ĐĂNG NHẬP THÀNH VIÊN

BÀI VIẾT HAY

Động Phong Nha Kẻ Bàng

Hang Sơn Đoòng muôn màu











Gởi về quê ngoại

Đăng lúc: Thứ ba - 08/01/2013 20:46 - Người đăng bài viết: nguoiquyhau

GỞI VỀ QUÊ NGOẠI

     Tôi đến với trang web:langquyhau.com.vn tuy bằng một sự tình cờ. Dẫu vậy, ba chữ tên làng  ấy đã gợi lên trong tôi một nỗi niềm, mà trong đó như phảng phất một nỗi buồn man mác chen lẫn với sự nhung nhớ mong lung. Và cũng chính nỗi niềm tâm tư ấy đã làm cho tôi bất chợt nhớ đến bài hát “ Về quê Ngoại” của Hàn Châu, một ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Nam bộ, rất thiết tha và gần gũi. Làng Quy Hậu đối với tôi là cả một vùng kỹ niệm. Trong ký ức tôi, đây là một vùng quê thanh bình, đầy thân thương và xiết bao trìu mến. Tuy không sống nhiều ở đây, nhưng Làng Quy Hậu vẫn in đậm nét trong tiềm thức của tôi ngay từ những ngày còn thơ ấu. Tôi yêu vùng đất này, vì nơi đây chính là quê Ngoại của tôi. Tôi vẫn nhớ và vẫn thích những ngày hè xa xưa khi được về thăm Ông Bà ngoại. Được sống cùng với những người nông dân cần cù, chất phác mà rất đỗi đôn hậu hiền lành. Về Ngoại, tôi luôn được sự cưng chiều của các chị gái, người đẹp mà lại hiền, làm nghề nón cũng rất giỏi giang và thành thạo. Rồi được vui đùa nơi gốc đa bến nước và thú vị hơn tất cả là được tắm mình trong cảnh làng xóm dưới những đêm trăng, ôi! cái cảm giác thanh bình ấy của một thời thơ ấu, tôi vẫn mang theo mãi tới tận bây giờ.

      Mặc dù phải đi xa do yêu cầu công tác và cuộc sống mưu sinh. Nhưng mỗi lần có dịp về Lệ Thủy, tôi đều nghé thăm quê ngoại, được chứng kiến sự đổi thay của xóm làng, qua từng năm tháng mà tự hào và xúc động. Từ sự đổi thay mạnh mẽ đó, đã cho tôi một cảm nhận mới và rồi tự nhiên câu hát ru quen thuộc “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, nhìn về quê ngoại ruột đau chín chiều” mà Bà Ngoại đã từng ru tôi ngủ, vào những trưa hè ngày xưa ấy, nó đả mang tôi trở về với dĩ vảng.

      Mỗi khi về thăm quê ngoại, tôi có thói quen là sau khi dạo một vòng quanh khu vườn, mà ngày xưa tôi từng thuộc lòng từng vị trí, của gốc xoài, gốc ổi do Ngoại tôi trồng. Sau đó tôi mới trở về vấn an Bà Dì là em ruột mẹ tôi, nghe Dì kể lại những kỷ niệm xa xưa mà cứ tưởng như chỉ mới hôm nào. Có lần  tôi nghe Dì kể nhiều chuyện xóm làng xưa và nay, rồi đột nhiên Dì hỏi cảm nhận của tôi về “cái cổng làng mà có người con cháu trong làng đi xa đóng góp, nghe nói họ thành đạt lắm về góp tiền xây dựng cổng mới”. Bởi Dì tôi cả một đời sống thanh bạch, giản dị, một nắng hai sương vì chồng vì con,  Dì tôi sống rộng rãi nhưng lại rất thực tế, ghét phô trương. Hiểu tính Dì là như vậy, nên tôi không thể biết trong câu Dì hỏi…có phải muốn giới thiệu về công trình mà nhiều người địa phương coi đây là niềm tự hào! Hay còn muốn thể hiện một chính kiến nào khác của chính Dì. Nghĩ như vậy nên tôi khá dè dặt. Để Dì không đoán ra: rằng tôi đã rất sửng sốt khi nhìn thấy chiếc cổng to lớn, vắt qua con đường huyện nho nhỏ, một con đường đất vừa mới được cải hóa bằng bê tông.Tôi cũng sững sờ khi thấy dưới chân cổng mới xây, dân làng đang cố bồi đất, đắp cho mặt bằng ngang với khẩu độ chiếc cổng uy nghi ấy. Do phải đắp thêm mà vùng đất nơi chân cổng phình to, có thể dùng làm nơi quay đầu xe khá tiện dụng. Tôi nói với Dì “Con thấy cổng mới làng ta to quá, đẹp quá, có thể nói: to đẹp và hoành tráng hơn bất cứ cổng làng nào trong toàn huyện Lệ Thủy này”. Tôi thấy Dì nhìn tôi hơi khác! Đến đây tôi mới hiểu được ý của Dì, nên đã nói đúng với cảm nhận của mình, cảm nhận rất thật của một người con về quê ngoại. Cảm nhận đó là “ Cổng làng Quy Hậu tuy có đẹp, có hoành tráng, nhưng nó được dựng lên vào cái lúc mà: Trường học chưa đủ tiện nghi, đồ dùng học tập còn quá thiếu cho các em học sinh, trạm xá xã chưa đủ thiết bị để cấp cứu mỗi khi cần. Trường mầm non trong làng chưa phải là nơi an tâm cho các bà mẹ gởi gắm con trẻ, lương cô giáo dạy trẻ còn quá thấp. Dân làng nhiều hộ còn phải dùng nước sông thay cho nước sạch. Thì việc đầu tư cho một cái cổng làng hơn nữa tỷ bạc, làm cho cổng làng quá cách biệt so với cơ sở hạ tầng còn quá đơn sơ. Rồi đây chắc phải xin huyện mở rộng con đường liên xã về làng Quy Hậu, để có đoạn đi qua làng vừa với khẩu độ của cổng chào. Và như vậy phải chăng người có ý tưởng xây chiếc cổng chào này, hình như đã có ý định trước rồi chăng ? Nghe nói đến đây Dì tôi khẽ gật đầu cười mỉm, tôi không hiểu cái gật đầu của Dì tôi. Có phải là cái gật đầu chung của nhiều bà con dân làng hay không ? nhưng cũng đủ để cho tôi mạnh dạn nói lên nhiều suy nghĩ khác vê làng quê ngoại.

