CHÙA HOẰNG PHÚC ĐIỂM ĐẾN TÂM LINH Ở LỆ THỦY
Tọa lạc ngay giữa khu dân cư thuộc xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 4km về hướng Nam, nếu đi theo đường Quốc lộ, từ Chợ Mai thuộc xã Hưng Thủy rẽ về phía Tây khoảng chừng 4,5 km là tới di tích chùa Hoằng Phúc.
ĐI TÌM LỊCH SỬ CỦA CHÙA
Chùa Hoằng Phúc xưa có tên là chùa Kính Thiên, tục danh chùa Trạm, hay chùa Quan thuộc phường Thuận Trạch, nay là xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Đây là ngôi chùa cổ, có trước năm 1558. Về nguồn gốc của chùa, đến nay vẫn chưa có tài liệu nào khẳng định rõ.
Theo các cụ cao niên trong xã, chùa được xây dựng từ thời nhà Trần, nhưng cũng có người cho là chùa đã có từ thời nhà Lê.... chỉ biết rằng, trải bao biến cố thăng trầm cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước, đến hôm nay, chùa Hoằng Phúc tuy là “phế tích”, nhưng vẫn còn giữ được nhiều hoành phi câu đối, các vật cổ như tượng Phật, chuông khánh... quý giá. Chùa nép mình trong u tịch, thiêng liêng.
Sách Ô châu cận lục của tiến sĩ Dương Văn An (1513 - ?), viết: “Chùa ở gần trạm Bình Giang, huyện Lệ Thủy, nước biếc uốn quanh, non xanh chầu về. Hẳn nhiên là một ngôi chùa u tịch, một cõi thần tiên vậy.
Nhà cửa, thôn xóm không xa nhưng tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng gà gáy, chó sủa. Thật là một ngôi chùa lớn ở Tân Bình... Nay hoa rụng, chim kêu, chỉ còn trơ lại nền mà thôi.”
Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng, chùa Kính Thiên (Hoằng Phúc) được tạo dựng từ trước khi vị Tiến sĩ họ Dương viết Ô châu cận lục, nghĩa là có trước khi Thượng hoàng Trần Nhân Tông ghé vào Am Tri Kiến (1301).
Trong quá trình tìm hiểu về chùa Hoằng Phúc, có hai nhân vật gắn liền với hai lần sửa chữa và xây dựng quy mô, cũng như gắn với hai lần đổi tên chùa: “Kính Thiên Tự” và “Hoằng Phúc Tự”, đó là chúa Nguyễn Phúc Chu và vua Minh Mạng.
Nguyễn Phúc Chu là vị chúa thứ 6 trong 9 đời chúa Nguyễn, ông có nhiều công lao trong việc mở mang bờ cõi và người sùng Nho mộ Phật. Việc sửa chữa chùa Kính Thiên vào năm 1716 là việc mở đầu quan trọng để vua Minh Mạng cho sửa chữa chùa vào các năm 1821, 1823 và 1826.
Dưới triều Minh Mạng, Việt Nam là nhà nước phong kiến hùng mạnh ở Đông Nam Á, bởi vậy dòng kiến trúc Nguyễn để lại những dấu ấn rực rỡ mà gí trị của nó được quốc tế thừa nhận.
Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) là thời điểm cuối cùng mà sử sách nhắc đến việc trùng tu chùa Hoằng Phúc và cũng là lần trùng tu có quy mô. Ngôi chùa này dù không ở đỉnh cao của kiến trúc Nguyễn, nhưng nó lại được thừa hưởng nét chủ đạo của dòng kiến trúc này tạo ra.
Nền móng chùa và hệ thống tường rào bao quanh, cổng Tam quan còn lại của chùa Hoằng Phúc cho chúng ta thấy dấu vết của một ngôi chùa lớn (Đại tự).
Một nét đặc biệt nữa là cổng Tam quan được bố trí thành 3 cổng tách rời nhau với hệ thống tường không giống cổng Tam quan của đa số chùa Việt.
TỪNG LÀ CĂN CỨ CÁCH MẠNG
Không chỉ là nơi thờ tự Phật Tổ đơn thuần, chùa Hoằng Phúc còn là nơi gắn liền với những sự kiện trọng đại của quê hương đất nước. Thời kì tiền khởi nghĩa, chùa đã trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu, che chở cho cán bộ về hoạt động.
Tại đây đã chứng kiến biết bao lần các đồng chí Đảng viên chi bộ Mỹ Thổ - Trung Lực về tuyên truyền vận động, đi đến thành lập nhóm Thanh niên Cách mạng gồm các đồng chí Trần Chí Hiền, Võ Chí Vệ, Hoàng Minh Kính, Trần Tác, Trần Thị Giữ...
Đặc biệt, năm 1943 đồng chí Bùi Trung Lập, cán bộ Xứ ủy Trung Kì cũng đã đến đây để gặp gỡ cán bộ cách mạng, tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng đến được với nhân dân.
Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, chùa Hoằng Phúc là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược, hàng hóa chi viện cho tiền tuyến lớn. Trong một lần bắn phá ác liệt, chùa đã trở thành mục tiêu của máy bay của Mỹ oanh tạc, đánh sập hoàn toàn.
Năm 1977, trên nền chùa cũ, chính quyền và nhân dân địa phương cùng nhau lập nên một ngôi nhà nhỏ để làm nơi hương khói phụng thờ đức Phật.
Tuy nhiên, sau trận bão lịch sử năm 1985, ngôi nhà này cũng đã bị đổ nát. Vậy là chùa Hoằng Phúc xưa vốn đã hoang tàn, nay lại càng trở nên hoang phế tiêu điều...
GẶP NHỮNG NGƯỜI “GIỮ LỬA” CHO NGÔI CHÙA
Trời đất run rủi hay tại lòng người trắc ẩn, chúng tôi tìm về ngôi chùa cổ lại đúng vào dịp ngày rằm tháng 9 vừa rồi.
Trước mắt chúng tôi là một mái nhà che tạm bợ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, oằn mình vì gánh nặng thời gian. Những bức vách được xếp từ những viên gạch cũ, mái tôn không đủ che nắng chắn mưa.
Thế nhưng trong khói nhang trầm nghi ngút, trên những đài sen đã ố màu, những tượng Phật vẫn giữ nguyên “thần sắc” dù qua bao thăng trầm bể khổ. Tôi chợt nhớ tới những câu thơ của Huy Cận:
Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó, bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi
Những năm trở lại đây, khi cuộc sống về mặt vật chất đã khá đủ đầy, người dân trong vùng đã tìm đến với đời sống tâm linh. Bởi vậy, một số người dân đã tìm về với tư tưởng Phật giáo, mong được tịnh tâm trong cõi hồng trần.
Trong số những Phật tử có mặt hôm đó, tôi được tiếp chuyện với ông Nguyễn Văn Hiệu, tạm gọi là “sái phu” - người nhận phụng thờ, quét dọn cho chùa từ hàng chục năm nay.
Ông Hiệu tâm sự, mặc dù chưa có một “trụ trì” chính thức nào, nhưng hiện nay chùa có rất nhiều Phật tử thường xuyên viếng thăm, tụng kinh niệm Phật khi muôn rằm tứ quý.
Người gắn bó với chùa và am hiểu Phật pháp phải kể đến là thầy Võ Mão, pháp danh Tuệ Minh, thầy Bùi Hạnh, pháp danh Tuệ Sĩ vì tuổi cao sức yếu nên không thể thường xuyên tới chùa, chỉ những dịp lễ trọng, các thầy mới đến và tổ chức cầu kinh niệm Phật, mong cho quốc thái dân an.
Ngoài ra, nhà chùa cũng nhận được sự tích góp công đức của các nhà hảo tâm, khi mâm ngũ quả, lúc ít đồ phụng (tam sự, bình hoa...), khi dành chút tiền mọn để lo phần hương hỏa hàng ngày.
Đó là điều đã làm cho người viết bài này cảm thấy ấm lòng, sau nữa là sự nể trọng những con người đã góp phần “giữ lửa” cho chốn linh thiêng tỏa ánh hào quang.
Một người nữa mà chúng tôi tình cờ gặp được trong buổi chiều hôm ấy, đó là ông Đỗ Đức Nam, Trưởng thôn Thuận Trạch. Ông Nam đến để cùng bàn bạc với các Phật tử về việc chuẩn bị tổ chức buổi lễ đón nhận bằng công nhận chùa Hoằng Phúc là di tích lịch sử cấp Tỉnh, do Chủ tịch UBND Tỉnh Quảng Bình vừa kí Quyết định công nhận.
BAO GIỜ CHO TỚI NGÀY XƯA!
Như đã trao đổi trên đây, chùa Kính Thiên (Hoằng Phúc) từng được xem là một ngôi “Đại tự” - chùa lớn. Bởi vậy, không chỉ nhân dân trong vùng, trong xã, mà rộng ra là tất cả những người có tâm huyết, có trách nhiệm với lịch sử đều đau đáu một nỗi niềm: Bao giờ Hoằng Phúc lại trở về đúng với tầm vóc và vị trí của nó từng có trong lịch sử?
Tấm bằng công nhận là di tích lịch sử cấp Tỉnh có thể là bước tiến vững chắc để chúng ta tin rằng, trong nay mai, trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này sẽ mọc lên một ngôi chùa bề thế, nguy nga, chen lẫn trong tán cây bồ đề là những đường cong đầy vẻ u tịch, cổ kính, không chỉ đáp ứng được nhu cầu chính đáng trong đời sống tâm linh của nhân dân địa phương, mà còn là điểm đến hấp dẫn trong tua du lịch sinh thái - văn hóa đã và đang hình thành tại Lệ Thủy.
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc