Quy Hiệp: ông Vượng chủ nhiệm

HTX Quy Hòa: ông Chiễu chủ nhiệm

HTX Quy Liên: ông Chấn chủ nhiệm

     HTX Tân Tiến của làng Tân Mỹ được sát nhập vào HTX Quy Thắng. Lúc này phong trào: thủy lợi, khai hoang phục phục hóa phát triển mạnh, các HTX thi đua nhau đi “xin” ruộng hoang hóa ở khắp nơi như Phú Viễn (Hồng Thủy), Bình Phương (Lộc An), Ngô Xá (Sơn Thủy) v..v.., tất cả hơn 200 ha. Hiện nay, một số nơi đã chuyển giao lại cho các xã nên chỉ còn hơn 150 ha ở vùng Ngô Xá và Cam Thủy.

     Thu hoạch xong vụ chiêm năm 1960,  thực hiện chủ trương của huyện ủy và Đảng ủy, các HTX “nhỏ” hợp nhất lại thành 2 HTX lớn là: HTX Quy Hậu I và HTX Quy Hậu II.

    Quy Hậu I do đ/c Đổ Sáng làm chủ nhiệm, đ/c Mai Chấn làm phó chủ nhiệm.

    Quy Hậu II do đ/c Mai Ngọc Anh làm chủ nhiệm, đ/c Nguyễn Vượng làm phó chủ nhiệm.

     Năm 1061, HTX Đại Phong được tuyên dương “Lá cờ đầu N2 toàn miền Bắc” phong trào học tập và làm theo Đại Phong được phát động sôi nổi trong cả nước. Ở làng ta, lực lượng ĐVTN lúc này thực sự là “Đội quân xung kích” trên mặt trận thủy lợi, khai hoang, làm phân. Hết khai hoang vùng ruộng sâu, lên khai hoang vùng gò đồi “miền Tây” như vùng Thái Thủy, Tân Thủy của Quy Hậu II;  vùng bùn của Quy Hậu I, vùng Trạng Cau cũng được chia 2 hợp sản xuất khoai sắn, hoa màu sau chuyển sang trồng chè.

     Để chuẩn bị cho vụ sản xuất  Đông Xuân 1961 – 1962 thắng lợi, đầu năm 1962, hai HTX hợp nhất lại một HTX Quy Hậu do đ/c Mai Ngọc Ánh làm chủ nhiệm, đ/c Sáng -Vượng làm phó chủ nhiệm, đ/c Kiều trưởng tài vụ, đ/c Chấn trưởng ban kiểm soát, đ/c Hoài kế toán ngành nghề,  đ/c Dũng thủ quỹ trong BQT HTX. Đội ngũ cán bộ HTX lúc này khá mạnh,  HTX quyết định “bỏ dưa gang” chuyển sang làm lạc phục vụ công nghiệp và xuất khẩu dẫn đầu huyện, đ/c Ánh chủ nhiệm HTX được “thưởng” một chiếc xe đạp Papôrit (Tiệp) về lạc xuất khẩu.

     Trong những năm HTX lớn mạnh, mọi việc trong làng đều do HTX quản lý, bao cấp, BQT chỉ cử ra một đ/c phó chủ nhiệm phụ trách khi làm nghĩa vụ đi “công dân” đối với nhà nước mà thôi. Lực lượng ĐQDK được thành lập vững mạnh. Các đoàn thể Thanh niên, phụ nữ (chưa có hội nông dân) đều trực tiếp do cấp ủy phụ trách.

     Ngày 5/8/1964, bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ cho máy bay ra ném bom, bắn phá miền Bắc với “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” cả nước dấy lên phong trào chống Mỹ cứu nước. Các phong trào “ Thanh niên ba sẵn sàng”, “ Phụ nữ ba đảm đang” lên mạnh, hàng chục ĐVTN làng ta đã làm đơn tình nguyện lên đường chống Mỹ cứu nước, người vào bộ đội, người đi TNXP.

     Tháng 3/1965 giặc Mỹ lại cho máy bay đánh phá ác liệt vùng Bang Rợn và vùng bùn nơi HTX Quy Hậu sản xuất làm đ/c Nguyễn Văn Tuynh hi sinh, đ/c Mai Vưng bị thương nặng. Để trả thù lực lượng ĐVTN tiếp tục lên vùng bùn để sản xuất, chiến đấu.

     Vùng bùn đây là miền Tây của HTX. Nơi đây không những đã thấm nhiều mồ hôi của xã viên mà cả máu xương của các liệt sĩ, thương binh, đó là đ/c Nguyễn Văn Tuynh, Nguyễn Quang Dũ, Nguyễn Văn Dụng, Đỗ Bá Trạu, Đỗ Bá Mới, Nguyễn Thị Nghĩa. Họ vừa sản xuất vừa chiến đấu. Đây là nơi gần doanh trại quân đội và lại sát tuyến đường thống nhất (đường 16).

     Sau  ngày giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc, HTX đã chuyển giao “vùng bùn” cho bà con Kim Thủy sản xuất còn HTX Quy Hậu lên khai phá “ vùng bụt” như hiện nay.

     Đầu năm 1965, đôi ngũ cán bộ lãnh đạo ở xã cungc như HTX được trên điều động đi cộng tác. Đ/c Dê lên thường vụ huyện ủy, chủ tịch UBND huyện, đ/c Ánh chủ nhiệm, đ/c Kiều lên bí thư Đảng ủy sau đó lên cán bộ huyện, đ/c Dũng bí thư xã đoàn lên thường vụ huyện đoàn, đ/c Lương lên thay quyền bí thư xã Đoàn sau lên cán bộ lâm nghiệp huyện, đ/c Hựu lên bí thư Đảng ủy.

     Trước tình hình đó, HTX Quy Hậu phải chia làm đôi để đủ sức lãnh đạo, vừa sản xuất vừa chiến đấu. HTX Quy Hậu I do đ/c Nguyễn Văn Tẩn làm chủ nhiệm, Quy Hậu II do đ/c Nguyễn Vượng làm chủ nhiệm. Những năm 1966 – 1967, giặc Mỹ đánh phá ác liệt vào làng ta, hầu như không có ngày đêm nào vắng tiếng bom đạn, nhất là vùng cầu và cống thủy lợi rào sen. Ngày đêm  nào cũng có người chết bị thương. Dân làng phải sơ tán ra đồng đào hầm che lều ở. Giữa năm 1967,  huyện cho dân Quy Hậu sơ tán lên xã Hoa Thủy vừa tránh bom đạn vừa sản xuất ở vùng Cồn Hội, Ngô Xá (Hoa – Sơn Thủy). Dân Xuân Hồi cũng sơ tán lên xóm Eo rú để sản xuất vùng Lệ Ninh. Một số bà con sơ tán lên Tàng Cau.

