ĐĂNG NHẬP THÀNH VIÊN

BÀI VIẾT HAY

Động Phong Nha Kẻ Bàng

Hang Sơn Đoòng muôn màu











Tết quê

Đăng lúc: Thứ bảy - 19/01/2013 03:34 - Người đăng bài viết: nguoiquyhau
Biên Hòa, 14/01/2013
 TẾT QUÊ 
          Năm nay miền Nam trời trở rét. Mấy ngày nay cứ sáng sớm đi làm lại thấy nhớ quê mình chi lạ. Trời se se lạnh quyện trong sương mù mờ tỏ làm chạnh lòng bao người con xa nhà. Đã từng ăn Tết miền Bắc, miền Nam nhưng có lẽ không ở đâu cái Tết lại đến sớm, ý nghĩa và ấm áp như Tết quê mình. Biết bao năm xa quê, biết bao nhiêu đổi thay nhưng có một điều không bao giờ thay đổi đó là nỗi nhớ, nhất là vào những ngày giáp Tết như thế này.
Cái Tết quê mình ngày đó không phải được chuẩn bị trong một ngày, một tuần mà cả vài ba tháng. Cứ khoảng tháng mười, tháng mười một âm lịch, nhà nhà đã bắt đầu tính toán ngày tháng để trồng hoa thược dược, lay ơn và trảy lá mai cho đúng Tết. Tôi còn nhớ cứ đến dịp như thế, ông ngoại lại phân sẵn ra cho các cháu mỗi nhà một ít củ hoa rồi dặn dò kĩ lưỡng phải trồng làm sao, trồng lúc nào cho hoa được to và nở đúng Tết. Ngày đó, người quê mình làm gì có sẵn tiền và hàng hóa không phải lúc nào cũng đầy đủ nên việc sắm Tết cũng là cả một quá trình. Tôi còn nhớ rất rõ, cứ trước Tết độ hơn một tháng, mỗi lần mạ đi chợ về, ngoài những thứ mạ mua như thường ngày lại có một gói kẹo hay một bịch đường để dành Tết. Và năm nào cũng vậy, cứ trước Tết khoảng mười ngày, mạ đi chợ về chưa kịp đặt thúng xuống, mạ đã kêu:
- Mấy đứa để nón đó, ra phụ mạ cắt hành cho kịp mói đã!
          Mùi hành nồng nồng cay cay xông lên mắt đứa nào cũng đỏ hoe mà thấy nôn nao trong cái Tết sắp về. Không khí Tết không chỉ len lỏi đến trong từng nhà mà dường như khắp mọi nơi. Ở khắp các bến sông cũng nhộn nhịp hẳn lên, nhà nhà mang chăn chiếu mùng màn đi giặt, tiếng chuyện trò, tiếng hỏi han nhau ríu rít.  Ngoài đường người đi chợ cũng đông hơn. Những gánh lá chuối, lá gai, củ gừng từ miệt Mỹ Thủy, Dương Thủy kĩu kịt gánh về. Nhớ lắm những lần mạ đổ bánh xoài, những khuôn bánh mùi trứng thơm lừng; những chảo mứt gừng có khi thành kẹo. Nhớ lắm những buổi tối 28 - 29 Tết cả nhà cùng đám bạn tới phụ giã bột, giã lá gai làm bánh. Nhớ lắm nồi bánh đòn tối 29 mà lúc nào mạ cũng gói thêm cho mỗi đứa một cái bánh chưng nho nhỏ. Trời lạnh, ngồi bên bếp lửa hau háu chờ bánh chín mà thèm quá! Nhớ lắm những tối 30 bên hợp tác tổ chức hái hoa dân chủ cho thanh niên. Nhớ lắm những giờ khắc giao thừa sắp đến, cả nhà cùng chờ đón như đón chờ một điều gì đó thiêng liêng nhất. Và nhiều, nhiều lắm …                               
          Ngày Tết bao giờ cũng được bắt đầu bằng việc đi thăm ông bà nội ngoại. Ngày đó chưa có tục lì xì, mừng tuổi như bây giờ ông bà thường phát bánh kẹo cho các cháu. Và sau đó là đi chơi nhà bà con, hàng xóm, bạn bè. Có nhiều lúc nhớ lại tôi vẫn không hiểu vì  sao quê mình lại quý cái Tết như thế rồi lại tự trả lời: “Có lẽ tại ở cái tình đã thấm  qua truyền thống xưa nay của ông cha mình”.
          Tôi thích lắm khi nhớ lại cảnh hàng xóm láng giềng đến nhà nhau chơi mà mừng như từ lâu lắm nay mới gặp. Nhà ở sát vách, nhà này sang nhà khác còn dày hơn cơm bữa nhưng ngày Tết quý lắm. Không kể là ai hễ đến chơi Tết thì phải uống một li rượu, ăn một cái bánh và thử một vài lát mứt. Nếu chưa thể kịp đến là thế nào cũng trách móc. Rồi bạn bè cũng thế, tôi nhớ nhất là cái thời học phổ thông của mình. Năm nào hầu như cũng vậy, Tết trời thường lạnh nhưng cả bọn chẳng bao giờ vắng nhau có khi cả ngày đến chín, mười giờ đêm. Mấy chiếc xe đạp cà tàng lại rong ruổi khắp nơi trên đất Lệ Thủy. Có những ngày trời mưa lạnh lắm, mấy đứa đi về ướt hết, đốt cây sim ngồi cho khô người  rồi đi tiếp …
          Lại thương cái Tết ở chốn thị thành của những kẻ xa xứ như mình. Ngày Tết dường như chẳng còn ý nghĩa gì mà như là một mốc thời gian để đánh dấu một năm nữa lại đến. Còn nhớ cái Tết năm trước, ngày 29, cả nhà cùng đi siêu thị, chỉ khoảng sau một tiếng là việc mua sắm Tết đã xong. Vợ chồng bảo nhau làm một mâm cơm cúng 30 cho con biết cái hương vị ngày Tết. Tôi ngồi nhớ lại những món mạ vẫn thường làm và cố làm cho giống y như thế. Mâm chén cũng được dọn lên, hương khói đàng hoàng nhưng chợt buồn bởi không biết mình đang cúng ai nữa. Ông bà tổ tiên  xa thế làm sao tới được! Cúng xong, bưng mâm xuống lại chẳng có ai ăn … Mấy ngày Tết dài dằng dặc chẳng biết làm gì cho hết ngoài ăn với ngủ …
          Quả thật, không ở đâu bằng quê hương mình và không một nỗi nhớ nào thắm nồng bằng những tháng năm thơ ấu. Tuổi thơ tôi đã lớn lên cùng những cái Tết ấm tình quê, tình người như thế đó!!!
 

