ĐĂNG NHẬP THÀNH VIÊN

BÀI VIẾT HAY

Động Phong Nha Kẻ Bàng

Hang Sơn Đoòng muôn màu











Lít-Tồ Quy Hậu ở Sài Gòn

Đăng lúc: Thứ tư - 12/06/2013 05:28 - Người đăng bài viết: nguoiquyhau
Lít-Tồ Quy Hậu ở Sài Gòn
(Vài kỷ niệm với các anh địa chính)

 
Con đường Trần Não chạy giữa Q.2 Sài Gòn chẻ đôi như cái lưỡi rắn. Phần nhỏ hơn chạy ngoằn nghoèo, hình như kết thúc sau đít siêu thị Metro. Trên đường đó có đại bản doanh của anh em Quy Hậu. Toàn người Quy Hậu. Mà lạ. Hầu hết làm địa chính. Nghề địa chính quả là quá hót. Mấy anh địa chính mới lấy vợ, đem anh em bà con vào, làm thành cái cộng đồng nhỏ, một Little Quy Hậu giữa Sài Gòn. Đường Trần Não có quán cà phê Đo Đạc, có cơm bụi Địa Chính. Quán này lại có món cà pháo ăn với mắm quầy chứ không phải mắm ruốc. Nghe qua có vẻ không hợp nhưng ăn lại rất ngon.
Làng Quy Hậu ở Q.2 đông lắm. Mình đếm mãi không hết. Phải vài trăm con người chứ không ít. Các anh đị chính hay ngồi rung đùi bả mép ở quán cà phê Hoàng Lan. Đông quá nên ngồi làm nhiều bàn. Thằng nào tính tiền thì coi như gặp hạn lớn. Nên các anh địa chính giỏi nhất món võ gồng. Uống từ sáng đến trưa, anh nào cũng ngồi gồng ngon trớn, chẳng thấy mỏi chân ê đít gì. Có lần đông quá, ngồi chật bốn năm bàn. Thằng chú Tuệ ngồi đến trưa nghe chừng nội công đã cạn, gồng hết nỗi. Tính tiền hết thì không đủ, hắn rút ra tờ trăm ngàn bỏ lên bàn phủi đít đi về. Chẳng biết thằng người nào lấy luôn tờ trăm ngàn rồi dặn chủ quán tính tiền tất cả cho anh Tuệ. Hôm sau Tuệ ta vừa ra tới đã bị chủ quán túm lấy đòi tiền. Thằng chú Tuệ tức quá phóng xe đi một lượt các phòng trọ tìm thằng khốn nạn để chửi. Chịu! Chẳng ai khai. Thằng chú Tuệ tức hộc máu mồm cứ vò đầu bứt tai, vò luôn cổ áo. Mặt hắn đỏ như gấc, miệng sùi cả bọt mép, hắn cứ lảm nhảm câu gì đó. Mình không nghe rõ nhưng dịch đại: “Ụ mía! Khổ với bạn mà khốn nạn với đồng hương”! Hihi.
Từ phố Trần Não, gánh địa chính mới tỏa đi khắp nơi. Ra Bắc vào Nam, trên rừng dưới biển nơi nào cũng có dấu chân địa chính. Mình làm báo đi nhiều nhưng vẫn gọi các anh địa chính bằng cụ. Hồi mình ở Cần Thơ, thằng Trung Trợn ghé nhà chơi. Cái thằng mặt méo xệch rất vui tính. Hôm nay nó ở Tiền Giang, ngày mai đã ở Hậu Giang rồi Sóc Trăng. Thằng người độc một bộ áo quần. Xong công trình ở Cần Thơ, hắn tắm giặt rồi mang quần đùi chạy xe máy về Hậu Giang. Ở trước là máy móc, bộ áo quần dài hắn cắm một cái cọc sau xe rồi cột vào đó. Hắn đi đến đâu quần áo tung bay như cờ phướn. Người ta nhìn cứ tưởng hắn khùng. Hắn mặc kệ, cứ ngoác miệng cười, hai con mắt trợn đảo qua đảo lại. Mình hỏi hắn: Nghề địa chính sợ nhất cái gì? Hắn trả lời: Sợ chó! Mấy năm làm địa chính hắn nhẵn mặt tất cả các loại chó. Chó to chó nhỏ, chó điên chó dại hắn rành tới mức liếc sơ là biết. Nguyên nhân đơn giản, cứ nhà nào thấy dân địa chính tới là tưởng mình sắp mất đất, xua chó cắn. Chẳng biết thằng Trung Trợn nói thật hay đùa nhưng hắn bảo: “Dân đo đạc mà không có vết răng chó sau đít thì là dân dỏm rồi. Đít thẹo là một điểm nhận dạng, một thứ “huy chương” của dân địa chính”.
