ĐĂNG NHẬP THÀNH VIÊN

BÀI VIẾT HAY

Động Phong Nha Kẻ Bàng

Hang Sơn Đoòng muôn màu











Quy Hậu làng ta qua chín năm kháng chiến chống thực dân pháp

Đăng lúc: Thứ năm - 31/01/2013 02:26 - Người đăng bài viết: nguoiquyhau

                            QUY HẬU LÀNG TA QUA CHÍN NĂM KHÁNG

                                     CHIẾN CHỐNG THỤC DÂN PHÁP

     Ngày 27/3/1947,  giặc Pháp trở lại xâm lược Quảng Bình mà chủ yếu là  Đồng Hới.

     Ngày 30/3/1941,  giặc Pháp kéo đến Lệ Thủy bằng hai con đường từ Đồng Hới lên và từ Quảng Trị  ra. Ngay từ buổi đầu chúng đã bị quân dân Lệ Thủy đánh trả quyết liệt [Xem lịch sử Đảng bộ Lệ Thủy).

     Chiếm được Lệ Thủy, gịặc Pháp đã  xây dựng một hệ thống Đồn — Bốt dày đặc theo đường quốc lộ 1A., đường 15 và  vùng giữa.

      Quy Hậu  quê mình cùng nằm trong vùng kìm kẹp  giữa các Đồn Thượng Phong, Hào Luật Nam, Liên Thiện, Xuân Bồ, Mỹ Trạch, ngày đêm chúng càn quét đốt phá ác liệt.

     Ngay từ đầu giặc mới đến dân làng tản cư lên chiến khu, thực hiện "Vườn không nhà trống”, “ Tiểu  Thổ kháng chiến”, “Thà chết không chịu làm nô lệ” ,v.v…

     Được một thời gian ngắn thì  Chính phủ Việt Nam kêu gọi đồng bào hồi cư, bám làng, bám ruộng sản xuất để cung cấp lương thực cho kháng chiến trường kỳ, “thực túc binh cường”.

     Dân làng ta lương thiện, các tôn giáo tuy có nhưng rất ít, như Phật giáo vài ba gia đình Thiên chúa giáo, có mỗi một gia đình ông  Đỗ Duy Mỡn – có con là Đỗ Duy Cần cam tâm làm việt gian. Khi tây mới đến  chúng đã bám gót giặc, chỉ điểm người làm Việt minh trong làng cho giặc bắn giết,  kể cả anh em thúc bá, họ hàng của chúng.

     Rạng ngày 5/4/1947 (tức ngày 3/3 Đinh Hợi) sau 5 ngày giặc Pháp chiếm đóng Lệ Thủy. Bọn Tây trắng, Tây đen đến bao vây làng Quy Hậu. Chúng vào từng nhà lùa hết mọi người ra sân trường Tiểu học (nay là trường Mầm Non ở đội 3 cạnh nhà văn  hóa). Chúng bắt một số  người mà tên Cần cho là Việt Minh quỳ một hàng ngang dưới chân cột cờ  trên bệ chân cột cờ  chúng bắc sẵn khẩu Đại  Liên có hai tên Tây chực sẵn chờ lệnh bóp cò lính Tây trắng, đen bao vây kính đáo.

     Một cuộc khủng bố, tàn sát làng Linisơ  (Tiệp Khắc) của phát xít Đức  đang chờ sẵn với dân làng ta.

     Tôi thấy dưới chân cột cờ, trước họng súng Đại Liên chúng đã bắt ông Mai Ngao (Lý viên) bố vợ của anh Thanh, ông Mai Viên (Binh phần), ông Nguyễn Văn Vinh (Binh vói) anh Nguyễn Văn Giỏ. Thanh niên quỳ một hàng, mặt họ nhìn dân làng mà tràn đầy nước mắt.

     Sau khi dân làng đã ra hết ở sân trường, khoảng 10h tên thông ngôn nói: Mọi người  sắp hàng dọc, những em từ 10 đến 15 tuổi cho về trước, tiếp đến từ 15 đến 20 tuổi, sau đó từ 21 đến 25 tuổi tiếp tục cho về….

     Khi hàng người đi qua trước mặt tên  Tây Trắng, tên Cần chỉ đến ai người đó bị Tây bắt lại, trói tay rồi đưa đi chổ khác, lớp từ 10-15 tuổi chúng bắt các anh Nguyễn Quang Vịnh, Đỗ Văn Thang làm liên lạc cho Tư vệ thôn; lớp tứ 13-20 tuổi, chúng bắt các anh Đỗ Phương, Đỗ Tùng. Các lớp khác, chúng bắt trên 20 người trong đó có các ông Đỗ Bi, Đỗ Hiếu, Mai Viên, Nguyễn Vinh, Nguyễn Giõ. Chúng bắn chết tại chổ hai người là Ông Mai Ngao (Lý viên), Nguyễn Giõ (thanh niên tự vệ thôn).

     Năm 1948, anh Vinh, anh Thang được chúng cho về, số còn lại chúng đưa đi bắn chết ở đâu không biết! Nghe  ông Vịnh (nay đã 78 tuổi còn sống) kể lại rằng: Khi dân làng đã tập trung đông đủ, tên Cần nói với tên thông ngôn để tên này nói lại với quan Tây rằng "Tơlumongdongyilas Quy Hậu xettulow Việt minh" nghĩa là dân Quy Hậu Việt minh cả, bắn hết cho nó biết.

    Tên thông ngôn nói với tên Cần rằng: Tôi đồng ý Quy Hậu có Việt minh nhưng không phải Viêt minh cả làng, ai Viêt minh thì ông bắt, ông bắn chứ không nên bắn cả làng tội nghiệp! Tên Cần nghe ra và đồng ý  như đã nói ở trên. Nghe nói tên thông ngôn này  ở làng Đại Phong sau trốn lên chiến khu tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

     Sau trận khủng bố này, dân làng càng căm thù giặc Pháp lại càng căm thù tên Cần, họ thề bắt đươc tên Cần sẽ phân thây xé xác nó ra mới hả dạ nhưng không làm được, nó đã theo Tây. Cả nhà nó cùng theo Tây, chỉ chừa lại gia đình người em ở lại là Đỗ Duy Kiệm.

     Tháng 5 năm 1947 giặc Pháp từ đồn Thượng Phong kéo lên càn quét, khủng bố dân làng. Lập tức bị bộ đội và lực lượng du kích làng chặn đánh quyết liệt, diệt tại đường quan (Trước nhà ông Lạch - ông nội anh Thanh ở đội 5 hiện nay) giết một tên quan ba,) và mấy tên khác bị thương. Bọn chúng vào nhà ông Lạch kê cái giường tre ông nằm đê khiêng tên tây vê đồn Ông Lạch không cho nó bắn chệt tại nhà. /

     Bị thua trận bọn chúng rút về đồn Thượng Phong, bên ta anh Nguyên Văn Thái (du kích thôn) hi sinh, anh Nguyên Văn Thọ (bố anh Thăng đội 1) bị thương nặng trong chiều ngày ấy. Bọn chúng tập trung lực lượng dùng đủ mọi thứ vũ khí kể cả canoong ở đồn Hòa Luật Nam dội sang quyết tiến công vào làng ta nhưng bộ đội, du Kích và dân làng đã rút ra đồng để lại vườn không nhà trống: nổi giận chúng châm lửa đốt sạch làng, ngọn lửa bốc lên che kính cả một vùng trời tàn khốc.

