ĐĂNG NHẬP THÀNH VIÊN

BÀI VIẾT HAY

Động Phong Nha Kẻ Bàng

Hang Sơn Đoòng muôn màu











Người Việt lọt top những bộ lạc bí ẩn nhất hành tinh

Đăng lúc: Thứ hai - 25/02/2013 09:13 - Người đăng bài viết: nguoiquyhau
Cuối năm 1959, giữa đại ngàn Trường Sơn, Tổ tuần tra Bộ đội Biên phòng Cà Xèng (nay là Đồn 585, đóng tại Thượng Hóa, Quảng Bình) phát hiện được một nhóm "người rừng" gầy còm, da vàng, tóc dài tới lưng, đầu không mũ nón, không mảnh vải che thân... Qua tìm hiểu, mới biết đây là những thành viên của tộc người Rục (hay còn gọi là người Chứt). Đầu năm 2013, tức là hơn 50 năm sau, tộc người này được đưa vào danh sách 10 bộ lạc còn nhiều điều bí ẩn nhất thế giới.

Sơ khảo về một tộc người bí ẩn nhất hành tinh

Trong 64 dân tộc Việt Nam không thấy có tên dân tộc Rục, họ chỉ là một nhóm thuộc dân tộc Chứt (trong nhóm ngôn ngữ Việt- Mường). Trong dân tộc Chứt có 7 nhóm khác nhau, như Rục, Sách, Mày, Mã Liềng, A Rem, Xơ Lang, U Mo. Ngôn ngữ của người Rục có gốc Austroasiatic, nhưng ít bị ảnh hưởng của tiếng Thái, tiếng Hoa như ngôn ngữ Việt- Mường. Về người Chứt chung, hai nhà nghiên cứu người Pháp là A, Cheon và T.Guignard dùng mấy dòng sau đây để nhận xét: "Hết sức nhút nhát, hễ thấy người lạ thì lập tức lẩn trốn. Họ không có quần áo, nam nữ đều che mình bằng vỏ cây sui, ngủ chung lẫn lộn trong hang hoặc trong lều. Họ ăn bột nhúc và săn bắt tôm cá, thú nhỏ trong rừng. Cả nam và nữ đều búi tóc đằng sau. Bản thân chữ "Chứt" cũng được hiểu là hang đá, nơi trú ngụ của dân tộc này".
Trong dân tộc Chứt, người Rục thuộc tộc ít người và cũng là nhóm nghèo khổ, lạc hậu nhất. Họ sống trong hang và dựa vào nguồn thức ăn thu được do hái lượm hay săn bắn thú vật, bắt cá dưới suối. Nhúc là loại thức ăn bột chủ chốt, thu được từ cây Đoác. Có một nguồn khác cho biết, nhóm người Rục thời trước, thức ăn quan trọng là bọt cây Báng và thịt khỉ. Từ xa xưa, họ đã sống cách ly với cộng đồng các dân tộc khác. Họ chỉ quen leo trèo cây, thoăn thoắt trên các triền núi cao ngất để săn bắt chim thú, hái lượm, đào củ ráy, củ mài cuộc sống hoàn toàn dựa vào tự nhiên. Khi màn đêm buông xuống, họ cùng nhau tìm đến hang đá trú ngụ. Lúc ốm đau, do không có thuốc thang chữa trị, nên ranh giới giữa sự sống và cái chết khá mong manh. Trong những năm tháng du canh, du cư đó, rồi hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, người Rục có nguy cơ đứng trước sự diệt vong.


Nhà của một hộ dân người Rục ở hang đá Hung Mun. (Nguồn ảnh: Internet).