Lại nhớ hồi còn sinh viên mình đi phụ với lão Nguyên Toẹt. Hồi đó Xa lộ Hà Nội hãy còn nhiều vườn cây kiểng lớn chưa giải tỏa. Bác Nguyên vác máy đi trước, mình vác cái thước theo sau. Đến nhà một ông người trắng bốc, bụng to hơn ngực lại đeo cái dây chuyền vàng to vật vã. Chưa kịp chào hỏi gì, ông người đã tuôn một tràng giọng Bắc: Á à! Chúng mày đến cướp đất nhà ông đấy phỏng? Vừa dứt câu, ông người huýt sáo một tiếng rõ to. Lập tức, một ông chó bẹc-giê từ trong chạy ra. Ông chó cao quá thân người, mỗi cái răng to gần bằng ngón tay người chứ chẳng chơi. Bác Nguyên chưa kịp hiểu gì đã bị ông chó vồ lấy. Bác quay lưng định chạy nhưng không kịp, ông chó đã cắn phập vào đít quần rồi. Ông chó làm như đã được huấn luyện trước, chỉ cạp vào đít quần bác Nguyên rồi giữ khư khư như thế. Tội nghiệp bác Nguyên cứ cố vùng vẫy, càng vùng thì cái quần càng tụt xuống. Cái máy mấy chục triệu trên vai bác không thể vứt xuống được. Càng không thể cúi xuống được vì sợ ông chó thấy bộ ấm chén lại đổi vị trí cắn thì bỏ mẹ. Bác cứ đứng như thế, một tay cố giằng cái quần nhưng bất lực, nhìn nó cứ tuột dần tuột dần. Mấy lần bác Nguyên vừa kêu vừa méo “Cứu anh với chú” nhưng mình chiu, thấy ông chó gầm gừ mình đã phát hãi. Mãi rồi ông chó cũng kéo được cái quần của bác Nguyên xuống dưới chân. Để lại bên trên cái cảnh tượng quá sức phản cảm. Bác Nguyên vẫn đứng thế, run cầm cập.
Lát sau ông người lại huýt sáo một tiếng to. Ông chó hiểu ý lập tức buông quần bác Nguyên ra. Lúc này cả hai anh em mới lại hồn, ôm thước ôm máy chạy trối chết.
Trong nhà, giọng ông người Bắc vọng ra: “Nhớ lấy! Lần sau mà động tới đất của bố thì toi đời các con ạ”. Đận ấy bác Nguyên không làm cách nào đo được nghe đâu phải nhờ người bề trên xuống giải quyết mới được. Một sáng bảnh mắt đã thấy bác Nguyên đến nhơ đi đo đất. Nhớ lại ông chó Bẹc-giê mình vã cả mồ hôi, trùm chăn cáo bệnh không đi nữa. Một ngày làm anh đo đạc, mình tởn đến già. Hihi!
Tác giả bài viết: Nguyễn Tiến Tường (Đội 6)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
TÌM KIẾM


 Bấm vào đây để xem
LỊCH VẠN NIÊN

 

CÁC BÀI VIẾT TIÊU ĐIỂM

CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thống kê

  • Đang truy cập: 3
  • Hôm nay: 701
  • Tháng hiện tại: 21853
  • Tổng lượt truy cập: 4196410

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy trang web của chúng tôi như thế nào?

Rất Tốt! Cung cấp thông tin hữu ích.

Tốt

Tạm được!

Chưa ổn!