     Những năm 1967 – 1968,  giặc Mỹ lại tiếp tục đánh phá làng ta ác liệt hơn. Ngày 6 tháng giêng (Tết) hiệp định ngừng bắn cho dân ăn tết chưa hết hạn thì Mỹ đã ném bom toàn bộ xuống làng ta, làm chết hơn 60 người và hơn 120 người khác bị thương. Nhiều gia đình chết ba bốn người như gia đình anh Tẩn, anh Tha, ông Đỉu …vv. Một số bà con ở Cổ Liểu – Xuân Hồi đang điều trị ở y viện xã (trước nhà ông Mai Bằng) cũng bị chết. Cả làng không còn một nốc nhà nào nguyên vẹn. Sau đó vài ngày chúng lại ném bom làm sập hầm trụ sở HTX Quy Hậu II làm chết 7 người trong đó có 3 cháu con chị Rỉ trong khi chồng đang ở bộ đội. Tình hình rất ác liệt, tỉnh ủy Quảng Bình có chủ trương cho trẻ em đi sơ tán ra Thanh Hóa theo kế hoạch “K8, K10”. Ngày 6 tháng 6 năm 1967,  Mỹ ném bom làm sập hai ngôi Nghè và nhà thờ họ Nguyễn làm chết 7 người trong đó gia  đình ông Se có 6 người và nhiều gia đình khác bị thương. Một buổi tối tháng 8 bà con đang họp đội 5 do ông Náo làm đội trưởng đang bàn kế hoạch vụ tám thì Mỹ ném bom vào trụ sở đội làm chết 12 người trong đó có đ/c Nguyễn Kính – là C trưởng dân quân, người chỉ huy anh emdân quân phục vụ đào hầm cấp cứu dân làng đã bị thương nặng. Anh Đỗ Học có chị ruột chết liền đưa thi thể chị vào nhà rồi ra cấp cứu đưa người bị thương đi bệnh viện, anh nói: “Dù sao chị tôi cũng đã chết rồi bà con mình đang bị thương nặng phải được cứu sống đã rồi về mai táng cho chị cũng không sao”. Đó là một việc làm nghĩa cử đối với chị và bà con đáng ghi nhớ. Những năm này lớp lớp thanh  niên tiếp tục lên đường chống Mỹ cứu nước, phụ nữ ở nhà thực hiện: “Ba đảm đang” nhiều chị đã có hai ba con vẫn tham gia trực chiến, vận chuyển tiếp tế cho bộ đội. Nhiều lần bị thủy lôi giặc thả trên sông làng có anh Nguyễn Văn Niệm hi sinh được công nhận là liệt sĩ. Anh Mai Văn Thực hi sinh trong lúc phá bom nổ chậm để thông xe trên tuyến đường 15…với khẩu hiệu: “Bám hố bom mà sản xuất, bám ruộng đồng mà thâm canh, một tấc không đi một ly không rời”, quyết bám trụ làng mà chiến đấu, đảm đang thay chồng ra mặt trận. Điển hình có chị Mai Thị Uyển chồng đi TNXP CMCN hy sinh tại Quảng Trị ở nhà nuôi mẹ già với ba con dại, chị Nguyễn Thị Khành chồng đi bộ đội , nuôi ba con dại với hai mẹ già, vừa làm đội trưởng sản xuất giỏi. Chị được báo cáo thành tích lên huyện đoàn đươch đ/c Phan Kỉnh bí thư huyện ủy Lệ Thủy bắt tay tặng kỷ vật và được kết nạp Đảng CSVN.

     Với khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” dù trong mưa bom bão đạn của giặc Mỹ Quy Hậu chưa bao giờ bỏ hoang một tấc đất. Lúa trong và ngoài đồng luôn luôn xanh tốt, năng suất ngày càng cao. Nghĩ vụ lương thực thực  phẩm đối với nhà nước năm  nào cũng vượt mức được   huyện và tỉnh khen ngợi. Các ngành nghề như sơn trnagf, mộc, rèn, nón lá, chăn nuôi đặc biệt là lò ngói, lò vôi, trại lợn, nghề cá…đều phát triển mạnh.

     Đêm 24/07/1972 máy bay giặc Mỹ thay nhau ném bom bắn phá ác liệt gồm bom bi, bom tạ, bom lân tinh từ 21h – 4h sang làm cháy hết xóm Thành sang rực cả một cùng trời. Do có kinh nghiệm làm hầm tam giác nên đã hạn chế thiệt hại về người, cả làng chỉ có anh Lê Quang Nết  hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ được công nhận là liệt sĩ. Lãnh đạo huyện và tỉnh rất khen ngợi “Lũy thép bên bờ sông Kiến”. Các làng, xã trong vùng đều khâm phục sức chiến đấu bảo vệ dân của Đảng bộ Quy Hậu. Có thể nói: Đây là trận cuối cùng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ thắng lợi của dân làng ta.

 

Phần thứ năm

QUY HẬU QUÊ TÔI QUA HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN

     Quy Hậu làng ta qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, sau đó tiếp chống chiến tranh biên giới phía Nam và phía Bắc. Làng ta có 87 liệt sỹ chưa kể liệt sỹ của làng ở các xã Văn Thủy, Trường Thủy, Mỹ Thủy. Các liệt sỹ vô danh xung phong Nam tiến từ năm 1946 mất tích như các anh Nguyễn Văn Đẩu, Mai Văn Thiển, Đỗ Tế, Lê Tếu…Các liệt sỹ các làng không có tên trong danh sách liệt sỹ ở bia tưởng niệm như anh Lê Văn Thông, Nguyễn Quang Trung. Có 25 liệt sỹ trong thời chống Pháp, 60 liệt sỹ thời chống Mỹ, 2 liệt sỹ chống bành trướng, ngoài ra còn có 26 thương binh, 25 bệnh binh. Hội cựu chiến binh làng có trên hai trăm người, có 9 bà mẹ Việt Nam anh hung, có 5 gia đình có 2-3 liệt sỹ. Một làng chưa đến 3.000 nhân khẩu mà đã có hơn 350 lượt người thay nhau ra trận cầm súng đánh giặc, có 50 người tái ngũ như Mai Ngọc Ánh, Đỗ Văn Tám, Đỗ Bá Sĩ, Đỗ Dừa, Mai Lợi, Nguyễn Trang …Có gia đình có từ 3-4 người tham gia cách mạng như gia đình ông Phùng có ông Hùng, ông Hanh, ông Kính, bà Lợi, ông Hiều. Gia đình ông Bát Nuôi có ông Châu, Lương, Bảo. Gia đình ông Xuân có ông Kế, Thường, bà Huê. Gia đình ông Huề có ông Ngạch, ông Hiện. Gia đình ông Điểu có ông Điều, Thanh, Bảo. Gia đình ông Đệ có ông Đệ, ông Hạc…

     Kết thúc chiến tranh 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng tổ quốc thống nhất cả nước cùng tiến lên CNXH theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn.

Làng ta đã có:

Một thiếu tướng:         Nguyễn Phú Thanh

Sáu đại tá:                   Nguyễn Vũ Bảo

Nguyễn Nam Hưng

Nguyễn Văn Thừa

Lê Văn Khuyên

Nguyễn Văn Leo

Nguyễn Văn Quyết

Hai thượng tá:

Nguyễn Văn Hiệt

Đỗ Văn Vượng

 

     Nhiều đ/c sĩ quan trung, cao cấp Quân đội… đây cũng là niềm vinh dự tự hào của quê hương ta.