Dưới thời thực dân Pháp, người Chứt nói chung bị gọi là Xán lá vàng, ý chỉ những người dân di cư lạc hậu. Dân tộc này thường chỉ sống trong những túp lều làm bằng lá cây ở một địa điểm khoảng vài ngày, khi lá chuyển sang màu vàng, họ lại lục rục kéo nhau đi nơi khác.
Khi Việt Nam giành độc lập từ Pháp, người Chứt được chính quyền vận động về sống định cư, hòa đồng vào các tộc người khác. Ngày nay, người Chứt thường nhận mình là họ Cao, họ Đinh... Mỗi dòng họ đều có người tộc trưởng, có bàn thờ tổ tiên chung. Trong làng người Chứt, tộc trưởng nào có uy tín lớn hơn thì được suy tôn làm trưởng làng.
Người Chứt có quan hệ vợ chồng bền vững. Lễ cưới được tổ chức ở nhà gái trước lễ đón dâu. Và trong mâm cơm soạn ra mời khách, không thể thiếu món thịt khỉ sấy khô. Việc ma chay của người Chứt cũng rất đơn giản. Ngoài thờ cúng tổ tiên, người Chứt tin có ma rừng, ma suối, ma không trung, ma bếp...
Tuy mang một số đặc điểm chung của dân tộc Chứt, nhưng người Rục vẫn ẩn chứa trong mình những bản sắc rất riêng, mang đầy nét bí ẩn chưa được khám phá. Theo Ủy ban Dân tộc Trung ương thì phần đông người tộc Rục cư trú ở huyện Minh Hoá, Tuyên Hoá và Bố Trạch (Quảng Bình), một ít ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Nhọc nhằn một quá trình tìm kiếm và thuần hóa

Ngày12/8/1959, trong hang sâu của động Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), các chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Cà Xèng đã tình cờ gặp một nhóm người rừng. Qua tìm hiểu, mới biết đây là các thành viên của bộ tộc người Rục. Thấy các chiến sĩ biên phòng, họ hoảng sợ bỏ chạy toán loạn vào rừng sâu. Những hình ảnh nguyên sơ ban đầu về một nhóm người lạ, cứ quẩn quanh suy nghĩ của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng. Với quyết tâm tìm cho ra những con người bí ẩn ấy, tháng 3/1960, một tổ công tác của Bộ đội Biên phòng lên đường tiến vào hang sâu của động Phong Nha - Kẻ Bàng. Đi cùng hôm đó có một già làng người Sách. Sau mấy tháng trèo đèo lội suối, lăn lộn trong rừng già, tổ công tác mới tìm thấy được một cửa hang. 
Bằng những sợi dây thừng, các anh đã đột nhập an toàn vào hang. Sự xuất hiện đột ngột ấy, khiến các "người rừng" hoảng loạn. Các chiến sĩ biên phòng mất đúng một ngày ròng thuyết phục, 11 hộ và 34 người Rục đầu tiên miễn cưỡng rời khỏi cửa hang, theo người lạ ra thung lũng dựng lều làm rẫy. Những hạt muối mặn do các anh chia sẻ đã giữ chân họ, giúp họ rời bỏ dần cuộc sống hang hốc.
Nhờ bộ đội biên phòng đi lại gần gũi và thuyết phục dần dần, mãi đến năm 1971, những người Rục cuối cùng mới chịu rời hang. Lúc đó tộc Rục còn lại cả thảy 109 người. Từ bỏ cuộc sống hang động, họ về với các mái nhà lụp xụp tự dựng lên gần các nguồn nước. Mặc dù đã rời hang, nhưng người Rục vẫn lầm tưởng những chiếc lán bộ đội biên phòng dựng cho là một loại hang. Họ cứ việc vào mà ở, không cần tu bổ. Mưa dột bên trái, họ chuyển qua bên phải nằm; nước dột giữa nhà, họ chuyển vào góc, đến khi góc nào cũng dột thì họ bỏ lán chạy lên hang đá. Hồi đầu, Nhà nước trợ cấp tiền để mua ngô giống canh tác, người Rục dùng ngay số tiền đó mua... rượu uống.
Rồi Bản Mò O Ồ Ồ được thành lập, có trạm xá, trường học, một trạm thuỷ điện nhỏ và một hệ thống loa truyền thanh. Mặc giữa rừng sâu heo hút, nhưng UBND tỉnh Quảng Bình vẫn quyết tâm kéo dây, lắp một ăng-ten parabon để cho đồng bào xem tivi. Chiếc ti vi được bà con gọi là chiếc hộp biết nhảy múa, còn cái loa phóng thanh lại được đặt tên là xô sắt biết nói. Những cái mới lạ đó, khiến người Rục tò mò, ngạc nhiên đến thích thú.
Bằng những tâm huyết của mình, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đã tích cực vận động theo kiểu mưa dầm thấm lâu, cộng với trực tiếp làm mẫu cho bà con xem. Từ xem, đến tin và làm theo lại là một quá trình rất dài, nhưng các anh đã làm được, khi giờ đây, cuộc sống của người Rục đã không còn gắn bó với hang động như trước.