     Vụ chiêm năm này được mùa nhưng do lụt tiểu mãn 20/5 làm cho cả cánh đồng ngập nước lúa chín không gặt kịp, lại bị giặc Pháp nổ súng ra đồng khủng bố nên lúa mộng, mạ mộc lên xanh cả chẹn lúa còn hoa màu như: khoai, sắn, ngô, đậu đặc biệt là "dưa gang" một loại dưa quý hiếm (nay không còn nửa) trôi nổi  khắp đồng.

     Trời thì mưa lũ, giặc Pháp bắn phá khủng bố, hễ thấy người ra đồng là chúng nổ
súng bắn chết, lúa ngô khoai, sắn và dưa gang trôi nổi thối cả đồng. Cánh đồng làng
ta nằm trước mũi súng của nạn đói lại xảy ra, bà con dân làng lại phải lên chiến khu để sản xuất chống đói.

     Vụ sản xuất Đông Xuân 1947 - 1948, dân làng lại trở về cày cấy,  bọn chúng buộc làng phải lập hội tề,  phải "Quy thuận" chúng mới cho ra đồng sản xuất, các cụ bô lão mới cử ông Lê Quang Chồng (mắt mờ tai điếc) ra trình diện đồn làm Lý Trưởng. Ông làm được khoảng một tháng thì bọn chúng không cho ông làm nữa buộc làng phải cử Lý Trưởng khác. Các cụ lại họp bàn (có sự chỉ đạo của Việt minh). Làng lại cử ông Mai Văn Sung làm Lý Trưởng Ông này có biết chữ lại vui tính nên được bọn chúng chấp nhận, song cũng chỉ được một hai tháng thì ông bị bệnh già yếu rồi chết, cày cấy xong thì làng lại không có Lý Trưởng. Bọn chúng lại khủng bố, ngày đêm nả pháo vào làng, thấy dân làng ra đổng nó bắn.

     Thời kháng chiến tình hình rất căng thẳng, làng mới cử lý mới thì Cách mạng ta diệt như ông phó Phạm ông Trùm R. Từ đó không ai dám đứng ra làm Lý Trưởng nữa.

     Cũng như lần trưóc,  mỗi sáng tinh mơ,  bọn chúng đã áp vào làng bắt các cụ bô lão, các vị "quan viên kỳ cựu" ra đình tập trung. Chúng buộc ta phải cử ra ban Hương lý  "Hội Tề" không chúng tiêu diệt cả làng. Bọn chúng đã làm sẵn danh sách  Hương lý từ trước cách mạng tháng tám.

     Ban Hương lý lần này có đủ các chức sắc như Lý trưởng, Phó lý, Hương kiểm, Hương mục, Hương dịch, Hương bản v.v. Được biết, bọn chúng lập ra "Hội tề" ở làng ta sau các làng lân cận.

     Hoạt động của địch lúc này khá ráo riết, hầu như chúng đã "ổn định" được vùng đồng bằng, chúng bắt dân làng chặt tre rào làng, tổ chức canh gác chặt chẽ "Hương vệ đoàn" do Hương kiểm trực tiếp phụ trách. Các cổng ra vào làng đều có "Điểm canh" có mõ khắc lao, có Hương vệ đi tuần rất chặt chẽ nhưng chúng có biết đâu lực lượng hương vệ này đều là con em Việt minh cài vào cả. Cho nên sau khi ta "diệt tề trừ gian" xong, họ tuyên bố thành lập trung đội du kích thôn, nhiều người kết nạp vào Đảng cộng sản năm 1949.

      Làng ta cùng như các làng khác, bọn chúng bắt dân canh gác ngày đêm, tuyệt đối không cho người lạ mặt vào làng nếu không có giấy thông hành của 'hội " Tề “ sơ tại cấp.

      Ban đêm Việt minh vào làng, phải báo động báo cho "cụ lớn" biết, làng ta khi Việt minh về, có "Khẩu lệnh" họp nhau rồi là Hương vệ mở cửa đón Việt minh vào làng hoạt động. Khi xong việc Việt minh ra khỏi làng mới nổi trống mỏ báo động.

     Chiếc cầu gỗ có trước năm 1945,  năm 1947 khi giặc Pháp đến lực lượng tự vệ thôn đã đốt phá "Cắt đính đường, phá cầu" không cho giặc càn quét là chủ trương của ta hồi đó. Đến năm 1948, khi đã ổn định được vùng đồng bằng, bọn chúng cho bắc lại cầu gỗ, chúng bắt dân chở đường ray (tàu hỏa) về làm đà nên cầu khá vững chắc, xe ô tô chở lính qua cầu tiến lên chiến khu Bang Rợn của ta, tất nhiên chúng đã bị dân quân ta đánh cho tan tác không tài nào lên chiến khu được (xem lịch sử Đảng bộ Lệ Thúy).

     Đầu năm 1948, theo chủ trương của huyện, các xã Tây hồ, Cao Vân sát nhập lại một xã lấy tên là xã Liên Thủy.

     Tháng năm 1948, đại hội đại biểu huyện Đảng bộ ra nghị quyết "Tất cả bám dân, bám đất, phát động toàn dân đánh giặc giữ làng". Xã Liên Thủy có thêm sức mạnh mới, chi bộ xã được củng cố thêm một bước. Lúc này, đồng chí Nguyễn Văn Hòe (bố đ/c Kề) được bầu làm chủ tịch Ủy ban.

     Cuối năm 1948, phong trào "Diệt tề trừ gian" phát triển manh mẽ, chỉ trong một  đêm bộ đội ta phối hợp với lực lượng du kích (bí mật) của thôn bắt gọn bọn Hội tề và một số tên Việt gian ngấm ngầm hoạt động cho địch, trong đó có Đỗ Duy Kiệm. Số hội tể này được tập trung lại một chỗ, nghe bộ đội ta giải thích chính sách khoan hồng của chính phủ, nói rõ chủ trương giải tán Hội tề và kêu gọi lên chiến khu "cải tạo" rồi cho về duy chỉ có hai tên bị ta xử lý (bắn) tại chỗ.

     Nhớ một đêm cuối năm 1948, Việt minh vào làng đã làm xong nhiệm vụ, khi họ rút lui mới đốt hết điểm gác, đốt cả hàng rào rồi kêu "cụ lớn cứu với", lúc đó có một số bô lão "cầu an" đốt đuốc, chạy ra đường quan van cụ lớn cứu với, cụ lớn không lên cứu nằm tại đồn Thượng Phong nả pháo và bắn Đại Liên vào làng làm cho một số cụ chết và bị thương trong đó có ông Cửu Huề chết, ông Nghè, ông Kính, ông Nghệ bị thương. Sáng mai, cụ lớn lên khen làng Quy Hậu giỏi.

     Vào một đêm khác giữa tháng 10/1948, trời mưa lạnh, gió heo may Việt minh lại về làng bắt gọn số Hương lý lên chiến khu cải tạo, làm xong việc lại đốt điểm canh gác, hàng rào và nổi trống mỏ rất rầm rộ.