     Kế tục và phát huy truyền thống cách mạng của cha anh, lớp trẻ sau này lại có nhiều đ/c nổi lên xuất sắc như:

  • Trung tướng – giáo sư, tiến sĩ, công an nhân dân, Giám đốc học viện an ninh nhân dân Nguyễn Văn Thắng.
  • Thiếu tướng, tiến sĩ học viện chính trị QĐNDVN Nguyễn Văn Tài
  • Đại tá Nguyễn Văn Hòa, Đỗ Phấn Đấu, Nguyễn Phú Hùng
  • Tiến sĩ, thứ trưởng bộ tài nguyên môi trường Nguyễn Văn Đức
  • Giáo sư, tiến sĩ, viện trưởng viện huyết học và truyền máu Trung ương Nguyễn Anh Trí.
  • Cán bộ, chuyên viên cao cấp Bộ ngoại giao Đỗ Văn Đồng.

 

 

Phần thứ sáu

TỔ QUỐC THỐNG NHẤT CÙNG CẢ NƯỚC TIẾN LÊN CNXH

     Hậu quả của ba mươi năm chiến tranh để lại cho làng ta rất nặng nề, hàng trăm người chết và bị thương, nhà cửa, cơ sở vật chất hạ tầng bị tàn phá hầu như chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã Liên Thủy và chi bộ thôn Quy Hậu, làng ta đã đoàn kết phát huy truyền thống yêu nước, cần cù lao động, giúp đỡ lẫn nhau nhanh chóng xây dựng lại nhà cửa, đường sá, cầu cống. Ngay từ năm 1972, hai HTX được hợp nhất lại một HTX Quy Hậu. Các ngành nghề trong làng được phát triển mạnh: lò ngói, gạch được chuyển lên làm ở Trạng Cau, lò vôi được đốt lên để phục vụ xây dựng và bón cho lúa cải tạo cho đồng ruộng. Nghề rừng, mộc, xây dựng được phát triển. Nghề chăn nuôi, nón lá, nghề cá trên song được quản lý chặt chẽ. Có thể nói cả làng như một công trường với thế thi đua hết sức sôi nổi. Bà con đi sơ tán ở các xã cũng  trở về. Các năm 1973 - 1975, hố bom trong làng, ngoài đồng đều được san lấp trừ một số hố bom tấn đã trở thành các hồ như ở đội 2 đến năm 2008 xã mới đầu tư chở cát san lấp... vv. Trong làng màu xanh đã trở lại nhà cửa mọc lên san sát các làng lân cận đều khen ngợi Quy Hậu đã nhanh chóng khôi phục hậu quả chiến tranh mà nhiều làng khác chưa làm được.

    Năm 1976 hợp nhất hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh thành huyện Lệ Ninh, ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên thành tỉnh Bình Trị Thiên.

    Năm 1977, sông Kiến Giang khô hạn, vụ tám thiếu nước riêng làng ta vẫn
bảo đảm đủ nước tưới khắp đồng vì cả làng chung sức đào mương dưới đáy sông
đưa nước về các vực sâu rồi bơm lên ruộng, hơn nữa là nước ở lòi Vạc, lòi ông
Trang, Cồn Môn, Hà Đoạn cũng đủ nước tưới hơn 50% diện tích nên làng vẫn
được mùa, đời sống nhân dân vẩn ổn định.

     Năm 1978 - 1979, áp dụng giống lúa mới ngắn ngày làng ta vẩn được mùa cả hai vụ, đó là bí quyết ít nơi làm được.

     Giai đoạn chiến tranh biên giới phía Nam, phía Bắc, cả nước gặp khó khăn về kinh tế lại chịu ảnh hưởng của thời kỳ bao cấp trói buộc nên càng khó khăn hơn. Mặc dù như vậy nhưng làng ta vẫn vững vàng kiên định. Bấy giờ anh Thanh đã chuyển sang làm thứ trưởng bộ vật tư đã gợi ý cho làng bắt điện về phục vụ dân sinh, phục vụ sản xuất. Đ/c Nguyễn Xuân Đắc làm chủ nhiệm, Đỗ Hoài làm kế toán, Đỗ Duy Bổn phó chủ nhiệm. Các đ/c đã lập dự toán trình chi bộ và đã nhất trí quyết định đưa điện về làng. Trong lúc cả huyện chưa có nơi nào giám đầu tư kinh phí để đưa điện về, HTX đã đầu tư cho công trình điện lúc đó phải vay Ngân hàng 400.000 đồng và vốn của HTX tương ứng khoảng 5 kg vàng.

     Đến năm 1980 công trình điện khánh thành, nhà nào cũng có điện sang, các trạm bơm chống hạn, chống úng đều được thay bằng trạm bơm điện. Lãnh đạo tỉnh, huyện đều khen ngợi biểu dương tinh thần dám nghĩ dám làm của Quy Hậu, có quyết tâm lớn mở đầu cho các HTX khác làm theo. Có điện làng lại được phòng văn hóa thông tin huyện đầu tư cho mỗi gia đình một cái “loa kim” để bà con theo dõi thông tin thời sự, các làng khác chưa hề có chuyện này.

     Điện về làng không những phục vụ ánh sáng cho dân mà dân đã dùng trong sinh hoạt như: quạt điện, bếp điện…

    Chị em phụ nữ ở các xã vùng trên đi chợ Tréo từ 4-5h sang đến cầu Quy Hậu nghỉ lại rồi họ nói: “Về đây mới thấy XHCN”, thấy điện thắp sang khắp làng.

    Đồng chí Nguyễn Xuân Đắc lên làm Bí thư Đảng ủy sau này lên làm cán bộ huyện .

     Đồng chí Đỗ Cương làm chủ nhiệm, lúc này đã “Xóa bao cấp chuyển sang hạch toán kinh tế XHCN”, cơ chế thị trường có sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước “Tự chủ tự chịu trách nhiệm”.. HTX đã mua về hai máy cày DDT54, mấy cái máy bơm điện “cỡ lớn”, hầu như muốn chuyển đổi nhanh để sản xuất lớn, “công nghiệp hóa nông nghiệp”. Lúc này, HTX lại có chủ trương cấp lương hưu (bằng thóc) cho xã viên ngoài độ tuổi lao động (nam 60, nữ 55).

     Nhiều nhà văn, nhà báo (Thanh Ba) đã về Quy Hậu, họ viết nhiều bài báo “sắc sảo” ca ngợi đ/c Cương chủ nhiệm hết lời, song hai năm sau đ/c Đỗ Thái Quý lên thay chủ nhiệm HTX cũng làm được nhiều việc cho dân làng nhưng rồi cũng không được bao lâu thì đ/c Đỗ Phẩm lên thay, rồi đ/c Lê Quý, nay là đ/c Nguyễn Văn Thiệp.

     Những năm 1997 – 1998, đ/c Đỗ Bá Mậu làm thưởng thôn, đ/c Phẩm làm chủ nhiệm, đ/c Dương làm bí thư đã hợp sức xây dựng nhà văn hóa, khu tưởng niệm. Đây cũng là những công lao của các đồng chí để lại cho đời sau.

 

LÀNG NÓN – LÀNG NGHỀ

     Nón lá được nhập vào làng Quy Hậu chưa lâu khoảng 70-80 năm nay nhưng nó đã là nghề truyền thống.

     Ngày nay, cả làng Quy Hậu nhà nào cũng làm nón, trẻ già, trai gái hết làm nghề nông lại bắt tay vào làm nghề nón. Nghề nón có cái hay là bất kỳ trời mưa, lụt họa, chị em có con dại vừa hát vừa ru con vừa làm nón, làm nón cả ngày lẫn đêm. Năm 2008, Quy Hậu là một trong ba làng nghề được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận, trao bằng công nhận “Làng nghề” đó là:

-         An Xá: Chiếu cói

-         Xuân Bồ: Đan lát

-         Quy Hậu: Nón lá

     Ngoài nghề nông (làm ruộng), làng ta có hàng chục nghề, nghề nào cũng giỏi mà nổi bật có hai nghề:

-         Nghề trồng bong dệt vải

-         Nghề làm nón nổ tiếng chắc bền.

