Văn hóa, xã hội làng Quy Hậu

     Con người Quy Hậu rất thật thà, cần cù lao động, siêng năng, sáng tạo, sống chân thật, mộc mạc, ít phô trương, ghét xua nịnh, ba hoa, lừa đảo. Trong cuộc sống thì “tình làng nghĩa xóm” được coi trọng. Ngày nay, khi đất nước phát triển, nhân dân cả nước cùng nhau thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết, xây dựng cuộc sống văn hóa văn minh, hiện đại, xây dựng quê hương giàu đẹp", thì những phẩm chất tốt đẹp của người dân làng Quy lại được nhân lên, tình người trở nên gắn bó hơn.

Về văn hóa:
     Con người Quy Hậu rất thật thà, cần cù lao động, siêng năng, sáng tạo, sống chân thật, mộc mạc, ít phô trương, ghét xua nịnh, ba hoa, lừa đảo. Trong cuộc sống thì “tình làng nghĩa xóm” được coi trọng. Ngày nay, khi đất nước phát triển, nhân dân cả nước cùng nhau thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết, xây dựng cuộc sống văn hóa văn minh, hiện đại, xây dựng quê hương giàu đẹp", thì những phẩm chất tốt đẹp của người dân làng Quy lại được nhân lên, tình người trở nên gắn bó hơn.

     Như ta đã biết, trước cách mạng, làng có đủ: đình, chùa, nghè, miếu, có cả bộ đồ lễ nghi phục vụ các nghi lễ, có bộ gia lễ, có đội nhạc, đội âm công "họ hiếu” phục vụ đám tang,… Giờ đây,  một số miếu thờ đã được tu sửa, trông khang trang hơn trước. Các nghi lễ cũng vẫn giữ nguyên.

     Thời xưa hằng năm, cứ đến lễ Kì Phước (vào giữa tháng 6 âm lịch ), làng tổ chức lễ hội 3 ngày: ngày đầu, rước sắc vua ban, ngày thứ hai rước các linh vị khai khẩn và linh vị.

     "Lục tộc" vào đình làng để tế lễ, có năm làng rước cả đoàn hát bội về chầu, ngày sau cùng nghinh thỉnh các linh vị trở lại như cũ.

     Ngoài ra các ngày lễ tiết khác như: muôn rằm tứ quý, đặc biệt là ngày Đông chí được các bậc bô lão, các vị chức sắc kì cựu chăm lo chu đáo, ngay cả lễ tế " Xuân thủ" cúng đầu năm tại các miếu ở An Sinh cũng được tổ chức. Làng có họ hiếu, có đội nhạc, có đội hát  Kiều  sắm đủ các vai từ Kim Trọng, Thúy Kiều, Vương ông... Hàng năm có biểu diễn cho dân làng xem. Đội nhạc có đủ sáu bộ nhạc cụ: Trống Kèn, đàn, sáo…

    Trong cuộc kháng chiến ác liệt, lâu dài nên dần dần đội nhạc mất đi, nay làng ta chưa khôi phục lại được. Hoạt động của câu lạc bộ, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, thơ ca hò vè, bóng  đá, bóng chuyển,... đang được khôi phục và phát triển. Một xóm  được xây dựng một đội âm công để phục vụ tang lễ theo quy chế văn hóa mới được nhân dân đồng tình ủng hộ.

    Trước cách  mạng tháng  8/1945, làng ta có đội ca kịch cách mạng thường xuyên biểu diễn các vở kịch: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Nguyễn Trãi, Phi Khanh... Họ vừa ca kịch vừa diễn thuyết, tuyên truyền cách mạng ở nhiều nơi trong huyện. Đặc biệt là buổi biểu  diễn  tại sân vận động Cỗ Liễu. Trước đêm khởi nghĩa giành chính quyền (LS Huyện Đảng Bộ Lệ Thủy).

    Đời trước, hai Ngài họ Nguyễn và họ Mai tước vua ban "Công hầu" sau đó thấy đề   “Quan Viên Tử ” (con quan) chưa thấy ông bà nào làm quan to ở chốn Triều Đình cả. Sau này, theo gia phả họ Nguyễn Văn mới có ông Nguyễn Văn Tính làm đến chức đội trưởng, hiệu trung tá, tước Quy Hầu,Thị Hùng Biện. Trước cách mạng tháng Tám làng  ta có ông Nghè Đỗ, Nghè Lê, ngoài ra còn các chức sắc như Bang Tá, Cửu Phẩm, Thất Phẩm, Hội đồng... kể cũng nhiều.

Về kinh tế

     Làng ta chủ yếu nghề Nông, do đất chật người đông, bản chất cần cù chịu khó, một nắng hai sương đi khắp các vùng, các làng trong huyện để  thuê  ruộng "xâm canh" hơn phần nữa diện tích trong đồng "nghề làm ruộng" chắc không có làng  nào sánh  kịp,  “vắt  đất  ra  nước,  thay  trời  làm  mưa “ cồn cao, vực sâu  đến  mấy  hể dân làng Quy Hậu lấn làm thì ở đó vẩn "bằng phẳng", lúa màu đã làm thì bời bời xanh tốt (xem bài làng Quy Hậu của ông Lê Khuyên).

     Các  nghề  thủ  công  cùng  phát  triển  mạnh  mẽ  như  nghề trồng bông dệt vải, vải Quy Hậu bền chắc, nếu  được  nhuộm  nâu  thì  "chó cắn không rách"  hợp túi tiền nên khắp nơi ai cũng ưa chuộng, nghề rừng, nghề mộc cũng  nổi  tiếng  một  vùng, ông  bộ  Kề  với ông  Tổng Giãng  đã  hợp  sức chế  tạo  ra chiếc  xe  đạp  nước  đầu  tiên, được  đưa  đi  triển  lãm  trong  huyện, ngày nay do máy bơm hoặc thủy lợi tưới  tiêu  nên  xe đạp nước không còn  nữa (chắc con cháu ta khó hình dung  được xe  đạp nước là thế nào?).

     Sau  năm 1930,  lại  phát  triến   thêm  nghề  nón  lá, nghề  nón  tuy  thu  nhập  thấp  nhưng cả làng ai cũng làm, trung  bình  mỗi  ngày  cả  làng  làm  ra  hơn  500 chiếc  nón  lá, thu  nhập vào hàng chục triệu đồng. (Xin đọc tiếp phần nón lá làng Quy để hiểu rõ).

     Theo  báo cáo tổng  kết  của  làng  năm  2000  cũng  đã  phát  triển  trên 25 ngành  nghề  khác nhau làm tăng  thu  nhập hàng năm  từ 10% - 15%  so với  tổng  thu  nhập năm trước. Do  đó,  đời  sống của người dân  đã  được  cải  thiện  nâng  lên  rỏ  rệt,  đã  xóa  được  đói  giảm  được  nghèo, nhiều hộ có thu nhập hàng nhăm  từ  20-30  triệu  đồng,  gần 100% gia  đình  có  xe  đạp,  gần  90%  gia  đình  có xe gắn máy, nhà  nào cũng  có  tivi,  tủ lạnh..

     Ngày trước, do cách sông  trở đò (chưa có cầu) dân làng vùng trên đi chợ tréo, phải nghỉ lại chờ đò sang sông, tiện việc họ bán khoai sắn hoa quả..lâu ngày hóa ra “chợ đò”. Ngày nay có sẵn cầu, có cầu đường  thuận tiện cho đi lại nhưng chợ đò vẫn phát triển thành chợ Cầu như ngày nay. Chợ Cầu tuy nhỏ nhưng có đủ hàng hóa phục vụ đời sống cho dân làng.

     Nói đến chợ Cầu làm tôi nhớ đến "chợ Tréo", tôi hỏi anh Hoàng Đình Luyện vì sao lại gọi là chợ Tréo? Anh cho biết: Ngày xưa chợ Tréo thuộc làng Quy Hậu quản lý nhưng chợ lại ở giữa làng Cỗ Liễu nên mới gọi là chợ Tréo. Về sau, quan huyện cùng hương lý hai làng bàn bạc trao đổi cho nhau. Cỗ Liễu lấy chợ, Quy Hậu lấy ruộng giáp Cổ Liễu. Cợ ruộng này trước gọi là cợ ruộng biên liễu nay là cợ ruộng Đàng Nự mãi cho đến nay. Thế mới biết tổ tiên ta coi trọng ruộng đất quý hơn vàng bạc, có lẽ với truyền thống ấy nên đến nay làng ta vẫn đi cày cấy, thâm canh khắp các nơi trong huyện.