     Thầy giáo Nguyễn Văn Nam có làm bài thơ kể chuyện đêm ấy như sau:

          Không đề

Chiếu giường vừa soạn ngáy pho pho

Tiếng độn vang lừng tợ hẩy bò

Bao nhiêu trống mỏ đều la ó

Bao nhiêu điểm dỏ biến thành tro

Đống tro rạng đến ngày mai

Nhìn quẩn nhìn quanh chẳng thấy ai

Ông Lý, ông Hương mất đầu cả

Vợ, con thường nhớ hoài

Nhớ hoài nỏ muộn cùng không lâu

À! May  sót được một anh sâu

Tây cầm quả lựu toang không nổ Chạy sang đồn báo kéo lâu.

                                                                  Nguyễn Văn Nẫm

      Lại nói chuyện Hội tề gặt lúa dân, vụ chiêm năm 1948 mà nó cho là “ruộng việt minh”, “ Ruộng có tên mà không có mặt”. Ông Nguyễn Quang Trúc, tức cảnh đã có bài vè Hương lý. Tuy Nhiên, đây là vè kể chuyện lịch sử một thời, chuyện xảy ra cũng chỉ một lần, hơn nữa cũng do giặc Pháp gây nên, lúc này giặc Pháp cũng bắt dân vùng dưới đi gặt cướp lúa về cho nó. Hội tề làng ta khi đó chẳng qua lợi dụng mà thôi.

     Họ là người đã tham gia giành quyền thắng lợi năm 1945 và sau này họ lại tiếp tục tham gia xây dựng quê hương, xây dựng HTX. Hơn nữa, sau này đất nước thống nhất, Đảng và chính phủ đã nêu lên khẩu hiệu “Bỏ qua quá khứ, hướng tới tương lai”.

     Để tôn trọng lịch sử, tôn trọng quyền tác giả, tôi xin chép lại nguyên bản, không thêm bớt chút nào mong bạn đọc thông cảm.

Vè hương lý

Lẳng lặng mà nghe

Nghe vè Hương lý

Có ông bộ D (1)

Bóc lột quá tay

Mỗi người một trự (2)

Ông không tư lự

Ông nổ thương dân

Ông nói tần ơn

Có ông bảo đảm

Lại thêm Hương bản (3)

Mua một viết ba

Dân chúng kêu la

Sắc hào không mắt

Bắt dân đi cắt (4)

Hương K’, hương K (1)

Chưởi diết la oang

Trình đồn nạp huyện

Quy Hậu cắt ruộng kháng chiến

Cái o đem cho Khoán Hiểu (7)

Cái nộng đem biếu chín thầy

Cái đầu không biết mần chi

Hôm chấm máy bộ (8)

Cho dân ăn uống

Cứ sổ cấp ruộng

Thượng hạ phân minh

Ăn uống giữa Đình

Dân không được nói

Ba ngày đào hói

Ta sẽ liệu cho

Bốn giáp hai bò

Cơm ăn hai bữa

Bao nhiêu củi lửa

Bữa cột Hương Trường (9)

Nói ra thăm thương

Gia đình cán bộ

Tây Tới đến chỗ

Lập bộ Lý Hương

Bắt được dân thường

Đem vào tự vệ

Biết bao xiết kể

Khổ nhục muôn phần

Người có tin thần

Thì phải ẩn núp

Súng bắn bì bụp

Thì phải thoát thân

Rồi sung dậy mần

Đề phòng tiếp tế

Không hay mưu kế

Không có hạt đâu

Trinh sát réo trâu (13)

Có C ông C

Đặt Mi rình lén

Bắt bọn Việt minh

Nố chộ mầm thinh

Chạy liền vào báo

Với ông Đỗ K

Có tên Nguyễn Sáu (14)

Nó lọt vào làng

Ông Lí la- oang

Chạy tìm eng Khế(15)

Mi là tiếp tế

Cho nó ngoài đồng

Tui thì chối không

Ông thì la giết

Tui nói không biết

Ông lại bóp bơ

Mi nói trơ trơ

Cắt ruộng Việt minh

Chất lúa ngoài Đình

Hai mươi một mẩu

Có dư bảy sào

Dân nói ồn ào

Thì dân được chết

Bên đồn cụ biết

Bắn hết cả làng

Việc này sửa sang

Do ban Hương lý

Thóc đâu mà hỏi thủ quỹ

Khi ấy thầy Lý

Vừa nói vừa cười

Thóc lưa tám mươi (5)

Mà chưa nói được

Đến lề kỳ phước (6)

Làng tế hai bò

Trừa cái đầu, cái nọng, cái o

Rồi súng dậy mần

Đề phòng tiếp tế

Không hay mưu kế

Có kẻ mần giàu

Bên đồn cắt trước

Tổng Gi(1) cắt sau

Chổ này một Triêng

Chồ kia ba bó

Nói qua thầy phó

Thầy cũng cắt thêm

Cắt ruộng có tên

Mà không có mặt

Ruộng này cung cấp

Do Đảng Việt minh

Nói ra tình hình

Ai cho bay cấy

Ruộng này cắt lây

Để tại Làng Tân (10)

Sương thóc lần lần

Chục ni, trăm khác

Nói qua số bạc

Thầy Lý cổng nhiều

Phần này ta nêu

Thì dân cùng hoảng

Lại thêm TôngGi(1I)

Ngồi đố ve bày

Phần này ta nêu

Đem dây trăm trự

Ta là khoán chư(12)

Sáng giơ nêu cho

Đứng đắn, đừng đo

Chưa đầy năm thúng thóc

Đừng khóc, đừng lóc

Chiều qua ông bổn L

Tới nói tàu nghe

Mi xách nồi chè

Ra ngoài Cồn Thiển(16)

Việc này nguy biên

Để lại cho mi

Đưa giấy tình nghi

Mi bị Kiềm Thúc

Thưa ông

Tui đây nhiều lúc

Tù tội gian nan

Thưa với ủy ban (17)

Mong rằng để ý

Đêm nằm mọng mị

Nhớ tới ủy ban

Chờ khi độc lập hoàn toàn

Tung hô khẩu hiệu

Đánh tan bọn này.


Chú dẫn

1-     Miễn gọi tên thật, xin giấu tên.

2-     Một trự: Ì đồng bạc Đông Dương

3-     Hương bản:ghi chép sổ sách tài chính.

4-     Đi cắt: Bắt dân đi gặt lúa.

5-     Thóc lưa tám mươi: còn 80 thúng thóc.

6-     Lễ Kì Phước: Lễ tế của làng "cầu phúc".

7-     Khoán hiểu: ông khoán giữ đồng.

8-     Chấm máy bộ: báo cáo việc thu chi

9 -     Cột Hương Trường: Nhà Hương hội, sau làm nhà trường tiểu học.

10-     Làng Tân: làng Tân Hậu nay sang ở HàũLuật Nam.

11-     Phần này ta nêu: nêu bằng cắm một cây nêu lên ruộng.

12-     Ta làm khoán chư: giữ đồng, bảo vệ đồng.

13-     Trinh sát réo trâu: tác giả mô phỏng trinh sát

14-     Nguyễn Sáu: còn sống, cán bộ Việt minh của xã lúc bấy giờ.