     Làm nón lợi nhuận không cao nhưng nhà nào cũng có them thu nhập, có đủ tiền tiêu vặt, kể cả tiền đóng góp cho con đi học, cho nên mới nói: “Lúa vào rồi lại lúa ra”, “Tích tiểu thành đại”. Có nhà, mỗi ngày làm ra 5-7 cái nón, giá bình quân mỗi cái 10.000 đồng, nhiều người làm đẹp bán mỗi cái 40.000 – 50.000 đồng. Cả làng, mỗi ngày làm ra hơn 500 cái nón thu về một khoản tiền không nhỏ, chắc ít làng có được như làng ta.

     Ông Lê Văn Khuyên có viết về nón Quy Hậu như sau: Nón Quy Hậu không được thanh cảnh, đài cát, nó có vẻ đẹp riêng: sang đẹp, sắc sảo, thanh lịch, khỏe khoắn ẩn dấu trong mình một vẻ đẹp bền chắc, có tuổi thọ gấp đôi nón ở nhiều nơi khác.

     Trước đây, nghề làm nón cũng khá vất vả, người làm nón phải tự mình đi mua vật liệu ở nới khác như tre, lá, mốc, khổ nhất là đi mua tre lồ ô từ Châu, Lê, chợ động tâm duyệt thượng, hạ….xa 5-10 km, phải vác bộ về, chằm bằng mốc phải đi mua từ Cùa, Ba Lòng Quảng Trị, lá nón phải đi lấy ở rừng sâu, làm ra phải đi bán ở các chợ xa.

     Nay do cơ chế mới, vật liệu có người mua về bán lại tại chợ đò (chợ cầu) không phải đi xa như tre, lá, cước (thay mốc). Nón lá làm ra có chủ thầu mua rồi họ tự đưa vào các tỉnh miền Nam tiêu thụ.

     Nghề nón hầu như đã có sự liên kết "3 khâu" rơ rệt:

-         Vật liệu có người đưa về bán tận làng

-         Sản phẩm có người đưa đi bán nơi khác

-         Người làm ra nón chỉ việc lo làm

     Vậy thử tìm xem ai là người truyền nghề làm nón ở quê ta?

     Theo như các cụ già có kể: Người đầu tiên phát hiện “lợi ích” nghề nón như đã nói ở trên là hai ông:

-         Thứ nhất là ông Nguyễn Văn Dỵ, thường gọi là ông Bộ Chiêm.

-         Thứ đến là ông Đỗ Bá Mỡn, thường gọi là ông thợ Giồng

     Hai ông trước làm nghề nghề thợ may, vì giỏi nghề may nên đã rủ nhau ra thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch) làm nghề may thuê, may lúc này chủ yếu là cắt may bằng tay. Tại chợ phiên Ba Đồn thì cứ bảy ngày nhóm chợ một phiên, hàng hóa các vùng lân cận hoặc cả ngoài Hà Tỉnh đều dồn về chợ nên hàng hóa ở đây rất phong phú.

     Hai ông ra thuê nhà ở chổ làm nghề ngay tại làng Thổ Ngọa nay thuộc xã Quảng Thuận vì nơi đây có sắn nghề làm nón khá phát triển, dân làng ở đây có thu nhập khá nên đời sống khá hơn các làng khác. Đó là vào khoảng năm 1905 – 1906.

     Hai ông trở về nhà vận động ba người bạn thân cùng đến Ba Đồn đó là Lê Quang Mạc (Hường Mạc), Nguyễn Văn Tranh (chấu Tranh) và Nguyến Quang Suyền và nhận thấy đây đúng là nghề  rất phù hợp với làng quê mình nên tranh thủ học làm nghề làm nón và truyền dạy cho bà con.

     Đúng hẹn cả năm ông khăn gói lên đường ra Thổ Ngọa – Ba Đồng vừa may thêu vừa học nhanh nghề làm nón. Ông Bộ Chiêm, vợ đã mất hơn một năm để lại hai cô con gái (cô Chiêm và cô Hạnh). Mấy ông lại mai mối bà Nga (góa chồng) làm vợ kế ông Bộ Chiêm – bà đồng ý. Các ông làm lễ cưới bà cho ông rồi đưa bà về quê luôn, được bà Nga vào có tay nghề vững vàng, bà có kinh nghiệm trong trong bày bố cách làm nón (bà Nga mới mất năm 1985 thọ 80 tuổi).

      Như vậy, theo thời gian các năm sau họ lại bày nhau, truyền dạy thêm nhiều người khác mãi cho đến nay, cả làng đếu giỏi làm nón.

     Theo thời gian lịch sử, nón lá đến với làng ta từ những năm đầu của thập kỷ 30 của thế kỷ XX. Khoảng 80 năm (1930 – 2010) lấy tuổi của Bà Chiêm và Bà Hạnh con ông Bộ Chiêm khi mẹ mất ông lấy vợ khác. Bà Hạnh năm nay đã 80 tuổi ở đội 3 (mẹ của anh Thực, anh Bằng) hiện nay.

     Cùng với nghề nón (nghề phụ), làng ta có rất nhiều nghề, theo báo cáo tổng kết năm 2005 của thường trực thôn đã có 25 nghề, thu nhập hàng năm hàng trăm triệu đồng, kinh tế ngành nghề chiếm hơn 50% tổng thu nhập góp phần làm tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 10% - 15%, đặc biệt là kinh tế nghề nón. Ở đâu, thiếu việc làm chứ ở Quy Hậu việc làm không bao giờ  thiếu.

    Câu lạc bộ thơ ca Người cao tuổi - Quy Hậu đă nhận được nhiều bài thơ hay của các cụ nói về chiếc nón quê hương, xin chép lại đôi bài.

 

Tình trong chiếc nón

Chiếc nón làng Quy Hậu đẹp và bền

Nắng chiều hò hẹn buổi trăng lên

Nghiêng nghiêng chiếc nón không e thẹn

Hội ngộ tương phùng đẹp ý duyên.

 

Nhớ ai đưa nón đến làng ta

Nón đã làm thân với mọi nhà

Trẻ, già, trai, gái chăm làm nón

Nón đã đi khắp chốn gần xa.

 

Trưa hè nắng chát đầu che nón

Chiều tối mưa chan nón đội đầu

Ai đi xuôi ngược Nam ra Bắc

Hãy nhó mua về chiếc nón xinh

Nguyễn Hùng Dũng.

 

CƠ SỞ HẠ TẦNG XÂY DỰNG VỮNG CHẮC

     Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng đến nay đă hơn 20 năm, nền kinh tê của đất nước ngày càng phát triển, năm sau cao hơn năm trước.

     Quy Hậu quê ta, cùng ngày một tiến lên, tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10% - 15%. Do đó,đời sống của dân làng ta nâng lên rõ rệt, cơ sở vật chất của làng và HTX được xây dựng vững chắc. Ngoài công trình điện hoàn thành từ năm 1980 tiếp đến công trình khu trung tâm văn hóa; nơi đây không những sinh hoạt văn hóa mà còn là nơi hội họp của dân làng.