     Anh Luyện cũng cho biết: Ngày trước đình làng Cỗ Liễu (vùng đất trước nhà anh Bàn, anh Đồng có vườn bông của Quy Hậu cho đến cuối những năm 1920 mới trở về Cổ Liễu). Bà Mai Thị Vẫn, một cô gái hái bông xin đẹp đã yêu một chàng trai Cỗ Liễu ngay từ buổi ấy (Quán cháo bà Vẫn - nuôi cán bộ cách mạng trong lịch sử huyện Đảng Bộ Lệ Thủy).

     Để kết thúc phần này, xin lấy bài "Cáo Tổ" của cụ Lê Trung Hiếu đọc trong lễ Đông Chí năm 1990 làm kết thúc chuyện đời xưa của tổ tiên ta. Bài này có một số câu, chữ cần được tra cứu bổ sung dù sao đây cũng là chuyện kể công đức tổ tiên để lại cho con cháu cho đời

                                                           Cáo Tổ

Tổ tiên xưa vốn người giao chỉ

Vào nơi đây là đất Châu Ô

Thế kỉ XV chiến sự xô bồ

Người xứ Bắc tràn vào lập nghiệp

Các cụ xưa vai  mang gói xách

Đoàn có sáu người do ông Nguyễn dẩn đầu

Đến đất này thống nhất cùng nhau

Chọn lãnh địa định cư lập ấp

Tổ tiên ta toan lo từ trước

Ngàn đời sau con cháu mãi sinh sôi

Rừng rú, đồi hoang, đầm phá bãi bồi

Chiếm cứ khai canh gần năm trăm mẫu

Đất hình chữ Quy mới đặt tên làng Quy Hậu

Sáu họ một làng, lục tộc đồng hương

Ngày tháng qua đi lớp lớp lớn lên

Gần năm trăm năm tăng mấy lần bội số

Từ một xóm chỉ gồm sáu hộ

Nay một làng nhân khẩu hơn ba ngàn

Giữa không gian bát ngát mênh mông

Khoảng thời gian ấy biết bao kì tích.

Đẵn gỗ, đào mương, đắp đê, cuốc đất

Phở lác, chặt lùng mở lối khai canh

Kể từ đầu, từ Tả Hữu Thanh Long

Qua cho đến Mốc Cao, Bổn Ngoại

Là công lao cha ông để lại

Nay cháu con mới có ruộng cầy

Hơn bốn trăm năm là mười bốn vạn mấy ngàn ngày

Đã sinh hạ ra mười sáu đời con cháu

Lớp lớp tuôn ra mồ hôi và máu

Đã thấm vào trong mảnh đất quê hương

Đã làm nên một Quy Hậu kiên cường

Có Đình cô có hai Nghè, hai Miếu.

Có Đền Chùa lập ra Họ Hiếu

Có dân cư, có Giáp, có Phường

Có cụ Nghè đỗ khoa hội, khoa hương

Quan võ tướng có ông Đề, ông Lãnh.

Có kỉ vật chuông chùa ta đánh

Tục truyền rằng:Tiếng vọng đến Đồng Nai

Tổ tiên ta vốn bậc kì tài

Đặt sơn cước cùng chăm lo địa phận

Từ bến Nhà Muôi mà ra Cồn Rộng

Từ khe Chài vào tận Động Nham

Đất mênh mong, đồi núi cũng mênh mong

Nay con cháu tha hồ hưởng thụ

Giang sơn ấy là cửa nhà ta đó

Có ngày xưa mới có ngày hôm nay

Đắp bồi tô điểm sao đây

Cho cam công trước cho đầy phước sau.

Làng Quy Hậu là của dân QuyHậu

Biết ơn xưa tiên tổ ông bà,

Mỗi một người còn sống ở trong ta,

Thề báo nghĩa bằng tấm.lòng trung hiếu.

          ***
Lê Trung Hiếu

 

Tác giả bài viết: Trích trong "ký sự Quy Hậu quê tôi"