"Cuộc cách mạng của người Rục"
Kể từ khi được phát hiện đến nay cũng hơn 50 năm, người Rục đã làm một cuộc hành trình về với cộng đồng. Từ con số vỏn vẹn 109 người khi mới được tìm thấy, đến cuối năm 2006, nhân khẩu đã lên đến 2.400 người. Họ sống chủ yếu ở 4 bản: Phú Minh, Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ thuộc xã Thượng Hóa. Đến nay, số lượng nhân khẩu có khoảng trên 6.000 người.
Nói về tộc người em út này, ông Cao Thanh Biên - chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết: Từ cuộc sống ẩn mình trong những hang đá sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, sống gắn liền với tự nhiên như người nguyên thủy, bước đến cuộc sống định canh định cư, sản xuất nông  lâm nghiệp, học cách chăn nuôi, đến trường học văn hóa... Phải nói rằng, đó là một cuộc cách mạng của người Rục.
Trong suốt thời gian đó, người Rục không phải không có những lần quay về nguồn, bởi chưa thích nghi với điều kiện sống đang có. Song nhờ sự quan tâm của các ban ngành, các cấp chính quyền đoàn thể, nhất là các cán bộ, chiến sỹ Đồn 585, người Rục đã có một cuộc sống ổn định hơn. Cái bụng người Rục đã no, lại được mặc ấm, có nhà ở, đường đi, có nước sạch, điện sáng, trường lớp, đau bệnh có bác sỹ khám, cho thuốc. Họ yên tâm bám lấy làng bản định canh định cư xây dựng cuộc sống mới, chứ không quay về hang động như trước.
Chính phủ đã bỏ ra nguồn kinh phí 32 tỷ đồng để tập trung phát triển kinh tế vùng người Rục. Nhờ nguồn tiền quý giá này mà giờ đây ô tô có thể dễ dàng lượn qua con đường xuyên rừng rất thơ mộng để đến tận các bản người Rục. Cũng tại đây những ngôi nhà nhỏ bằng gạch ngói đã được dựng lên. Trường học và trạm xá đã xuất hiện. Điện đã được kéo dây về bản và một số hộ đã được xem tivi qua các chảo nhỏ treo trước cửa. Trẻ em và người lớn đã có quần áo. Vậy là, nhiều mùa rẫy đi qua, người Rục đang trên đà thay đổi.
Bà con người Rục thực sự đang hồi sinh nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước. Nhưng đến nay, họ vẫn là một tộc người nghèo nhất nước ta. Mọi sự giúp đỡ dù lớn hay nhỏ đều hết sức quý giá, góp phần xóa dần khoảng cách quá xa với cộng đồng các dân tộc anh em khác.                     

Tác giả bài viết: Loan Nguyễn
Nguồn tin: nguoiduatin.vn
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
TÌM KIẾM


 Bấm vào đây để xem
LỊCH VẠN NIÊN

 

CÁC BÀI VIẾT TIÊU ĐIỂM

CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thống kê

  • Đang truy cập: 13
  • Hôm nay: 1365
  • Tháng hiện tại: 9243
  • Tổng lượt truy cập: 4440979

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy trang web của chúng tôi như thế nào?

Rất Tốt! Cung cấp thông tin hữu ích.

Tốt

Tạm được!

Chưa ổn!