ĐĂNG NHẬP THÀNH VIÊN

BÀI VIẾT HAY

Động Phong Nha Kẻ Bàng

Hang Sơn Đoòng muôn màu











Sài Gòn - Quy Hậu - Sài Gòn

Đăng lúc: Thứ tư - 12/06/2013 05:44 - Người đăng bài viết: nguoiquyhau
Sài Gòn - Quy Hậu - Sài Gòn
Đó là một tuyến xe dịp tết chở người đi làm ăn xa trở về làng. Hành trình khứ hồi lặp lại như thế nhiều năm nay. Những chuyến xe bình thường, lặng lẽ nhưng có khi bên trong nó là những vòng quay bất tận, vòng quay thời gian, vòng quay xúc cảm, và có lẽ là cả vòng quay thời cuộc.
          Thằng Mai Xuân Hải (nhà Đội 6), người có ý tưởng khai sinh và tổ chức thường xuyên chuyến xe này vào mỗi dịp tết, sẽ hỏi người viết: Thời cuộc chỗ nào? Nó thuộc lớp 8X như tôi nhưng cái đuôi sau số 8 nhỏ hơn tôi nhiều năm. Hồi tôi còn nhỏ thì nó chưa thành hình là cái thằng hộ pháp bụng to hơn ngực như bây giờ. Thành ra nó không biết. Làng ta thời đó mỗi nhà chỉ được một cái bóng đục, đóng tiền hàng tháng cho HTX (hình như 2.000 đồng/hộ). Vì thế nên nhà nào dùng cái bếp điện lò xo đỏ rực, nhà giàu hơn có bàn là thì mỗi dịp cán bộ HTX đến, chủ nhà phải ra đón ngoài cổng cản địa và câu giờ cho người nhà đủ thời gian cất giấu mấy cái thứ “xa xỉ” phá hoại kinh tế tập thể ấy đi, không thì bị tịch thu, kiểm điểm ốm đòn. Hồi đó người làng về quê toàn vào buổi tối, hôm sau mới đi chào bà con hàng xóm. Đến khi đi, 2-3 giờ sáng đã thức dậy. Trong cái ánh điện bóng đục mờ ấy, cả nhà bày ra bữa cơm tiễn biệt (thường là cháo gà). Họ hàng gần cũng đến chia tay. Vì người thoát ly lúc đó chưa nhiều. Nên mỗi lần đi về như vậy có khi là cả một sự kiện lớn của cả xóm, cả dòng họ. Làng ta yên bình lắm, nên cứ nghe chó sủa giữa đêm khuya ở đâu đó trong làng là đoán biết có người nào đó vừa về hoặc sắp đi.
          Tôi nhớ hoài những cuộc chia ly xé lòng như thế. Những bàn tay run rẩy đan vào nhau, nước mắt lưng tròng. Vì người đi khó về lắm, kinh tế khó khăn, đường xa vạn dặm. Ba thường xoa đầu tôi bảo rằng, không ai muốn xa quê cả, vì thời cuộc nên phải vậy. Tôi còn nhỏ, chẳng biết thời cuộc là cái chi. Nhưng tôi chẳng quên được hình ảnh những chiếc xe đạp rít lên cót két xé toạc màn sương giá, đưa người  làng ra ngã ba Cam Liên. Ai cũng khóc, cũng muốn đưa ra tận nơi nhưng thường là đàn ông trong gia đình đảm nhiệm. Vì chiếc xe đạp nam chỉ đủ chỗ một người. Ở trước khung là nón lá, là cá kho, mắm ruốc… có khi tràn lên cả bi đông. Ra đến chỗ bắt xe thì đã có nhiều người. Vì dù người làng thoát ly chưa nhiều nhưng cả huyện thì nhiều lắm nên chầu chực, chen lấn sao cho kịp những chuyến xe đò vút qua. May mắn thì có xe đi ngay, không thì phải quay lại. Nhiều lúc phải trải qua hai, ba đêm chia tay như thế. Vui buồn lẫn lộn, vì người thân được gần nhau thêm ngày nữa.