      Khác với những lần về quê trên thực tế, lần này tôi về thăm quê trên những bài viết về quê ngoại. Bỡi vậy tôi hăm hở lần theo chiều dài của trang Web Langquyhau, đọc được rất nhiều bài viết. Cảm nhận đầu tiên là biết ơn những người làm nên trang web này, để cho tôi và mọi người được hiểu thêm về quê ngoại. Do vậy những bài viết về quê ngoại cho dù bất cứ viết lên từ khía cạnh nào, đều gợi cho tôi cảm giác nhớ nhung đến nao lòng. Thật tình mà nói dù trang Web đang trên đường phải tự hoàn thiện mình, nhưng dù sao nó cũng đã để lại trong tôi ( một phụ nữ luôn hướng về quê ngoại) nhiều thiện cảm. Do vậy với bài viết này, những cảm nhận thật lòng của tôi, có làm chạnh lòng vài ba người bạn cùng lứa và một số người khác… Nhưng dù sao tôi cũng muốn chuyển tải đến cộng đồng của những người con xa quê, chính kiến của chính mình. Và cũng mong muốn cảm ơn những người đã tâm huyết làm nên trang Web này; Rất mong bạn bè gần xa thông cảm.

      Và một điều tôi muốn nói trong bài viết này là: Để cho trang Web langquyhau thực sự đi vào lòng người một cách giản dị và chân tình, nhanh chóng trở thành địa chỉ quen thân cho những người con Làng Quy Hậu có chỗ liên lạc. Và hơn thế nữa là nơi để cho những người con đi xa chia sẽ, bày tỏ tấm lòng, cùng tâm sự với quê hương xứ sở. Nên chăng thay biểu tượng của trang Web là chiếc cổng làng đồ sộ bằng một biểu tượng khác, giản dị và gần gũi hơn như chính tên làng mà ông cha ta từ xưa đã lựa chọn. Cũng có thể biểu tượng là hình ảnh quen thuộc quê nhà…Để gợi nhớ cho bất cứ ai về nơi bắt đầu, lớn lên, đi xa và thành đạt./.

Tp.HCM 04/01/2013

 
VỀ LỆ THỦY
Tôi rất thích hình thức trình bày của trang web . Về nội dung khá phong phú, nhiều bài viết có chiều sâu. Những bài viết phản ảnh hiên thưc cái được và cái chưa được trong quá trình đi lên của quê hương thật đáng trân trọng.Tôi muốn gởi đên trang web bài viết sau để góp phần gới thiệu về một góc nhìn vê nông thôn mới ở quê hương.

CẢM NHẬN MỚI VỀ SỰ THAY ĐỔI TRÊN QUÊ HƯƠNG LỆ THỦY
Tôi có dịp vê thăm quê hương Lệ thủy vào những ngày gần cuối tháng 2 (năm Quý Tỵ), bị ám ảnh bỡi câu ngạn ngữ "Rét tháng 3 bà già chết cống" nên hành lý mang theo chủ yếu là đồ chống lạnh. Khi về nhà mới thấy buồn cười vì vào xuân tiết trời ở quê mình thật đẹp.
 