     Khu tưởng niệm các vị khai khẩn, các bậc tiền nhân liệt vị đă có công xây đắp nên làng Quy Hậu kế tục lớp người này đến lớp người khác. Đặc biệt là Bia ghi nhớ công ơn của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với đất nước (tiền khởi) và các liệt sỹ của quê hương đất nước mà hy sinh. Hàng năm cứ đến ngày 27/7- ngày thương binh liệt sỹ, ngày rằm tháng 7, ngày Đông chí, tết Nguyên đán ... đều được tổ chức các lễ dâng hương, tưởng niệm nghiêm trang.

     Hệ thống giao thông nông thôn được bê tông hóa, từ đầu làng đến cuối làng, từ ngõ, lối ra vào nhà dân. Có thể nói, cả làng Quy Hậu không có một mét đường đất, cộng tất cả có gần 7 km đường đi lại trong thôn được bê tông hóa (chắc chưa có làng nào được như vậy).

     Ngoài đồng ruộng: Hệ thống đê bao vững chắc được nối liền từ cổ Liễu đến Dương Liên. Hàng năm, lũ tiểu măn không thể tràn vào đồng; có năm nước lớn nên đă xảy ra tình trạng vỡ đê xã đoạn Hậu Lôi, cả làng ra quân huy động hàng trăm bao tải, bao xi măng đổ đầy cát cùng với thanh niên làng đi chặt hàng trăm cây dương liễu lội xuống "hói" để chặn dòng nước chảy. Chỉ trong hai giờ đồng hồ, đồng lúa đang trổ bông được cứu sống, dân làng hoan hỷ, lănh đạo xă khen ngợi biểu dương.

     Các con đường từ trong làng ra ngoài đồng ruộng được tôn cao, mặt đường được đổ sỏi đổ, các loại xe chở phân ra đồng, chở lúa vào nhà đi lại rất dể dàng và thuận tiện. Hệ thống kênh mương cũng được xây dựng kiên cố hóa từ đầu trạm bơm đến từng thửa ruộng đảm bảo tưới tiêu theo phương pháp khoa học cho hai vụ lúa màu.

     Cũng nhờ vậy mà hơn 20 năm nay Quy Hậu chưa có mất mùa, năng suất lúa 2 vụ đạt 6 tấn/ha, riêng trong đồng có nơi gần 7 tấn/ha. Năm 1998, Quy Hậu được chính phủ tặng thưởng huân chương lao động hạng III. Năm 1999, Quy Hậu được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận làng văn hóa cấp tỉnh (Làng văn hóa cấp tỉnh đầu tiên của huyện ta).

     Trở về thăm quê, thấy sự đổi mới lạ thường, nỗi cảm xúc trong long cụ Lê Quang Hiếu có viết bài:

 

Về quê

Về làng mới thấy nghĩa quê hương

Tình cảm thương mến đến lạ thường

Lúc trẻ ra đi đầu chưa bạc (1)

Nay già về lại tóc pha sương

 

Bồi hồi tưởng nhớ người tri kỷ

Xúc động buồn theo kẻ viễn phương

Xóm ngõ, bờ sông, đồng đất ấy

Người xưa cảnh cũ động lòng thương

Về làng mới thấy cảnh quê hương

Đổi mới công lao quá phi thường

Ăng ten cao vút mọc tua tủa

Rào dậu nhà dân được xây tường

 

Ngõ lối mòn xưa có còn đâu

Đường thôn, đường xóm cả cống cầu

Bê tông cốt thép xây hoàn chỉnh

Điện sáng, xe thông đến mọi nhà

 

Về làng mới thấy cảnh quê hương

Cuộc sống dân quê tựa quân vương

Nhưng lòng còn chút phân vân mãi

Cùng tổ, cùng tông lại đôi đường (2)

 

Nỗi niềm tâm huyết lúc về làng

Nặng tình máu thịt vọng cố hương

Hiền nhân đại hỷ hiểu tâm chung

Văn hóa quê hương sáng khắp vùng.

Lê Quang Hiếu

Chú thích :

(1): HTX cử đi xây dựng vùng kinh tế mới Trạng Cau

2(): Theo quyết định của cấp trên sát nhập Trạng Cau thuộc xă Văn Thủy.

Đ/c: Đồng chí

HTX: Hợp tác xã

CCRĐ: Cải cách ruộng đất

     Trước những kết quả đã đạt được, đ/c Minh Hiền đã viết bài "Quy Hậu trên hành trình đi tới tương lai" đăng trên tập san sinh hoạt chi bộ do tỉnh Quảng Bình ấn hành, xin chép lại nguyên văn như sau:

 

Phần thứ bảy

QUY  HẬU TRÊN HÀNH TRÌNH ĐI TỚI TƯƠNG LAI

     Cách đây 20 năm về trước nhà văn Mai Kế Tấn có viết một bài ký sự về "Một làng không tiếng tăm". Tác giả đã đề cập một làng quê hương sống khiêm nhường bên bờ hữu ngạn sông Kiến Giang, đã âm thầm lặng lẽ, dẫm lên đạn bom địch ngẩng cao đầu mà đi tới tìm cách bứt phá những khó khăn để đóng góp sức người sức của cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn.

     Cái làng quê "không tiếng tăm" ấy là làng Quy Hậu, nơi có chi bộ Đảng từ năm 1940, nơi sinh ra vị tướng một thời lừng danh Nguyễn Phú Nuôi (Thanh) và nhà văn giàu sức sáng tạo Mai Kế Tấn đã được UBND tỉnh công nhận làng văn hóa và đang đề nghị lên chủ tịch nước phong tặng danh hiệu anh hùng lao động.

     Yếu tố nào để Quy Hậu có bước đi lên vững chắc vậy? Ở Lệ Thủy nói chung, Quy Hậu nói riêng HTX là chỗ dựa vững chắc cho kinh tế hộ phát triển, nhất là khi có nghị quyết 10 của bộ chính trị khóa VI, nghị quyết 5 của ban chấp hành trung ương Đảng khóa VII. Ngay từ đầu thập kỷ 80, Quy Hậu đã là đơn vị đầu tiên tự lực xây dựng trạm biến thế điện 320KVA ở Lệ Thủy đưa điện về nông thôn, về đồng ruộng. Quy Hậu tiến hành cải tạo, kiến thiết đồng ruộng biến vùng đất thường có "Bát vơi, bát đầy" thành 2 vụ chiêm, tám ăn chắc, nâng dần hệ thống sử dụng ruộng đất.

     HTX có 270 ha ruộng, đã có hơn một phần ba diện tích cách xa cư dân hơn 10km. Quy Hậu tập trung đầu tư điện - Thủy lợi, gắn với giao thông nội đồng đưa 180 ha ruộng trong đồng lên thế chủ động. Hàng năm, Quy Hậu dành 50 tấn thóc cho thủy lợi, điện, cải tạo đồng ruộng, đào đắp từ 35.000 đến 40.000 khối đất, hoàn chỉnh hệ thống cầu, cống trên đồng. HTX chia cánh đồng ra 4 vùng và các ô kết hợp với xây dựng 4 trạm bơm điện, đưa đồng ruộng vào thực hiện 100% thủy lợi hóa. Khi 100% diện tích chủ động tưới - tiêu, HTX đẩy mạnh cơ giới hóa khâu làm đất và vận chuyển trên đồng.

