ĐĂNG NHẬP THÀNH VIÊN

BÀI VIẾT HAY

Động Phong Nha Kẻ Bàng

Hang Sơn Đoòng muôn màu











Hương vị quê nhà

Đăng lúc: Thứ ba - 08/01/2013 03:43 - Người đăng bài viết: nguoiquyhau

Hương vị quê nhà

Khoai gieo –

“Sâm đất” quê tôi

khoai 2khoai lag

     Xa quê, hẳn ai cũng nhớ nhớ mong mong để có dịp là được về quê thăm bố mẹ, bà con lối xóm. Riêng tôi, không chỉ là nỗi nhớ về người thân, gia đình mà còn là nỗi nhớ mong cái vị quê ngọt thanh trong từng lát khoai lang luộc phơi khô, mà chúng tôi thường gọi là “khoai gieo”.

     Có lẽ, với những ai đã từng sống ở khúc ruột miền Trung đầy nắng, gió Lào và cát trắng, hẳn không ai không biết đến mùi vị của củ khoai lang luộc chấm muối vừng hoặc ăn độn với cơm trong thời kỳ đất nước còn khốn khó. Càng không thể quên một thời tuổi thơ thường theo chân bố mẹ ra đồng bới khoai, củ nào to thì người lớn mang về còn lũ trẻ thì ở lại chỉ để mót[1] thêm được một vài củ nho nhỏ đủ để chụm một bếp lửa và nướng, thế là có một bữa tiệc hỉ hả.

     Khoai lang được trồng ở khắp mọi nơi trên đất nước ta. Có nơi trồng để lấy củ có nơi trồng chỉ để lấy ngọn rau để ăn. Ở quê tôi, khoai lang hầu như được trồng để lấy củ và chỉ ở quê tôi khoai mới có vị ngọt đậm riêng bởi nó được trồng trong đất cát[2], lại thêm ngọn gió Lào thổi vào những tháng hè nên ngay khi nằm trong đất khoai đã mang những gì tinh khiết của đất mẹ bồi đắp nên khi được xới lên củ nào củ đó tròn tròn, dài dài nhìn như những ngón tay to quá khổ trông thật thích mắt. Khoai được đem về nhà, trải lăn lóc khắp góc nhà, ấy là những nhà nào thu hoạch được nhiều quá, còn nhà nào thu hoạch được ít thì nhanh chóng cắt lát phơi khô rồi để vào bồ cất ăn dần.

     Khoai lang sau một thời gian để dưới đất cho bớt bột và tăng độ ngọt lên người ta đem rửa sạch rồi bỏ vào nồi luộc chín. Đợi khi khoai đã chín đem ra cắt lát mỏng, rồi phơi khô. Công đoạn này đòi hỏi người chế biến phải cẩn thận, nâng niu từng lát khoai bởi khi khoai đã chín thì rất bở, dễ nát. Phơi khô khoai cũng không phải đơn giản. Người chế biến phải nắm bắt thời tiết, chọn ngày trời nắng to, có gió Nam (gió Lào) thì càng tốt, như vậy lát khoai sẽ nhanh khô mà không sợ có ruồi, nhặng làm bẩn. Lát khoai mỏng là thế mà khi phơi cũng mất khoảng vài ba ngày mới khô. Nhưng khoai khô rồi cũng không thể ăn ngay mà phải để cho khoai “nguội”, tức để trong bóng râm khoảng một ngày nữa mới có thể đem dùng. Khoai lang khi luộc xong ăn ngay có vị bùi bùi, ngọt ngọt, thơm thơm như tinh chất của đất trời hội tụ còn khoai lang nấu, thái lát phơi khô, dân quê tôi quen gọi là “khoai gieo”[3]. Lát khoai mang vị ngọt như được cô lại từ bao nhiêu ngày dầm sương dãi nắng, vàng sẩm, dẻo dẻo và dai dai khiến người ăn phải từ từ thưởng thức chức không thể vội vàng nuốt ngay như khoai luộc. Ai đã từng ăn khoai này mới thấy khoai cũng như con người ở nơi đây, mộc mạc, chân chất nhưng cũng ngọt ngào mà rắn rỏi, cứng cỏi đến không ngờ.

     Quê tôi bây giờ đã đổi thay nhiều, đất trồng khoai đã ít, người trồng khoai còn ít hơn và không phải ai cũng thích ăn khoai. Nhưng đối với mỗi một người con xa quê như tôi khoai gieo trở thành một món quà để nhớ, để mong, để hoài niệm về quê hương. Bởi thế, có ai từ quê vào mang theo bịch khoai gieo là quý lắm, chúng tôi vẫn thường hay gọi đùa là “sâm đất” quê tôi.


[1] Mót- từ địa phương miền Trung, như: mót lúa, mót khoai, mót đậu phụng (lạc),...Nghĩa là nhặt nhạnh của để rơi vãi hoặc bỏ sót của người khác, thường là ngoài đồng ruộng.

 [2] Nhiều nhất các xã Hồng Thủy, Ngư  Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Thanh Thủy, Cam Thủy, Hưng Thủy, Sen Thủy.

[3] Đơn giản là vì khi phơi khô lát khoai teo nhỏ lại, nhăn nhăn nên gọi là gieo, theo tiếng địa phương.

Tác giả bài viết: Xuân Thành
Từ khóa:

hương vị, quê nhà

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
TÌM KIẾM


 Bấm vào đây để xem
LỊCH VẠN NIÊN

 

CÁC BÀI VIẾT TIÊU ĐIỂM

CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thống kê

  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 256
  • Tháng hiện tại: 21914
  • Tổng lượt truy cập: 4196471

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy trang web của chúng tôi như thế nào?

Rất Tốt! Cung cấp thông tin hữu ích.

Tốt

Tạm được!

Chưa ổn!