           Cái tuyến xe Sài Gòn-Quy Hậu-Sài Gòn như đã nói, không hề đơn giản. Nó là nhân chứng của một vòng quay thời cuộc nhiều thay đổi, nó là cho thấy cuộc sống thị trường phả hơi nóng từ quê xuống phố ngày nay. Chỉ riêng tuyến Sài Gòn-Lệ Thủy đã có 4 nhà xe phục vụ rồi, từ bình thường đến xe nằm máy lạnh. Riêng tôi nghĩ, chuyến Sài Gòn-Quy Hậu-Sài Gòn là “đỉnh”. Xe đưa xe rước tận làng. Hay quá! Tiện lợi quá! Thời cuộc nó là chỗ đó. Nhưng điều tôi thấy hạnh phúc nhất (dù chưa có dịp đi chuyến xe đó) là cái tình thương mến, sự đoàn kết của những đứa con làng. Tôi đồ rằng trên đó chỉ có những nụ cười sảng khoái, những lời hỏi han dành cho nhau bằng tiếng quê mềng trìu mến. Nên cái công của thằng Hải “phệ” lớn lắm. Nó đưa những đứa con làng sát lại với nhau, sẻ chia gần gũi. Nó chứng minh được con cháu làng Quy Hậu, trong cái làn sóng thoát ly ồn ã xô bồ đã biết tựa vào nhau, đưa nhau vượt lên hoàn cảnh. Vì nếu xé lẻ mấy chục con người trên chuyến xe ấy ra. Tôi thấy ngay cảnh ăn chực nằm chờ ở nhà ga mua vé tàu bất thành. Tôi thấy ngay cảnh những đứa con làng bị cò xe dù xốc nách quẳng lên những chuyến xe “heo” vật vã vừa ngồi vừa đứng.
          Hơn hết, đó là một sự đổi thay lớn trong suy nghĩ của lớp hậu sinh. Con cháu làng Quy, trong cái làn sóng thoát ly ấy không chỉ đổi thay về kinh tế mà còn thay đổi trong cách sống, cách nhìn thế giới xung quanh. Tôi lại nhớ làng thời khốn khó, đắp một đường ranh ruộng nhắm lui nhắm lại cãi nhau cả ngày, có khi đánh nhau to. Trâu bò lỡ ăn rau vườn nhẹ thì bắt đền, hiểm thì đâm cho chết. Cá mú nuôi sông ghét nhau hôm trước, hôm sau nổi lềnh bềnh, mùi thuốc sâu nồng nặc. Dân làng khổ, nên có khi cái nhìn cũng hạn hẹp. Giữa cái cộng đồng khổ ấy, nếu có một nhà giàu có lên thì mang ngay điều tiếng, xoi xỉa đủ điều. Hồi tôi còn nhỏ cứ thấy rằng nhà nào giàu hình như cũng ít giao thiệp với bà con chòm xóm, họ lọt thỏm, xa lạ lắm. Người ta cứ bảo họ coi thường người khác nhưng tôi nghĩ họ cũng khổ tâm lắm. Vì cái quan hệ làng mạc, với người quê mình, có lẽ thiêng liêng chỉ xếp sau gia đình huyết thống. Bây giờ khác rồi, đối xử với nhau khác. Nhà nào con cái thoát ly nhiều, giao ruộng lại cho nhà chuyên làm lúa diện tích lớn. Kinh tế đa thành phần, vận hành lặng lẽ nhưng thấm vào từng xóm. Sự phân chia ấy giúp người làng giàu hơn và tư duy đổi mới hơn, không còn cạnh khóe, kỳ nạnh nhau nữa. Cái sự sẻ chia, đoàn kết có tổ chức của chuyến xe Sài Gòn-Quy Hậu-Sài Gòn ấy mang cả cái đổi thay của người làng ứng vào lớp hậu sinh con cháu, làm thành một cái “tư duy thời cuộc” rất đỗi vui mừng.
Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Tường (Đội 6)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 65 trong 14 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
TÌM KIẾM


 Bấm vào đây để xem
LỊCH VẠN NIÊN

 

CÁC BÀI VIẾT TIÊU ĐIỂM

CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thống kê

  • Đang truy cập: 4
  • Hôm nay: 662
  • Tháng hiện tại: 21619
  • Tổng lượt truy cập: 4196176

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy trang web của chúng tôi như thế nào?

Rất Tốt! Cung cấp thông tin hữu ích.

Tốt

Tạm được!

Chưa ổn!