     Từ  năm 1990 đến nay, Quy Hậu đã bảo đảm một năm 2 vụ lúa ăn chắc; kể cả những năm sông Kiến Giang hạn khô hàng tháng trời Quy Hậu vẫn được mùa, giành thắng lợi với năng suất 50 tạ/ha đưa bình quân lương thực đầu người có năm trên 800kg/năm. Ở đây, vai trò HTX đã được khẳng định qua việc mạnh dạn áp dụng công nghệ sinh học về giống, phòng trừ sâu bệnh và dịch vụ 100% các khâu: điện, nước, làm đất, vốn, giống, phân bón cho các hộ xã viên. Thế nhưng, ban lãnh đạo HTX Quy Hậu nhận thức rằng "Ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay". Trong lúc đầu tư thâm canh thì Quy Hậu rất coi trọng phát triển ngành nghề, nhằm tạo việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, thực hiện phương châm "Ly nông bắt ly hương". Nếu như 100 năm trước, Quy Hậu bắt đầu tiếp thu nghề nón từ người con dâu của làng ở Thổ Ngọa vào thì nay ngoài nghề nón trở thành nghề chính, Quy Hậu còn có thêm 23 loại ngành nghề, có nhà có đến 2-3 nghề khác nhau như mộc, xây dựng, tiện, điện tử, gò, hàn, cơ khí nhỏ, may mặc, cắt kính, đống giày dép, làm miến ... đưa tỷ trọng ngành nghề chiếm 54% tổng thu nhập của HTX. Ở đây, bà con còn đầu tư nuôi lợn, vịt đàn, gà đàn, cá hồ, có lòng ... đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm 30%.

     Vì vậy ở Lệ Thủy nói đến Quy Hậu là nói đến làng nghề. Đúng là một làng năng động nên chỉ tính khiêm tốn thôi thì bình quân một khẩu đã thu ba triệu (3.000.0000) đồng trong một năm làm cho cả làng, cả HTX sống động lên với một không khí lao động hăng say, làm giàu từ trí tuệ và sức lực của mình.

     Cùng với sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề tiến lên miền tây là hướng đi từ lâu của Quy Hậu. Từ giữa những năm 1980, Quy Hậu đã có 230 ha thông, bạch đàn tại vùng An Mã - Trạng Cau ... Sau khi giao các vùng trên để lập xã mới, Quy Hậu lại tiến lên đồi "75" để xây dựng hàng chục trang trại trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, cây công nghiệp ngắn ngày và phát triển chăn nuôi gia súc - gia cầm. Hiện nay, một chi đoàn thanh niên được thành lập, quyết tâm lập nghiệp ở vùng đồi gồm 15 đồng chí. Họ đang lập dự án để biến 100 ha đồi “75” thành một vùng chuyên canh, tiêu dứa, cao su.

     Có thể khẳng định Quy Hậu là một HTX phát triển Nông – Lâm – Ngư – Công nghiệp toàn diện ở Lệ Thủy.

     Từ sản xuất giỏi, Quy Hậu lại đầu tư xây dựng nông thôn mới; phải nói là HTX và thôn đã phối hợp khá chặt chẽ với nhau để thực hiện công tác này.

     Hàng năm, HTX dành phần lãi từ các khâu dịch vụ cùng với thôn động viên nhân dân đóng góp để chung sức xây dựng. Mười năm qua, Quy Hậu đã đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi trường lớp cho hệ mầm non.

     Quy Hậu có sáu cụm dân cư, cứ hai cụm có một ngôi trường, hai phòng học, tường xây, mái ngói nền láng xi măng, đèn chiếu sáng mùa đông, quạt trần phục vụ mùa hè, khuôn viên có tường rào bằng gạch. Riêng khu trung tâm có 4 phòng thực hiện chế độ nuôi dạy trẻ chu đáo.

     Các cụm dân cư có trạm y tế chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và dân làng. HTX có "Qũy khuyến học", hàng năm có thưởng cho học sinh học giỏi, nhà nghèo vượt khó. HTX đã gắn đầu tư trường lớp với việc xây dựng "Khu trung tâm" gồm nhà văn hóa hai tầng có sức chứa 500 người dành cho các câu lạc bộ (CLB) nông dân sản xuất giỏi, phụ nữ không sinh con thứ 3 ... hoạt động. Hoàn chỉnh khu Tưởng niệm, sân vận động có hàng cây xanh, bóng mát.

      HTX còn đầu tư xây dựng hệ thống truyền thanh, đèn chiếu sáng công cộng, hoàn chỉnh 32 bến nước 7km đường làng, ngõ xóm bằng xi măng, tính chung tỷ giá hơn 3 tỷ đồng, chủ yếu là dựa vào dân.

     Đến nay, Quy Hậu có 100% gia đình có điện dùng, có sân phơi, chuồng trại hợp vệ sinh, đường vào nhà, giếng nước bằng máy bơm, 100% hộ có rađiô, 50% hộ có tivi,  tủ lạnh, xe máy.

     Có được bước trưởng thành đi lên là nhờ chi bộ(1) đã thực sự đổi mới tư duy, việc đấu tranh phê và tự phê bình ở Quy Hậu được chi bộ Đảng chú trọng thường xuyên, nói để làm, người sau thay người trước cứ thế mà phát huy, không lập phe cánh nói xấu nhau.

     Trong công tác vận động quần chúng, HTX thực hiện quy chế dân chủ, công khai kinh tế, xã viên được bàn bạc, quyết định hướng làm ăn. HTX và làng phối hợp thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa mới ở khu dân cư". Tổ chức Đảng ở đây đã gắn chuẩn mực xây dựng con người mới của các đoàn thể với quy ước xây dựng "Làng văn hóa" an toàn làm chủ, tự quản theo sau cụm dan cư do mặt trận khu dân cư quản lý dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, Đảng viên làm nồng cốt trong các tổ chức quần chúng tạo thành sự gắn kết bền chặt giữa Đảng với Dân.

     Minh Hiền: tên thật là Cao Minh Phán – phó văn phòng tổng hợp của BCH huyện ủy Lệ Thủy, viết bài này vào năm 1998. Khi ấy, chi bộ Đảng toàn thôn, nay là Đảng bộ bộ phận Quy Hậu, mỗi xóm có một chi bộ nhỏ. Đọc bài này, ta cũng thấy được sự trưởng thành của quê hương qua hơn 20 năm “đổi mới”.

Chúng ta đời đời ghi nhớ công ơn các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với cách mạng và những liệt sĩ của làng ta đã hy sinh vì tổ quốc.