15-     Eng Khế: tên con tác giả.

16-     Cồn Thiển: ruộng ngoài Thiển hiện nay.

17-     UB xã: lúc này đang là UBHCKC xã. ,

Trong những năm 1947 - 1948 khi giặc Pháp xâm lược quê hương ta, làng Quy Hậu nói riêng hết sức đau khổ, bọn giặc cứ nghe đến Quy Hậu nó đã cho là “làng Việt minh” nên nó hết sức tàn sát, khủng bố. Cảnh chết chóc đau thương xảy ra hàng ngày, xóm làng, cầu cống điêu tàn xơ xác. Người chết trong làng ngoài đồng không ai chôn cất hết sức thảm thương, ai đã sống qua mấy năm này ở làng ta mới thấy nổi đau lòng khôn xiết!

Giữa năm 1948, khi Hội tề ổn định, làng mở  trường tiểu học, do thầy Nguyễn Văn Nẩm và thầy Đổ Bá Phó trực tiếp dạy.

Thầy Phó (ông nội đ/c Mậu hiện nay) có đọc cho học sinh chúng tôi chép bài "Làng ta đau khổ vô cùng" không rõ tác giả, xin chép-lại như sau:

Làng ta đau khố

Làng ta đau khổ vô cùng

Dân tình ly loạn não nùng cỏ cây

Đông không thưa thớt dấu cày

Vườn không, cỏ choán cây gầy mành xiêu

Đó đây nhà chấy bụi thiêu

Bơ vơ tường sạm, tiêu điều. cột đen

Cống, cầu tàn tật ngã nghiêng

Ngựa xe mất lối, bến thuyền biệt xa

Ngõ đường thưa bóng lại qua

Tịnh không chó sủa. tiếng gà cũng không

Không gian nặng nghẹt hơi nồng

Xác người rữa chết trên động quạ tha

Dân quê bũng thịt vàng da

Thân xương thiếu áo, cơm là cỏ măng

Nắng mưa ngũ bụi nằm đàng

Thoáng trong người lạ vội vàng lánh đi

Đêm ngày lơ láo ngại nghi

Đạn lạc đến hết đời oan khiên!

Than ôi! Quỵ Hậu, ưu phiền.

      Cuối năm 1948, số Hội tề bị bắt lên chiến khu cải tạo, sau cho về cả. Phong trào cách mạng trong làng lên cao. Số anh em "Hương vệ nay đã vào đội tự vệ làng, sau đó thành trung đội du kích thôn do ông Đỗ Triều làm thôn đội trưởng, ông Mai Văn Trung thôn đội phó, lực lượng du kích thôn lúc này khá mạnh.

     Suốt năm 1949 - 1950 phần lớn, họ được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam nay đã 60 tuổi Đảng.

     Lợi dụng hàng rào do "Hội tề"  lập từ trước, nay dân làng lại chặt chẽ hơn. Học tập làng chiến đấu Cử Nấm Cảnh Dương (Quạng Trạch) nên việc bố trí chống càn bảo vệ làng được trung đội Du kích làm rất chặt chẽ, các cổng ra vào làng được chôn bom, mìn và hầm chông được khép kín, nhiêu lần địch mò vào đều bị đu kích ta chặn đánh chúng chẳng vào được.

     Lực lượng Du kích của làng ngày càng lớn mạnh đã vận động toàn dân đào giao thông hào từ nghè xuống tận chợ Tréo để phối hợp bao vây đồn Thượng Phong. Tiểu đội Du kích trực chiến bao vây đồn Thượng Phong đã bắn chết một tên giặc đang leo lên chòi canh, nghe nói do đ/c Mai Văn Sướng bắn.

     Sau một thời gian bị bao vây bọn giặc đã huy động lực lượng các đồn  Hào Luật Nam, Mỹ Trạch Thượng, Liêm Thiện càn về mở vây. Khi bọn chung đi qua Quy Hậu lại bị Du kích và bộ đội ta chặn đánh , cả ba cánh quân của chúng hoảng sợ lại bắn lẩn lộn nhau và đua nhau chạy về đồn Tiểu (đồn Thượng Phong). Không những thế  mà đơn vị Du kích làng ta tham gia đi diệt tề trừ gian ở một số làng khác như Uẩn Áo, Thuận Trạch (tân duyệt hạ) đưa rơm lên đốt đồn Liêm Thiện (đồn Cầu Ngò) đ/c Hoài kể: Ta đưa rơm lên ém sát hàng rào của đồn kèm theo những “con cúi” đơm quân lại có ít thuốc cháy bỡ trong rồi châm lửa. Du kích mình về giữa đồng Tâm Duyệt –uẩn Áo rồi lửa mới bốc cháy, bom địch trong đồn bắn ra như mưa nhưng ta đã rút về hết.

     Tham gia diệt tề trừ gian ở trong làng hoặc làng khác, anh em Du kích ta đều mặc áo đen, mang súng giả cùng với một vài anh bộ đội địa phương huyện (đại đội độc lập về mỗi địa người vài người chỉ đạo).

     Lúc này các cơ quan lãnh đạo của xã đều về bám trụ vùng địch hậu mà chủ yếu là về đồng ở làng ta. Nhiều đồng chí cán bộ, du kích các làng trên lúc này cũng về kết nạp Đảng ở làng ta, có đ/c về kết nạp tại Xuân Hồi (sau lưng địch),…

     Các đoàn thể Việt minh của làng lúc này hoạt động mạnh lắm, đ/c Mai Văn Tấn Bí thư thanh niên, chị Nguyễn Thị Minh bí thư phụ nữ. Sau đ/c Tấn được rút lên thanh niên xã, rồi được bầu vào BCH huyện đoàn Lệ Thủy làm bí thư huyện đoàn cho đến năm 1952, đ/c Đỗ Duy Ngạch làm thường vụ rồi phó bí thư huyện đoàn.

     Tháng 3/1949, sau khi mở được vòng vây đồn Tiểu, bọn chúng lại ồ ạt tiến công lên càn quét ở làng ta, lập tức bị bộ đội và du kích làng ta chặn đánh quyết liệt. Khoảng 10h-11h trưa chúng mới tràn vào làng. Du kích ta giật bom, bắn pháo sang đường quan. Lúc này học sinh đang học, một tên tây xách quả bức kích không nổ vào trường hỏi Việt minh đâu? thầy Kế trả lời ở đây trẻ em không có Việt minh “ Việt minh noong” rồi bọn chúng bỏ ra, có một tên tây trắng bị trúng bom chết tại đường quan, mấy tên khác bị thương van la chí chóe, bọn chúng bắt được cụ Bướm đi làm đồng về liền bắt cụ đem bắn tại chỗ bom nổ ở đầu đường ra Đàng như hiện nay. Chúng bắt một số bà con ta ở vùng dưới ra tập trung tại đường quan (dưới ruộng nội bộ) dọa bắn hết nhưng chúng thấy toàn ông già, bà mẹ và trẻ em nên chúng cho về. Khi bọn chúng rút về đồn nó châm lửa đốt hết nữa làng phía dưới nơi có bom nổ giết chết tên Tây.

     Ngày 15/7/1949, tỉnh ủy Quảng Bình phát động tuần lễ hạ sơn “Quảng Bình quật khởi”.Ngày 23/7/1949 tức là ngày 25/6 Kỷ Sửu (sau 1 tuần) bọn giặc ở đồn Liêm Thiện kéo về theo sông Ngô Giang dưới sông đoàn thuyền chở đầy hàng hóa, lúa gạo mà chúng cướp được của đồng bào ta đưa về đồn Tiểu. Mỗi chiếc đò có hai tên lính đi áp tải, trên hai bờ sông có hai toán lính đi kèm bảo vệ cho đoàn thuyền khỏi bị đánh, đi đến đâu chúng cũng xả súng bắn dẹp đường (thị uy).

     Về đến làng Quy Hậu bị chặn cổng, du kích ta chặn đánh quyết liệt. Chúng không tài nào vào làng để về đồn Tiểu được, bọn đi dưới thuyền đã lọt vào làng, đến cầu thì bị chặn đánh dữ dội, lực lượng du kích với dân làng tràn ra bờ sông ném lựu đạn và đá trấy xuống đò rồi đồng thanh hô “xung phong” cả xóm thành ai nấy cũng hô “xung phong” cũng ném đá xuống đò, bọn địch khiếp sợ nhảy xuống sông kéo đò rút lui về đồn Liêm Thiện.

     Về đến đồn Liêm Thiện, bọn chúng vẫn chưa hoàn hồn vì thua trận. Trong trận thắng này, có sự đóng góp to lớn của bà con ta ở xóm Thành. Họ không những “hô xung phong” vang dội một vùng mà còn xong ra bờ sông lấy đá ném xuống đò giặc làm cho chúng thất điên.

     Bị thua đau nên sau một ngày bọn chúng đã huy động lực lượng các đồn Thượng Phong, Luật Hòa Nam, Liên Thiện và Mỹ Trạch Thượng ào ạt tấn công vào làng, cũng như ngày trước nhờ có “rào làng chiến đấu” các cổng làng đều bị chặn đánh nên bọn chúng không thể ào ạt vào làng được, phải dùng đủ các loại vũ khí kể cả canong, mốc chê và tàu bay “bà già” yểm trợ.

     Do lực lượng không cân sức, du kích ta rút vào làng từng bước đánh trả bọn chúng, khoảng 10-11h trưa ngày 25/7/1949 tức là ngày 27/6 năm Kỷ Sửu bọn chúng xông vào làng, đi đến đâu là chúng đốt sạch, giết sạch, chủ yếu là ông già, bà lão và trẻ em, phụ nữ sinh đẻ. Trong ngày này, bọn chúng đã tàn sát, giết hại hơn 60 người ở xóm Thành, có gia đình bị giết không còn một ai như gia đình cụ Đỗ Bá Chẳng (6 người), cụ Đỗ Uy (5 người), cụ Mai Cáo (5 người). Từ đó đến nay làng ta lấy ngày 26/6 (âm lịch) là ngày giổ làng. Có ý kiến đề nghị làng xây bia căm hờn bọn giặc đồng thời tưởng nhớ đến những người đã mất, nhưng chưa làm kịp thì xảy ra cuộc chiến chống Mỹ nên không làm được.

     Trong những năm 1949-1950, phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở làng ta phát triển mạnh. Làng có trung đội du kích trực chiến bảo vệ làng, lực lượng dân quân làm tiếp tế, hậu cần, tiếp thương, tải đạn.

     Một số đồng chí du kích được xã rút lên đơn vị chiến đấu tập trung của xã. Xã lớn bao gồm các xã Thái Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy và Liên Thủy hiện nay anh Lê Quang Thông cùng với đơn vị du kích xã chiến đấu bảo vệ mùa tại thôn Thuận Trạch (Mỹ Thủy) đã anh dũng hi sinh. Danh sách liệt sĩ có ở xã Mỹ Thủy.

     Các tổ chức Việt minh như tổ Đảng, chính quyền và mặt trận thôn, đoàn thanh niên cứu quốc, hội phụ nữ cứu quốc, nông dân cứu quốc,… đều hoạt động mạnh. Lúc này, anh Nguyễn Văn Chiến (Ông Bé) làm hội lại, anh Lê Quang Chấn (bố chị Hợp) làm thôn đội (chết) thay anh Đỗ Triều làm thôn đội trưởng sau thay anh Mai Văn Trung làm thôn đội trưởng, anh Đỗ Tục làm thôn đội phó, anh Nguyễn Khanh làm nông hội sau thay anh Đỗ Hoài, trong thời gian này đội ngũ lãnh đạo của thôn có sự thay đổi luôn. Ông Lê Quang Chấn làm một thời gian thì bị địch bắt tại nhà, ống chống lại rồi bỏ chạy bị chúng bắn, bị thương nặng sau đưa lên chiến khu cấp cứu nhưng không qua nổi.

     Sáng ngày 20/5/1950 lực lượng du kích làng ta đã phối hợp với tiểu đoàn 274 (trung đoàn 18 do đồng chí Mai Văn Tý – người con của quê hương đã đánh tan một đại đội địch từ Thượng Phong và Hòa Luật Nam buộc chúng tháo chạy về đồn, sau đó bộ đội ta vượt sông Kiến Giang sang chi viện đánh thắng trận Xuân Bồ (chiến thắng Xuân Bồ - năm trăm giặc Pháp không mồ vùi thây) đã tạo cơ hội mới cho phong trào cách mạng huyện nhà sôi nổi hẳn lên, làng ta cũng như các làng khác phong trào chiến tranh du kích bảo vệ làng, bảo vệ mùa đều thắng lợi.

     Bị thất bại nặng nề ở Xuân Bồ, giặc Pháp lần lượt rút các đồn: Mỹ Trạch Thượng, Liêm Thiện, Thượng Lân, Phú Hòa, Mỹ Đức về co cụm ở vùng giữa và quốc lộ 1A.

    Phong trào đang mạnh lên thì gặp phải trận lụt to chưa  từng  có  ở huyện ta. Đó  là  trận  lụt  tháng 10/1950 lúc ngô, khoai, sắn  ngoài  đồng bị ngập thối. Cả  làng  chỉ  còn một vài  nóc   nhà  cao  dân  đến  tạm  trú. Nước  ngập  nhà  giặc Pháp xả súng bắn vào làng, chúng sợ Việt minh lợi dụng đánh vào đồn nên chúng bắn tứ  tung. Nước ngập lâu ngày  lương thực  bị thối,  trâu bò bị chết hôi thối khắp làng..

     Mùi hôi thối bốc lên không sao chịu được, giữa làng có một xác chết trôi nổi không rỏ danh tính, dân làng chôn cất tử tế . Sau lụt, dân làng cảm cúm, ỉa chảy la liệt, sốt rét hoành hành, nạn đói diễn ra trước mắt. Lúc này, dân làng lại phải tản  cư lên chiến khu để tăng gia sản xuất và tham gia kháng chiến. Lực lượng du kích cũng theo gia đình đi tản cư, đi gánh gạo Gia Hưng (Bố Trạch). Một phần đóng góp cho kháng chiến, một phần nuôi dưỡng gia đình. Lúc này, địch lợi dụng khó khăn của ta chúng lại tiếp tục càn quét cướp phá, phong trào hầu  như lắng xuống. Chúng bắt dân vùng dưới lên chặt phá cây cối trong làng ngôi chùa làng cũng bị chúng đánh sập, vì ngôi chùa cao che khuất tầm nhìn của chúng ở Thương Phong quan sát lên. Làng  trơ  trụi  không  có  cây cối chỉ còn những nốc nhà xơ xác. Bên kia sông các làng Quảng Cư, Phan Xá cũng bị chúng tàn phá như vậy. Theo đồng chí  Đỗ  Hoài  kể: Lúc này, các đồng chí Đảng viên, dân quân du kích ở lại đều phải vào hoạt động bí mật vì bọn  địch  thường xuyên sục sáo vào làng bất cứ lúc nào không ai  chặn được , các đồng chí liên chiến  khu  đều  tham gia vào quân đội  như đồng chí:  Hưng, Tràu, Sải khoảng 20  đồng chí.

     Sau đồng chí Chấn  chết, tổ chức  cử đồng chí Dụng (cha anh Dung) làm thôn đội trưởng, đồng chí Chiến (cha anh Lít) làm hộ lại, đồng chí Hoài thay đồng chí Khanh làm tổ trưởng  Đảng. Đồng chí chiến làm hộ lại tài liệu đùm trông mo (như mo cơm) hàng ngày ra đồng làm ruộng nhưng bọn địch không hay biết. Ông Nậy làm liên lạc cho ông Chiến.

     Bọn địch lúc này hoành hành lắm, chúng thường cải trang, mang tơi đội nón  vào làng muốn bắt ai là bắt, muốn bắn ai là bắn. Ngày 20/6/1950  bọn chúng cải trang  ra đồng, bắt  ông Tẩn, ông Thơi (ông nội đồng chí Vương - chủ tịch xã bây giờ) đang làm ruộng dưới lòi lên nhà ông Toa bắt hai ông làm vịt cho nó ăn. Khi đem vịt về sông, hai ông đã vượt sông chạy trốn bị chúng bắn chết tại Biền Kẻng trước mặt nhà ông Toa, Cử. Sau một thời gian, bà con đi nhổ mạ sớm đã gặp bọn chúng sục sạo ở giữa đồng, lúc đó (gần sáng) các đồng chí cán bộ của xã về hoạt đông ở làng Cổ Liễu, Xuân Hồi lên vừa đi vừa nói chuyện cứ tưởng mọi việc đã yên lành, nào ngờ gặp bọn chúng, đoàn cán bộ ta bỏ chạy toán loạn, chúng đuổi theo định bắt sống, những người vượt qua sông thì sống riêng đồng chí Triển xã đội quê ở Xuân Hồi liệt đuổi vào làng đến gần cầu (nay là chợ Cầu) định vượt qua sông thì chúng bắn chết tại chỗ. Thi thể anh nằm lại bên sông, bọn giặc bố trí lại một số lính gác chờ Việt Minh đến lấy xác để tiêu diệt nốt. Biết vậy, bọn trẻ chúng tôi báo cho Việt Minh biết; đợi mãi đến 5-6 giờ tối chúng mới về đồn Thượng Phong. Anh em cán bộ mới đưa xác anh về mai táng.

     Bấy giờ đội Thiếu Niên Cứu Quốc chúng tôi đã hoạt động, lấy tên là đội Chim Xanh do đồng chí Nguyễn Văn Hoài làm đôi trưởng. Dưới sự chỉ đạo của anh Mai Văn Tấn - bí thư huyện đoàn Lệ Thủy, Lê Thét - xã  đoàn quê ở Xuân Hồi. Anh Hoài là người được anh Tấn trực tiếp bồi dưỡng, giúp đỡ và giao nhiệm vụ cho đội "Con chim Xanh” hoạt động bí mật. Cả đội cũng phân công nhau, bám sát những tên ngụy quân, làm quen với nó để tìm hiểu  lí  lịch của từng tên, báo cáo lại cho bộ đội. Khi cần, đội báo cho nhau ra cồn Phát Cát, Lòi Mưng hay Nghè để họp. Chúng tôi còn phân công nhau đi chợ Tiểu bán nón để lấy tin tức báo cho bộ đội ta, ngoài ra còn đưa tin vặt như Việt Minh thắng trận ở nơi này hay nơi khác (do các đồng chí cán bộ bày kế). Chúng tôi còn rủ nhau đến làm nón cho vui, ban đêm làm nón "công ty" số tiền kiếm được làm quỹ đội. Chúng tôi vừa làm vừa kể chuyện, vừa hò khoan rất vui vẻ. Có đem bọn giặc lên rình mò ở ngoài vườn, anh em  đi tiểu chút nữa đã đái vào đầu chúng. Hôm sau, bọn chúng lên kể lại tụi tôi cười và nói "chúng em có biết đâu!".

     Một buổi sáng, trời mưa phùn gió bấc, bọn giặc cải trang, lùng sục vào làng ông Võ Văn Dúng  cán bộ xã (quê Dương Thủy), về hoạt động ở nhà mẹ Ở (mẹ đồng chí Nghỉ ở đội 6),  nghe tin có địch liền chạy lên dọc làng, bọn chúng đuổi theo đến nhà mẹ Hồng thì được mẹ dấu vào trong buồng kín, rồi ra quét sân, bọn giặc chạy qua hỏi mẹ, mẹ nói ngay: có thấy,  Nó mới chạy qua đó, vừa nói vừa chỉ tay lên phía trên dục bọn chúng chạy nhanh, tưởng thật, chúng rượt theo. Thế là ông Dúng thoát chết. Cứ thế, bọn giặc đuổi lên đến xóm ông Bổn, thì lại có một anh cán bộ về hoạt động ở nhà mẹ Nghỉ (mẹ chị Phi) anh lại bỏ chạy, giặc đuổi theo, đến bến Nghè anh vượt sông qua Cồn chúng đành chịu rút lui. Anh cán bộ bơi qua giữa sông thị bị chuột rút chết chìm. Bà con ta đưa thi thể anh mai táng ở bên Cồn (mẹ Nghỉ kể anh là bộ đội tỉnh về công tác tên là anh Hạnh).

     Một đêm khác, bọn giặc lại ngồi trên đò cho người chèo lên. Đến cầu thì chúng nhảy lên đi bộ về đồn, đến đường đội 3 gặp 2 anh cán bộ ta đi hoạt động ở Cỗ Liễu lên, chúng hô đứng lại định bắt sống, hai anh chống lại  rồi chạy ra đồng bọn chúng bắn theo, một anh hy sinh tại chỗ, một anh nấp sau ràn trâu sống sót. Dân làng nghe súng nổ chạy ra đưa anh về tắm và thay quần áo cho anh và đưa thi thể của anh kia lên đền Âm Hồn (Uẩn Áo), hỏi ra thì một anh tên là Kiệt, anh chết tên Lãnh quân báo  E18 quê ở Cỗ Liễu.

