ĐĂNG NHẬP THÀNH VIÊN

BÀI VIẾT HAY

Động Phong Nha Kẻ Bàng

Hang Sơn Đoòng muôn màu











Cây "thần" ở bản người Rục

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/03/2013 08:29 - Người đăng bài viết: nguoiquyhau
Tộc người Rục ít ỏi mới phát hiện ở huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) xem cây cỏ máu lấy từ rừng sâu như thần dược, còn phụ nữ người Nguồn ở hầu hết  tại các huyện này cũng dùng để uống khi sinh đẻ.
Sống nhờ cỏ máu
Hơn 50 năm trước, mấy chục người Rục sống nay đây mai đó trong các hang đá. Họ ăn lá cây, củ rừng và muông thú săn bắt được. Cuộc sống hoang dã dựa vào núi rừng nên họ đã tìm ra được nhiều loài cây kỳ lạ nhưng hữu ích. Lạ lẫm nhất là cây cỏ máu; gọi cây cỏ nhưng thực ra nó thuộc loài dây leo và không như những cây dây leo bình thường khác bởi thân nó to như cổ tay người lớn và cứng như gỗ. Người Rục lấy cây này cho phụ nữ chế uống khi sinh đẻ. Hiệu nghiệm đến đâu thì chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu đầy đủ, nhưng nó đã gắn liền với người Rục mấy chục năm qua. Thân cây có màu thẫm, chặt ra từng miếng nấu nước có màu đỏ nên người Rục tin rằng nó có thể thay thế được máu người và khi sinh đẻ bị mất máu nên cần uống vào để bù lại. Có lẽ tên cỏ máu cũng có từ đó.
 
Một đống cỏ máu cất trên giàn bếp nhà bà Phúc – ẢNH: T.Q.N
Sau quá trình hòa nhập với cộng đồng, đồng bào Rục đã có nhiều thay đổi về tập tục, ăn ở; họ đã biết trồng lúa nước nhờ sự hướng dẫn của bộ đội biên phòng, biết cho con đi học cái chữ xóa mù. Và cỏ máu vẫn không thể thiếu trong đời sống của bà con.
Tìm đến bản người Rục nằm yên lặng sau nhiều dốc đèo hun hút trên dãy Trường Sơn, tôi may mắn gặp được anh Cao Chăn khi anh vừa trở về rừng sâu để tìm cỏ máu. Anh không tìm cho vợ hay người thân của mình mà để bán kiếm tiền sống, cứ mỗi bó lá hay khúc cây đều được tính với giá 10 ngàn đồng như nhau. Chắp nối lại qua cuộc trò chuyện, tôi được biết cỏ máu không mọc ở rừng gần, muốn đến được vị trí có cây phải mất một ngày đường đi bộ, vượt qua nhiều dốc núi đá vôi cao và nhiều thung lũng ít dấu chân người. Sau khi lấy về, lá bó từng bó nhỏ, thân chặt từng khúc cất trên gác bếp cho khô, dùng khi cây còn tươi thì không hiệu nghiệm và có thể bị sưng vù; cất lại cũng để dùng dần. Mỗi lần dùng chỉ cần đẽo vài miếng ra, đổ vào nồi nấu sôi rồi lấy nước uống. Nước mới uống vào có vị chát, sau đó ngọt dần trong miệng. Chị Cao Thị Liên (ở bản Ón, xã Thượng Hóa) bảo, dùng nước cỏ máu tắm cho con cũng rất tốt, còn người bình thường bị đau bụng uống vào hết đau ngay.

Gái đẹp nhờ… cây
Cho đến giờ, cỏ máu vẫn là một loài cây dân gian còn bí ẩn, hầu như chỉ người H.Minh Hóa biết đến. Tìm mua cỏ máu dễ nhất là đến chợ thị trấn Quy Đạt vào các ngày phiên trong tháng (cứ 5 ngày có 1 ngày chợ phiên). Tính ra người Nguồn sử dụng cũng nhiều. Như vậy, chưa thể biết được cây này là bài thuốc gia truyền, là thần dược của người Rục hay người Nguồn. Tuy nhiên, cỏ máu bán ở chợ Quy Đạt cũng được lấy từ vùng rừng “mái nhà” của người Rục. Tôi tin rằng nó xuất phát từ người Rục.
Nhiều người biết con gái Minh Hóa sắc nước hương trời với làn da trắng nõn nà, mái tóc đen dài óng mượt, mắt đen tròn, môi đỏ. Tương truyền, dòng sữa mẹ uống nước cỏ máu là một trong những lý do tạo nên nét đẹp quyến rũ ấy. Điều này đúng hay không hãy để những vẻ đẹp núi rừng lên tiếng. Chỉ biết rằng, 1 khúc thân cỏ máu có giá từ 5 ngàn đồng giờ đã lên trên dưới 60 ngàn đồng. Khi sinh đẻ, người thành phố Đồng Hới hay những huyện lân cận cũng tìm mua cỏ máu để dùng. Còn nói như bà Đinh Thị Phúc (ở TT.Quy Đạt) thì người ở Lạng Sơn hay TP.HCM cũng thích uống. Bà Phúc nói: “Nhà tui, đứa lấy vợ ở TP.HCM, đứa lấy chồng ở Lạng Sơn. Khi mấy đứa sinh đẻ, tui đều gửi cỏ máu cho uống, người ở đó thấy lạ hỏi uống thành ra thích luôn. Người bình thường uống hằng ngày cũng rất tốt, uống vô ăn ngon cơm, ngủ ngon giấc, da hồng hào, sức khỏe dồi dào. Chúng tôi ai cũng muốn uống nhưng vì nó đắt quá, tiền đâu mà uống. Đứa con gái thứ 2 của tui vừa sinh con được hơn 1 tháng đó, nó uống vô khỏe mạnh đi lại bình thường kìa”.
Ông Trần Văn Hóa (chồng bà Phúc) nay hơn 50 tuổi vẫn đi tìm cỏ máu về cất bán, mỗi phiên chợ được khoảng trên dưới 300 ngàn đồng. Nghe đâu, cỏ máu và một loại cây tương tự ở bản Rục được tìm mua chuyển sang Trung Quốc. Có người lo sẽ làm suy kiệt nguồn, nhưng chuyện cũng chỉ rộ lên một thời gian và cỏ máu vẫn còn đó, gắn liền với truyền thuyết miền gái đẹp.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Bình Online
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
TÌM KIẾM


 Bấm vào đây để xem
LỊCH VẠN NIÊN

 

CÁC BÀI VIẾT TIÊU ĐIỂM

CÁC BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Thống kê

  • Đang truy cập: 12
  • Hôm nay: 776
  • Tháng hiện tại: 6073
  • Tổng lượt truy cập: 4437809

Thăm dò ý kiến

Bạn cảm thấy trang web của chúng tôi như thế nào?

Rất Tốt! Cung cấp thông tin hữu ích.

Tốt

Tạm được!

Chưa ổn!