ĐỖ THỊ KIM CHI
ĐT: 01667814800

 
TẾT VỀ THĂM QUÊ
 
Khói bếp liêu xiêu, tràn khắp quê

Giống mầm dồn dập, vào vụ cấy
Cờ hoa xanh đỏ, đón tết về
Đám cưới, phu thê, cười ngúng nguẫy
 
Anh về đầu ngỏ, đã nhìn thấy…
Sương mù vương nhẹ, rét cắt da
Khói bay phủ bếp, rơm bùng cháy
Sưởi ấm anh này! hương vị nhà
 
Bận rộn xuống mùa, vắng mẹ cha
Còn em vác gió, ra đồng chạy
Đẩy vội cơn mưa, gieo đại trà
Lúa mầm mơn mởn, đùa lạnh giá
 
Xong mùa, đổ đồng, gieo sạ giống
Lá xanh, bánh nếp, thả lợn ra  
Dưa hành, củ kiệu, với xôi gà   
Mâm quả đủ màu, ôi đẹp quá!
 
Tết quê là thế vui cả nhà
Thăm ông, thăm bà, thăm mồ mã
Thăm láng giềng bên, thăm lại qua
Thăm hết tết quê… vẫn- nhớ- nhà…!
 
                                            TG: Nắng Mai
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 69 trong 14 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Avata
nguyen thi ha - Đăng lúc: 18/02/2013 21:04
nho que va yeu que huong, nhung it ngươi viet ve que qua,ko biet tim thong tin ơ đau ???

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
TÌM KIẾM


 Bấm vào đây để xem
LỊCH VẠN NIÊN

 

CÁC BÀI VIẾT TIÊU ĐIỂM

CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thống kê

  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 701
  • Tháng hiện tại: 21826
  • Tổng lượt truy cập: 4196383

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy trang web của chúng tôi như thế nào?

Rất Tốt! Cung cấp thông tin hữu ích.

Tốt

Tạm được!

Chưa ổn!