     Sau tết Nguyên Đán bọn giặc lại càn quét chúng bắt dân ta vác đường ray về đồn. Chúng báo vác về rồi lên, ai ngờ về đồn chúng bắt người khỏe mạnh đi lính, có hai người được về, còn năm người về Đồng Hới rồi vào Mang Cá (Huế). Cả năm người cùng ở một đồn, nhân lúc đi vác tre, cả năm người cùng vác súng lên chiến khu, được bộ đội giúp đỡ cho về quê. Đó là anh Nguyễn Văn Thí (bố chị Hoạt), Nguyễn Quang Dương (bố anh Bằng), Nguyễn Văn Dim (bố chị Nguyệt), Lê Quang Bon (bố anh Thành), Nguyễn Phú Khôi  (ông Gien bố anh Đông).

     Sơ qua vài nét như vậy đủ biết dân làng ta có truyền thống yêu nước, yêu quê hương,  trong gian khổ vẫn tin tưởng vào cách mạng, tin tưởng vào ngày toàn thắng của dân tộc.

     Năm 1950, đội tình nguyện cứu quốc được chuyển lên thanh niên được anh Tấn, anh Thét giao nhiệm vụ thành lập đội thanh niên xung phong, với hai nhiệm vụ:

-         Ban ngày thay nhau về nhà thờ họ Đỗ ngồi trên nốc nhà  nhìn về đồn Thượng Phong, hễ thấy Tây qua đò thì báo động, thấy Tây lên thôn Thượng (Cổ Liễu) lại báo báo cho dân làng tránh ra đồng hoặc lên Uẩn Áo chỉ chừa lại du kích bảo vệ làng.

-         Ban đêm mọi người rủ nhau  đi đào hầm dọc đường quan, đào từ làng lên Uẩn Áo  rồi ra đồng cách 3-5m có 1 hầm trú ẩn.

     Chỉ làm "2 viêc" ấy mà bọn địch không tài nào lọt qua mắt của anh em. Chúng tôi, ngay cả việc chúng bắn canoong, móc Chê và Đại Liên vào làng cũng giảm được thiệt hại về người và của cải cho bà con ta.Bà con và lãnh đạo làng hồi ấy hết lời khen ngợi lớp trẻ chúng tôi ngay cả các ông "cầu an" bảo thủ hay chê trách bọn trẻ con non dạ nay cũng khâm phục, ngợi ca.

     Phong trào TNXP lên mạnh, thu hút hầu hết lớp tham gia có nhiều anh, chị đã lớn tuổi cũng hăng hái xung phong như chị Phi, chị Bảo, chị Con, anh Tha, anh Tề.... Tất cả hơn 50 người. Lúc này phong trào chiến tranh du kích trong toàn, huyện phát triển mạnh, bọn chúng  không thể ngang ngược như trước nữa. Ngồi tại đồn nả súng vào các  làng, thấy dân ra đồng là bắn, bắt buộc dân các làng phải cử Lý Trưởng. Các đợt bắn phá ngoài đồng dân làng cày cấỵ đa làm cho làng chục con trâu bi chúng bắn chết, nhiêu người dân đang cày cấy, gieo vụ đã bị  chúng bắn chết và bị thương  như ông Nghè  đang gieo mạ, vợ chồng ông No đang cấy lúa  đều bị bọn chúng  nả súng bắn chết.

     Trước tình hình ác liệt ấy, các cụ lại chống sậy sang nhờ ông Nhạn ở quê vợ Thượng Phong (gần đồn) làm Lý Trưởng, ông làm được mấy tháng lại lâm bệnh chết. Một lần nữa, làng không có Lý Trưởng, chúng lại bắn phá vào làng, ra đồng như trước.

     Vụ chiêm sắp gặt, chúng càn lên làng bắt được ông Đệm (bố anh Tùng) một thầy tu tại gia sang làm Lý Trưởng, sau đó bộ đội ta đánh đồn Tiểu (đồn Thượng Phong) giải phóng được Lý Trưởng, ông được về làng. Một thời gian sau, chúng bắt được Ông Tục (bố anh Phăng) sang làm Lý Trưởng, đến khi bộ đội ta về tiếp túc đánh tan đồn Tiểu ông Tục mới được thoát về làng.

     Đến năm 1954 hầu như chế độ Lý Trưởng ở làng ta đã hết.Một buổi tối tháng 10 /1951, chúng tôi gồm các đ/c Nguyễn Vãn Hoài, Mai Văn Thắng,  Nguyễn Hùng Dũng, Nguyễn Văn Hề, Nguyễn Văn Bon, Lê Thị Sánh sang họp tại nhà anh Dụng (bố anh Dung) có các đ/c lãnh đạo xã, thôn dự họp. Ở xã gồm có đ/c Đào Triết bí thư chi bộ kiêm chủ tịch xã, đ/c Võ Triêu xã đội trưởng, đ/c Võ Dùng cán bộ xã. Trong thôn có đ/c Nguyễn Khanh tổ trưởng Đảng, đ/c Nguyễn Chiến, đ/c Nguyễn Dụng thôn đội trưởng. Sau khi nghe nói rõ tình hình địch và hoạt động của ta, đã phát động lòng căm thù địch và quyết tâm xây dựng lực lượng du kích chiến đấu bảo vệ tài sản tính mạng cho dân. Đ/c Đào Triết thay mặt lãnh đạo xã quyết định thành lập trung đội du kích thôn Quy Hậu do đ/c Dụng làm thôn đội trưởng, đ/c Thắng làm thôn đội phó trực tiếp lãnh đạo, đ/c Hoài làm chính trị phó, đ/c Hề, đ/c Dũng, đ/c Bon làm A trưởng. Mỗi A có 10 đ/c có danh sách được lãnh đạo lựa chọn (3A) và giao nhiệm vụ cụ thể cho toàn bộ đơn vị du kích Quy Hậu.

     Tối hôm sau, chúng tôi mời tất cả anh em có tên trong danh sách họp nói rỏ tình hình nhiệm vụ, mọi người đều hăng hái, phấn khởi xung phong không ai từ chối.

    Mỗi A  được trang bị 2 quả lựu đạn, Ì quả bom, 2 quả mìn và 3 bàn chông sắt. Ban đêm đội ngũ tập trung thay nhau đi tuần .tra về tận ngã ba Cỗ Liễu mới lên. Ban ngày, chúng tôi cũng thay nhau "canh gác" ở nhà thờ họ Đổ, hễ có địch là toàn đơn vị về tận làng bố trí bom, chông, mìn sẵn sàng chiến đấu.

    Cả trung đội được tập trung huấn luyện 3 ngày tại "Nường Tranh" - Miếu làng Uẩn Ao , ở đây cây cối rậm  rạp có hàng xoài to cao sai quả rất thuận tiện cho việc luyện tập, cụ thể như tập ném lựu đạn, tập bắn súng, tập chôn bom-mìn, bàn chông sao cho địch không phát hiện được; khó nhất là chôn bàn chông sắt dưới có mìn cài sẵn, làm sao để khi tháo gỡ được an toàn.

    Mọi người được tham gia phương án tác chiến khi có địch càn "Phương án chiến đấu bảo vệ làng". Trách nhiệm của mỗi A bố trí ở một nơi xung yếu, quy  đinh đến tập trung khi rút lui hoặc có người bị thương đưa đến nơi băng bó (đ/c Sánh và đ/c Nhem phụ trách Kết thúc đợt huấn luyện ngày sau khoảng 9-10 giờ canong đồn Hòa Luật Nam, Móc Chê đồn Tiểu liên £iếp bắn vào vùng Nương Tranh và miếu thờ làng

    Uẩn áo- nơi đơn vị du kích  tập luyện ngày trước làm hai ngôi miếu, hàng xoài sập đổ ngổn ngang. Sau đạt huấn luyện này, xã đội lại trang; bị thêm cho mỗi người đủ hai quả lựu đạn, mỗi A có thêm Ì quả bom và 3-4 bàn chồng sắt, Ì súng trường đủ cơ số đạn.