(Ghi theo bia tưởng niệm của Làng)

Danh sách các bà mẹ Việt Nam anh hùng

Stt

Họ và tên

Được công nhận

Ghi chú

1

Mai Thị Em

24/04/1995

3 Liệt sỹ

2

Nguyễn Thị Trường

24/04/1995

2 Liệt sỹ

3

Lê Thị Hến

24/04/1995

1 Liệt sỹ

4

Lê Thị Niễu

24/04/1995

1 Liệt sỹ

5

Đỗ Thị Đơn

16/04/1999

1 Liệt sỹ

6

Nguyễn Thị Nhơn

12/02/2005

1 Liệt sỹ

7

Nguyễn Thị Dính

12/02/2005

1 Liệt sỹ

8

Nguyễn Thị Mến

12/02/2005

1 Liệt sỹ

9

Nguyễn Thị Cháu

12/02/2005

1 Liệt sỹ

Danh sách các gia đình có 2 hoặc 3 liệt sỹ

Stt

Tên gia đình

Tên các liệt sỹ

1

Mai Thị Em

Đỗ Tiềm, Đỗ Trau ( anh), Đỗ Trau (em)

2

Đỗ Văn Phùng

Đỗ Hùng, Đỗ Hạnh,Đỗ Hiếu

3

Nguyễn Thị Trường

Đỗ Nghĩa, Đỗ Thiền

4

Nguyễn Văn Khía

Nguyễn Tuấn, Nguyễn Viễn

5

Nguyễn Văn Học

Nguyễn Văn Đề, Nguyễn Văn Phò

6

Mai Văn Giòn

Mai Chầu, Mai Liễu

7

Nguyễn Thị Úy

Chồng Dỵ, con Dinh

 

 

Danh sách các Liệt sỹ Quy Hậu ở các nơi khác

 

Stt

Họ và tên

Thôn - Xã

1

Nguyễn Quang Rung

Uẩn Áo

2

Lê Văn Thông

Thuận Trạch - Mỹ Thủy

3

Nguyễn Văn Lúa

An Sinh - Văn Thủy

4

Nguyễn Văn Lãnh

An Sinh - Văn Thủy

5

Nguyên Văn Tể

An Sinh - Văn Thủy

6

Nguyễn Văn Rõ

An Sinh - Văn Thủy

7

Nguyễn Văn

An Sinh - Văn Thủy

8

Nguyễn Văn Cũng

Trạng Cau - Văn Thủy

9

Đổ Văn Bằng

Trạng Cau - Văn Thủy

10

Mai Văn Đấu

Đại Thủy - Trường Thủy

11

Nguyễn Văn Dưỡng

Ráng - Vương Thủy

 

Danh sách các liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến

chống Thực dân Pháp

Stt

Họ và tên

Ngày, tháng, năm

Ghi chú

1

Nguyễn Văn Gọn

28/02/1946

Chống thực dân Pháp

2

Đỗ Bá Nghĩa

28/02/1946

3

Nguyễn Văn Đề

13/09/1946

4

Đỗ Bá Bồn

1946

5

Mai Văn Ngao

03/03/1947

6

Mai Văn Chiên

03/03/1947

7

Nguyễn Văn Thái

16/03/1947

8

Lê Thuận Thị

1947

9

Nguyễn Văn Vinh

30/04/1947

10

Đỗ Văn Tế

18/02/1948

li

Đỗ Hùng

13/08/1949

12

Nguyễn Văn Dỵ

26/03/1949

13

Đỗ Duy Khâm

04/05/1950

14

Nguyễn Văn Sính

13/08/1950

15

Nguyễn Văn Quyệt

20/05/1950

16

Mai Văn Chầu

18/07/1950

17

Đỗ Văn Hà

15/05/1950

18

Nguyễn Văn Sải

25/12/1950

19

Đỗ Trạm

1951

20

Nguyễn Văn Tranh

04/09/1952

21

Nguyễn Văn Thịu

06/04/1952

22

Đỗ Chàm

9/1952

23

Nguyễn Văn Phò

28/06/1952

24

Đỗ Bá Tiềm

15/07/1954

25

Đỗ Hạnh

1954

 

Danh sách các liệt sỹ hy sinh trong cuộc kháng chiến

chống Mỹ cứu nước

Stt

Họ và tên

Ngày, tháng, năm

Ghi chú

1

Nguyễn Văn Hiệt

28/03/1965

Chống Mỹ cứu nước

2

Nguyễn Văn Tuynh

25/03/1965

3

Mai Lỏn

11/01/1965

4

Nguyễn ThanhSang

05/02/1965

5

Đỗ Duy Lảnh

05/02/1965

6

Mai Văn Nê

09/05/1966

7

Mai Thị Hổng Lĩnh

29/04/1966

8

Đỗ Bá Bình

14/04/1966

9

Nguyễn Văn Ràng

01/08/1967

10

Đỗ Bá Mới

25/05/1967

11

Mai Văn Cánh

23/05/1967

12

Lê Văn Oanh

25/07/1967

13

Đỗ Bá Thiền

22/02/1967

14

Đỗ Nam Phương

23/07/1967

15

Nguyễn Văn Huề

22/12/1967

16

Mai Văn Bánh

27/07/1967

17

Nguyễn Văn Diệm

22/05/1968

18

Đỗ Văn Thành

10/10/1968

19

Mai Văn Vui

11/07/1968

20

Nguyễn Văn Lữ

08/08/1968

21

Đỗ Ương

10/10/1968

22

Lê Oánh

06/02/1968

23

Nguyễn Văn Nhiệm

06/02/1968

24

Đỗ Bá Vui

19/03/1968

25

Mai Văn Thực

12/06/1968

26

Nguyễn Văn Giữ

22/06/1968

27

Nguyễn Hoa Lý

16/06/1968

28

Mai Văn Thuồng

18/06/1968

29

Nguyễn Văn Sanh

1968

30

Nguyễn Văn Hy

1968

31

Nguyễn Văn Trọng

17/10/1968

32

Đỗ Duy Khoa

18/09/1968

33

Nguyễn Văn Lức

22/06/1968

34

Nguyễn Văn Kiền

11/02/1969

35

Đỗ Duy Nghỉ

10/05/1970

36

Đỗ Trạu

01/05/1970

37

Nguyễn Quang Dũ

01/05/1970

38

Nguyễn Văn Giang

01/05/1970

39

Nguyễn Trọng Hòe

28/11/1972

40

Nguyễn Văn Toan

05/02/1972

41

Mai Thị Đồng

25/05/1972

42

Lê Văn Nết

24/07/1972

43

Nguyễn Văn Đông

22/07/1972

44

Bùi Quốc Tuynh

28/10/1972

45

Nguyễn Ngọc Anh

14/04/1972

46

Đỗ Văn Năng

21/02/1972

47

Nguyễn Văn Huỳnh

11/11/1972

48

Đỗ Bá Thương

08/04/1972

49

Nguyễn Văn Viển

20/07/1973

50

Nguyễn Văn Tuấn

13/03/1973

51

Nguyễn Thị Tươi

06/08/1973

52

Nguyễn Văn Thế

26/05/1973

53

Nguyễn Văn Dinh

01/01/1973

54

Nguyễn Văn Toán

28/01/1973

55

Nguyễn Văn Dục

29/03/1975

56

Mai Văn Liễu

27/04/1975

57

Nguyễn Văn Thánh

1975

58

Nguyễn Văn Đức

26/04/1980

Biên giới phía Nam

59

Đỗ Văn Minh

12/07/1984

Biên giới phía Bắc

60

Nguyễn Văn Niên

07/11/1986

 

 

 

 

 

 

 

LỜI KẾT

     Theo dòng lịch sử thì Quy Hậu làng ta đến nay đã hơn 500 năm tồn tại và phát triển. Trong khoảng thời gian ấy, làng ta đã có bao lớp người đóng góp công sức lẫn mồ hôi và xương máu để làm nên một Quy Hậu như ngày hôm nay.