Về quê lần này, tôi được người bạn công tác Đài Truyền thanh huyện làm hướng đạo.Từ trung tâm huyện lỵ, tôi theo anh đi hết các xã vùng giữa nằm dọc theo hai bờ sông Kiến Giang, rồi vòng rộng qua các xã vùng trung du của huyện.
 
Dưới cái nắng dìu dịu của buổi ban mai, tôi như bị choáng ngợp bỡi những cánh đồng liên xã (Liên - Cam -  Dương - Mỹ, Xuân - Mai - Phú , Sơn - An, Lộc - Hồng và Phong - Thanh thủy...); ở đây lúa xanh rờn, đẹp như con gái dậy thì, trãi rộng đến tận chân trời. Bị cảm hóa trươc vẻ đẹp đến huyền hoặc ấy, tôi bỗng nhớ lại câu ví von của người xưa "Nhất đồng Nai, Nhì Hai Huyện", rồi bất chợt thốt lên thành lời "Quả thật không ngoa". Sau giây lát ngờ ngàng về sự thảng thốt của tôi, Người hướng đạo như đọc được cảm nghĩ trong tôi, liền "vặn đài": "Huyện đang thực hiên mô hình Cánh đồng mẫu lớn và chủ trương dồn điền đổi thữa đợt hai đó anh ạ. Thực hiện chủ trương này, cũng bấy nhiêu đất thôi, nhưng năng suất và sản lượng lúa tăng lên nhiều lắm và cánh đồng như cũng rộng hẳn ra". Nghe Anh nói tôi vui lắm nhưng chưa bình luận gì vì cuộc hành trình ngày hôm ấy còn chưa kết thúc.
 
Cùng với nỗi niềm háo hức khi được mục kích về sự đổi thay từ những cánh đồnq (thẳng cánh cò bay) của quê hương là sự khoan khoái khi Anh bạn hướng đạo cho xe lướt nhẹ một cách êm ái trên những con đường mà mấy năm trước còn khá lầy lội, giờ đã đựơc bê tông hóa xuyên qua các làng xã. Hai bên đường đi qua tôi bắt gặp rất ít những mái nhà tranh quen thuộc thủa nào, thay vào đó là nhiều nhà mái ngói đỏ tươi và không hiếm các kiểu nhà có nhiều nóc nhiều mái. Nhìn vẻ vui mừng của tôi, anh bạn lại tranh thủ "tác nghiệp": "Thực hiên chính sách "Tam Nông" huyện nhà bước đầu chuyễn biến rất khả quan". Thấy vẻ phấn khích ở tôi, Anh liên hóm hĩnh: " anh thấy không, vòng tròn ta đi quanh qua các xã đã ngoài 30 cây số rồi đây, vậy mà xe vẫn sạch bóng, về tới nhà chắc bị vợ phê bình là không phục vụ chuyến đi của anh". Tôi bật cười vì hiểu rằng Anh đang giới thiệu với tôi về hệ thống giao thông nông thôn trong toàn huyện mà Anh rất tâm đắc.
 
Khi chúng tôi trở về đến nơi xuất phát thì đường phố Thị trấn Kiến Giang cũng vừa lên đèn, nhiều bạn bè (trong đó không ít người là nhà báo), hay tin tôi về quê, đến chờ sẵn ở nhà. Thấy tôi, "họ" liền "phỏng vấn" về cảm nhận của tôi qua chuyến đi quanh huyện. Không muốn để các bạn chờ lâu vì hơi rượu thơm nồng mùi vị quê hương đang bày săn, tôi trả lơi ngắn gọn: Tôi rất mừng khi cảm nhận được rằng tuy chua phải là tất cả, nhưng nhiều vấn  đáng quan tâm về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn đã được thực hiện khá hiệu quả tên quê huong tôi./.

 
                                              Kiến Giang
 
Tp.HCM 25/03/2013
Tác giả bài viết: Thu Giang
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 23 trong 6 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
TÌM KIẾM


 Bấm vào đây để xem
LỊCH VẠN NIÊN

 

CÁC BÀI VIẾT TIÊU ĐIỂM

CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thống kê

  • Đang truy cập: 2
  • Hôm nay: 483
  • Tháng hiện tại: 22141
  • Tổng lượt truy cập: 4196698

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy trang web của chúng tôi như thế nào?

Rất Tốt! Cung cấp thông tin hữu ích.

Tốt

Tạm được!

Chưa ổn!