     Theo kế hoạch chiến đấu bảo vệ làng, chúng ta đã đào sẵn hố chôn bom, mìn, bàn chông ở những nơi địch có thể đi qua khi có báo động anh em chỉ vận động đến vị trí làm việc và sẵn sàng chiến đấu.

     Để uy hiếp tinh thần và làm cho địch mất ăn mất ngủ, đơn vị tổ chức đào hầm ở chợ Tréo, ở cạnh bờ sông, quấy rối địch, gọi loa kêu gọi lính ngụy trở về với cách mạng. Ớ đồn Thượng Phong và lô cốt Hà Thanh có lần bọn chúng nả pháo sang nơi gần hầm trú ẩn tưởng có người hi sinh. Có lần địch qua đò, tiến lên thôn Thượng (Cố Liếu) đơn vị du kích làng ta đã sẵn sàng, lại được xã đội điều thêm lực lương du kích Thuận Trạch – Mỹ Hà (Mỹ Thủy) vận động về cùng nhau bố trí sát dải Cố Liểu – lợi dụng dải có và cây cối che khuất chưa đầy 200m mà-chúng không mò lên. Nếu chúng liều lĩnh mò lên chác sẽ bị tiêu diệt vì lực lượng du kích ta khá mạnh.

     Rút kinh nghiệm hôm trước quấy rối đồn Thượng Phong bị pháo địch phản kích, lực lượng TNXP đi chặt cây ngoài Lòi Mưng, tỉa các nhánh cây to ở bên Thành Ban đêm chuyển về lấp hầm ở chợ Tréo để khi có pháo đích dội sang là vào hầm trú ẩn. Tuy vậy, có đêm đang quấy rối gọi loa bọn chúng bắn pháo và Đại Liên rất ác liệt,  khi pháo dứt, đơn vị rút lên làng, kiểm lại thấy thiếu đ/c Tề, tưởng đã hi sinh (đ/c Tề rút chậm). Đơn vị thường ăn, ngủ tập trung tại nhà chị Phi, chị Bảo. Ỏ đó, đơn vị được các chị, các mẹ quyên góp tiền gạo nấu cho các anh em ăn. Đi quấy rối về, các mẹ đã nấu sẵn chè, cháo bồi dưỡng; có lần canoong đồ Hòa Luật Nam dội sang làm tan nát cả một vùng, dưới sông cá chết nổi lên trắng xóa. Trưa hôm ấy, chúng bắn sập hầm, nhà anh Nguyễn Văn Kế làm chết cả hai vợ chồng, 4 đứa con và một bà mẹ. Địch hết bắn chúng tôi về đào bới hầm, chôn cất các thi thể nhưng không ai còn nguyên vẹn (chỗ anh Thành đang ở).

     Cả năm 1952 – 1954( đến hết tháng 7/1954), hầu như bọn địch co cụm lại không giám đi càn quét nữa, lực lượng du kích làng ta lúc thì phối hợp với bộ đội chủ lực huyện, lúc thì độc lập đi quấy rối ở đồn Tiểu, Hà Thanh có đêm sang tận Đàng Lộc cắt dây điện thoại của địch.

     Cuối năm 1953,  đ/c Nguyễn Văn Hề,  đ/c Nguyễn Quang Lũy được tuyển lên bộ đội địa phương huyện (Đại đội 1).  Đ/c Hề cải trang giả dạng phụ nữ đi chợ Đàng Lộc (gần đồn Hòa Lập Nam chúng lập đồn Đàng Lộc – nay thuộc xã Cam Thủy) bán ngô, gặp vợ lính Ngụy đến mua chúng phát hiện ra “đàn ông”, liền vô báo với Đồn – bọn lính đồn Đàng Lộc ra vây bắt, đ/c Hề biết mình đã bị lộ nên đã nhanh chóng thoát ra khỏi chợ, bọn chúng định đuổi theo bắt  sống nhưng đ/c  Hề  đã vừa chạy vừa thoát y, rồi ném dồn hai quả lựu đạn về phía địch, làm cho chúng khiếp sợ phải chùn bước, chúng bắn nhả đạn như mưa định bắn chết  nhưng đâu có được, đ/c Hề đã vượt “Hổi” lội sang đồng làng an toàn. Sau này, đ/c Hề nổi tiếng là gan dạ, dũng cảm, dân làng rất khâm phục, và đã làm cho bọn địch ở đồn Đàng Lộc và đồn Hòa Luật Nam khiếp sợ.

     Tôi hỏi, đ/c Hề nói: “Mình cải trang trinh sát xem tên Tao ác ôm khét tiếng quê ở Mỹ Thổ để tìm cách tiêu diệt chúng”.

     Sau này đất nước giải phóng, đ/c Hề về phục viên mang quân hàm Thượng úy. Một thời gian lâm bệnh, Tôi về thăm rất cảm động, nhớ lại những việc làm của đ/c, Tôi viết mấy dòng thơ tặng:

Tôi hiểu anh nhiều anh Hề ơi

Thanh xuân thưở ấy đã qua rồi

Chọc Trời khuấy nước nghiêng một mảng

Hậu thế mai sau nhớ anh hoài.

     Tháng 3/1954,  phối hợp với chiến trường chính, phong trào chiến tranh du kích phát triển mạnh. Bộ đội về giải phóng đồn Thượng Phong, đồn Hòa Lập, Mỹ Phước. Đội du kích làng ta được lệnh áp sát bên bờ sông Cổ Liễu chặn đánh địch tháo chạy, rồi vượt sông cùng bộ đội tiêu diệt địch, thu được nhiều chiến lợi phẩm nộp lại cho bộ đội đưa lên chiến khu, giữ lại khẩu Ga tăng làm kỷ niệm, một số lựu đạn mõ vịt trang bị cho anh em. Trong đó có một chiếc đồng hồ đeo tay, sau này tặng cho đ/c Mai Thắng. Du kích làng ta được xã biểu dương xuất sắc, tiếp đó là đơn vị Bình Minh (Dương Thủy).

      Chiến thắng Điện Biên Phủ - Hội Nghị Giơ-ne-vơ ký kết. Hòa bình lập lại, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Cùng với  nhân dân cả nước, làng ta reo hò phấn khởi.

Tác giả bài viết: Trích trong "ký sự Quy Hậu quê tôi"
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
TÌM KIẾM


 Bấm vào đây để xem
LỊCH VẠN NIÊN

 

CÁC BÀI VIẾT TIÊU ĐIỂM

CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thống kê

  • Đang truy cập: 2
  • Khách đang truy cập: 1
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 1053
  • Tháng hiện tại: 19156
  • Tổng lượt truy cập: 4193713

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy trang web của chúng tôi như thế nào?

Rất Tốt! Cung cấp thông tin hữu ích.

Tốt

Tạm được!

Chưa ổn!