     Cũng khoảng thời gian ấy biết bao cảnh thăng trầm, đặc biệt là từ ngày có Đảng, có cách mạng đến nay, Quy Hậu quê mình có nhiều đổi mới. Trải qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, Quy Hậu luôn luôn đứng trước mũi súng quân thù không nhìn đâu xa cứ nhìn các làng, các xã lân cận không có nơi nào “đau khổ” như làng ta, không những số lượng chết và bị thương mà cả làng không còn một ngôi nhà cũ, không còn Đình – Chùa – Nghè – Miếu và cả những dấu vết văn hóa của người xưa để lại.

     Chiến tranh kết thúc, Quy Hậu hầu như chỉ còn đôi bàn tay trắng. Ai đã từng trông thấy ngọn lửa bốc cháy cả một vùng trời để lại một bãi tro tàn đổ nát do giặc Pháp gây nên. Ai đã từng cùng cả làng bị giặc Pháp bắt tập trung trước sân trường tiểu học với khẩu đại liên “chực” sẵn dưới chân cột cờ chĩa họng súng trước mặt dân làng chờ nhả đạn, với một bầy Tây trắng, Tây đen; những người chồng, người cha bị còng tay lôi đi rồi chết đâu không biết và những người bị bắn chết dưới chân cột cờ mới thấy cảnh đau thương. Ai đã thấy bà con mình chết gục giữa đường cày, bên ruộng lúa,… mới thấy đau thương gánh nặng mối căm thù. Ai đã từng chôn cất những cụ già, em nhỏ ngày 26/6 ở Đông Thành và ngày 6/01/1967 dưới tầng bom tọa độ của giặc Mỹ mới đau thương. Ai dã từng nhặt từng miếng thịt, những khúc xương của những gia đình bị sập hầm chia từng phần làm từng ngôi mộ cho đủ số lượng … mới thấy cái giá đắt để có Quy Hậu bây giờ.

     Thật là “Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Sau ngày tổ quốc thống nhất (30/4/1975) cả nước cùng tiến lên xây dựng CNXH theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn. Quy Hậu làng ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, trở ngại, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ - bộ phận Quy Hậu cùng nhau đoàn kết xây dựng lại quê hương.

     Thành quả mà Quy Hậu đạt được không những hạ tầng cơ sở vật chất vững chắc như: điện – đường – trường – trạm với một cánh đồng “cò bay thẳng cánh” đảm bảo một năm hai vụ lúa vàng cho năng suất từ 50 – 60 tạ/ha. Đời sống của dân làng càng ngày càng được nâng lên rõ rệt.

     Thành quả lớn hơn, Quy Hậu đã xây dựng đảng bộ nhiều năm liên tục đạt “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh” với hơn 150 cán bộ Đảng viên đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng ở địa phương.

    Các tổ chức quần chúng như thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh và hội người cao tuổi, đều là những đơn vị dẫn đầu phong trào cách mạng của xã và huyện.

    Có được những thành quả nói trên, trước hết là nhờ có Đảng cộng sản Việt Nam, có chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cá cấp ủy Đảng, chính quyền và mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp trên. Chúng ta nguyện mãi mãi đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn.

     “Quy Hậu quê tôi” còn bao chuyện nữa mà tôi chưa biết hoặc chưa nói hết, mong rằng có nhiều tập sau nói tiếp và chắc sẽ có nhiều kỳ tích lý thú hơn.

     Chuyện làng tập này cũng mới nêu lên một số sự kiện và con người có tính chất điển hình, nhân chứng lịch sử mà thôi, còn nhiều thiếu sót mong bạn đọc thông cảm và bổ sung thêm.

     Dù sao cũng để lại cho con cháu đời sau hiểu được “Kỳ tích” của dân làng đã làm nên để trân trọng và phát huy hơn nữa, làm cho Quy Hậu quê mình ngày càng “ Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như lời di chúc của Bác Hồ kính yêu để lại.

     Cùng nhau đoàn kết, phán đấu “Vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

     Nhân dịp này, cũng xin chân thành cảm ơn các đồng chí, các bậc lão thành đã đóng góp nhiều ý kiến (tư liệu) đúng đắn, chính xác giúp cho “Quy Hậu quê tôi” tương đối đầy đủ hơn, đúng đắn hơn. Đặc biệt, cảm ơn cụ Lê Văn Khuyên và đồng chí Minh Hiền đã có bài viết nói về Quy Hậu.

 

Xin chân thành cảm ơn !

Ký sự đã sử dụng tư liệu và ý kiến đóng góp bổ sung của các đồng chí:

Mai Văn Lương                                              Đỗ Duy Tường

Nguyễn Văn Học                                           Đỗ Văn Tám

Đỗ Văn Hoài                                                  Nguyễn Phú Bình

Mai Văn Châu                                                Nguyễn Quang Năm

Nguyễn văn Hoài                                           Nguyên Văn Cơ

Đỗ Văn Kính

 

Mong bạn về quê

Bạn bè tôi năm bảy đứa quen thân

Lớn lên sao chẳng được ở gần

Kẻ ở trong Nam, người ngoài Bắc

Còn tôi ở giũa chốn Trung cân

 

Tuổi ngoài bảy mươi vẫn còn xuân

Mong bạn về quê một đôi lần

Cùng nhau ôn lại thời thơ trẻ

Chung lớp chung trường rộn tiếng ngân

 

Quê mình nay đã đổi mới rồi

Điện, đường, trường, trạm đến khắp nơi

Nhà cao mái ngói xanh sạch đẹp

Mong bạn về quê viển cảnh chơi.

Nguyễn Hùng Dũng

 

SƠ LƯỢC LÝ LỊCH (TÁC GIẢ)

 

Tên thường gọi: Nguyễn Hùng Dũng

Tên khai sinh: Nguyễn Văn Thọ

Sinh năm: Ất Hợi 1935

Nguyên quán: Quy Hậu - Liên Thủy

Vào Đảng năm 1960, chính thức 1961

Trình độ văn hóa: Lớp 9/10

Trình độ chính trị: Trung cấp

Trình độ chuyên môn: Đại học QLKT

Kinh qua:

Đảng ủy viên bí thư đoàn xã Liên Thủy, Quyền bí thư huyện đoàn Lệ Thủy.

Huyện ủy viên: Chánh văn phòng huyện ủy Lệ Thủy - Lệ Ninh- Hướng Hóa (Quảng Trị)

Bí thư Đảng ủy Nông trường Đại Giang

Bí thư Đảng ủy cơ quan mặt trận huyện.

Phó chủ tịch UBMTTQVN huyện Lệ Thủy.

Phó chủ tịch hội NCT xã Liên Thủy.

Khen thưởng:

Huy chương kháng chiến hạng III

Huân chương CMCN hạng nhất.

Huy hiệu 40,50 tuổi Đảng

Huy chương vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân

Huy chương vì thể hệ trẻ

Huy chương văn phòng cấp ủy

Huy chương xây dựng tổ chức công đoàn Việt Nam

Huy chương hội CCB Việt Nam , hội NCT Việt Nam.

Nhiều bằng và giấy khen khác.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
TÌM KIẾM


 Bấm vào đây để xem
LỊCH VẠN NIÊN

 

CÁC BÀI VIẾT TIÊU ĐIỂM

CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thống kê

  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 701
  • Tháng hiện tại: 21780
  • Tổng lượt truy cập: 4196337

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy trang web của chúng tôi như thế nào?

Rất Tốt! Cung cấp thông tin hữu ích.

Tốt

Tạm được!

Chưa ổn!