(QBĐT) - Vượt lên trên những mất mát, đau thương, bằng ý chí và nghị lực của mình, nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh ở huyện Tuyên Hoá đã khắc phục khó khăn, tiếp tục khẳng định mình trong công cuộc xây dựng cuộc sống cho bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt, có những nông dân là thương binh, bệnh binh đã vươn lên trong lao động sản xuất, đạt những kết quả đáng khích lệ...
Tìm về thôn Kim Tân, xã Kim Hóa, hỏi đến ông Phạm Văn Thuận thì hầu như ai cũng biết. Ông Thuận từng là chiến sỹ của Tiểu đoàn 49 thuộc Quân khu Trị Thiên. Trong một lần làm nhiệm vụ giữ Thành cổ Quảng Trị ông Thuận đã bị thương và chuyển về tuyến sau. Chiến tranh kết thúc, ông trở về địa phương làm ăn và sinh sống nhưng do không có nguồn vốn để đầu tư sản xuất nên khó khăn cứ đeo bám gia đình ông.
Ông Thuận nhận thấy, với thế mạnh về đồi núi, ngoài đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gần đây người dân huyện miền núi Tuyên Hoá còn phát triển mạnh nghề nuôi ong. Đặc biệt, nghề nuôi ong lấy mật đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân.
Vì vậy năm 2010, sau ba tháng theo học lớp tập huấn nuôi ong do UBND xã tổ chức, ông đã bắt tay vào nuôi thử nghiệm với vốn khởi đầu ít ỏi là 2 đàn ong. Sau một thời gian quen việc và biết chăm sóc đàn ong đúng quy trình kỹ thuật, tận dụng diện tích vườn đồi rộng lại có nhiều cây cỏ hoa lá cùng với những kiến thức được tập huấn, gia đình ông Thuận đã tìm mua thêm đàn ong mới của người dân trong vùng và nhân đàn để mở rộng quy mô sản xuất.
Mô hình nuôi ong đem lại thu nhập cao ở Tuyên Hóa
Đến nay, gia đình ông đã có trong tay hơn 60 đàn ong. Riêng trong sáu tháng đầu năm nay, đàn ong của gia đình đã cho sản lượng trên 5 tạ mật, với giá trên thị trường khoảng 150.000 đồng/kg, gia đình ông đã thu nhập gần 90 triệu đồng. Ông Phạm Văn Thuận cho biết, dù đã có số lượng đàn ong cao và cho thu nhập ổn định song mong muốn lớn nhất của ông là có được ong chúa để có thể tự mình nhân đàn và mở rộng mô hình đến được với những anh em hội viên nông dân là cựu chiến binh.
Không chỉ ở xã Kim Hóa mà về với thôn Quảng Hóa, xã Lê Hóa, chúng tôi còn được nghe giới thiệu đến ông Phạm Xuân Liên (62 tuổi), thương binh hạng ¾, cũng là một tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Tuyên Hóa.
Vào năm 1991, Ông Liên phục viên trở về quê hương và quyết định tham gia phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho gia đình. Vượt qua những năm đầu khai hoang đầy khó khăn, vất vả đến nay gia đình ông đã có một cơ ngơi mà ai nhìn thấy cũng ước ao. Mô hình sản xuất của ông hiện có 3 ha cao su, trong đó có 2 ha đã đi vào khai thác; 4 ha trồng keo, tràm; 1 ha ngô, đậu đỗ các loại và kết hợp với chăn nuôi quy mô nhỏ.
Nhờ mạnh dạn đầu tư và làm ăn hiệu quả nên mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 100 triệu đồng. Với những kết quả đạt được, ông Phạm Xuân Liên đã vinh dự đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong 6 năm liền từ 2006 đến 2011. Không những làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Liên luôn tích cực chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con nông dân trong xã.
Ông Đoàn Như Ý, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa cho biết, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ cho nông dân trong phát triển sản xuất, Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa cũng đã phối hợp với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để cho các hội viên chủ động nguồn vốn vay phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, Hội đã giải ngân gần 700 triệu đồng cho 25 hội viên từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh ủy thác cho 3 dự án ở các xã Thạch Hóa, Văn Hóa và Thuận Hóa; giải ngân 160 triệu đồng cho 6 hộ từ Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho 3 dự án ở các xã Lâm Hóa, Sơn Hóa và Thanh Hóa. Trong số các hội viên được vay vốn, một trong những đối tượng được ưu tiên hàng đầu chính là những hội viên nông dân thương, bệnh binh và những người có công với cách mạng. Đây cũng chính là chính sách thể hiện đạo lý "Uống nước nhờ nguồn" của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Có thể nói, ông Phạm Xuân Liên và ông Phạm Văn Thuận là hai trong rất nhiều những tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Tuyên Hóa. Nhưng có điều, họ là những người nông dân "đặc biệt" bởi dù mang trên mình vết tích của chiến tranh, đã cống hiến xương máu của mình cho đất nước song trở về với cuộc sống hòa bình họ vẫn nỗ lực xây dựng quê hương với ý chí và nghị lực phi thường.
Chính những thành quả ngọt đó mà những nông dân thương, bệnh binh đã luôn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ: "Thương binh tàn nhưng không phế".
Ngọc Lưu (Báo Quảng Bình online)
mất mát, ý chí, nghị lực, thương binh, tuyên hoá, khắc phục, khó khăn, tiếp tục, khẳng định, xây dựng, thân gia, xã hội, đặc biệt, nông dân, lao động, sản xuất, kết quả
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc