Quy Hậu: cảnh quan làng ngày xưa

    Trước  cách mạng tháng 8/1945, làng ta nổi tiếng là một làng giàu có, sông nước hữu tình, dân sống cần cù, thông minh, sáng tạo. Làng nằm bên hữu ngạn sông Kiến Giang, được sông Kiến tô điểm cho quê hương màu xanh mát rượi, giữa làng cũng có sông Ngô Giang từ Bàu Sen chảy về phụ nước cho sông Cái. Cả hai con sông uốn lượn quanh làng, điều hòa khí hậu cũng như giúp dân làng trong việc phát triển kinh tế.

CẢNH QUAN LÀNG NGÀY XƯA

    Trước  cách mạng tháng 8/1945, làng ta nổi tiếng là một làng giàu có, sông nước hữu tình, dân sống cần cù, thông minh, sáng tạo. Làng nằm bên hữu ngạn sống Kiến Giang, được sông Kiến tô điểm cho quê hương màu xanh mát rượi, giữa làng cũng có sông Ngô Giang từ Bàu Sen chảy về phụ nước cho sông Cái. Cả hai con sông uốn lượn quanh làng, điều hòa khí hậu cũng như giúp dân làng trong việc phát triển kinh tế.

    Làng được chia làm 12 trổông (trước gọi là xóm). Mỗi trổông  có  một cái bến phục vụ dân sinh. Trong trổông có trưởng trổông, mọi nhà đều chấp hành theo lệnh của trưởng trổông cùng nhau góp sức xây dựng đường làng bến nước sạch đẹp. Trong 12 trổông chỉ có 2 trổông lướt đá từ bến đến đường quan, đó là Trổng ông Thịnh và ông Lý viên  (2 ông này nhà giàu). Sau đó, thấy đường sá sạch đẹp các trổng định góp sức để lướt đá nhưng nạn đói xảy ra, giặc Pháp tràn về thế là đành hoãn lại.

    Trước đây, tuy xóm làng chưa được giàu có nhưng cảnh quan làng xóm, lời ăn tiếng nói đến vạn vật hiền lành, từ trong làng ra ngoài đồng đều được tổ tiên sắp xếp không ai chê trách được. Trong làng, hàng rào dâm bụt nở hoa thật đẹp. Ngày nay, đời sống nhân dân được nâng cao, hàng rào được xây tường cao cổng kính.

    Các ngài đời xưa bố trí Đình – Chùa – Nghè – Miếu theo hướng địa lý Đông Tây; phong thủy để che  chắn phong ba bão táp cho dân làng được an cư lạc nghiệp, tạo nên cảnh quan văn hóa thiêng liêng tuyệt diệu.

-         Hướng Tây Bắc của làng có Miếu thờ thần khai khẩn xung quanh trồng nhiều cây cổ thụ như: nhãn, xoài, cây đa, sân… sầm uất. ( Nay dấu tích còn lại ở trước nhà ông Đỗ Xuân Thái).

-         Hướng Tây Nam có Đình làng năm gian hai chái cột to hai tay ôm không xuể, mái đình có lưỡng Long Triều nguyệt như ta xem các đình làng ở trong Huế vậy. Xung quanh có tường bao, có cổng Tam quan vào ra được xây bằng đá xanh, mặt đình hướng Tây Nam nhưng lại sát sông Kiến Giang nên thuyền bè qua lại trên sông thật là hữu tình. Đình làng không những là thờ cúng các vị thần linh linh thiêng mà còn là nơi hội tụ của dân làng, vì vậy mà cận sân đình có nhà Hương hội. Sau những năm 1930 nhà hương hội dùng làm trường học cho em cháu trong làng. Khuôn viên của Đình làng rộng gần 2 ha (từ Hà xuống tận bờ sông Kiến Giang). Tả hữu là hai đường trổông nay là nhà ông Đắc và ông Hiệt. Xung quanh Đình được trồng nhiều cây lưu niệm, cạnh cổng Đình có cây đa cổ thụ. Đình làng uy nghiêm, lộng lẫy,  tiếng đồn đi khắp gần xa trong huyện.

     Đình làng làm xong, ngày khánh thành làng làm rât to có rước đoàn hát bội và đoàn cải lương về phục vụ. Ngày chính lễ mời quan  huyện đến dự, các cụ kể rằng ông Nghè Đỗ đã báo trước Lễ khánh thành Đình làng sẽ cháy. Ông không cho mượn đồ dùng phục vụ lễ, ai mượn cái gì phải có giấy mượn đóng dấu của Lý trưởng. Biết vậy ông Lý đã chuẩn bị sẵn hai chiếc đò và dụng cụ sẵn sàng chữa cháy. Ngờ đâu, khi quan huyện vào đến sân, pháo nổ gió nam thổi mạnh quật vào rạp bốc cháy, quan bỏ chạy, dân được dịp cười hả hê, lại khen thầy nghè giỏi. Sau cách mạng tháng 8/1945 thành công, giặc Pháp quay trở lại cướp phá; cấp trên đã chọn Đình làng làm công binh xưởng, thường gọi là xưởng Trần Táo chuyên rèn đúc vũ khí cung cấp cho mặt trận. Dân làng đóng góp sức người sức của để nuôi dưỡng cán bộ công nhân trong 2 năm (1946 – 1947), đóng góp nhiều nhất được ghi trong lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy.

     Lớp thanh niên làng ta hồi ấy đã xung phong gia nhập xưởng như anh: Nguyễn Văn Học, Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Văn Nhân, Đỗ Bá Tặng, Đỗ Duy Hiện… Họ là lớp học sinh, sinh viên đã học trường Công Kỹ Nghệ ở Huế trở về đã đóng góp một phần không nhỏ vào những kết quả vũ khí do xưởng sản xuất ra.

    Đầu năm 1947 khi giặc Pháp xâm lược Quảng Bình xưởng Trần Táo được dân làng chuyển lên tàu hỏa chở ra Tuyên Hóa (theo lời kể của cụ Hạ).

    Cũng hướng Tây Nam (phía dưới giáp Cổ Liễu) có chùa thờ phật, chùa được xây cao có tháp chuông, có nhiều tượng phật được thờ dưới các bảo đài hoa sen, chẳng khác nào ngày nay ta vào thăm các chùa ở Huế vậy. Trên tháp cao, làng treo cái chuông to có đường kính 2 người trai làng ôm không xuể, chiều cao cũng gần 2mét, khi đánh lên ở An Sinh vẫn nghe tiếng. Năm 1947,  giặc Pháp trở lại xâm lược quê hương ta cướp đi cái chuông lớn của làng. Năm 1948,  khi hội Tề của làng được lập lại, họ đã về tỉnh (Đồng Hới) xin lại chuông,  được tin chuông lại lưu lạc lên ở đồn Hòa Luật Nam nhưng phải về tỉnh xin giấy lên đồn Hòa Luật Nam mới có thể mang chuông về làng. Năm 1955-1956,  trong giảm tô và cải cách ruộng đất. Sở văn hóa Quảng Bình về tỉnh làm di vật lịch sử, nay chuông ở đâu chưa ai biết được..

-         Hướng Nam có 2 ngôi nghè, một ngôi thờ ngài họ Mai, ngôi kia thờ 2 bà Thủy – Hỏa.

     Trong chống Mỹ cứu nước, ngày 6/6/1967 đế quốc Mỹ ném bom làm sập nghè và nhà thờ họ Nguyễn Văn,  làng đã nghinh thỉnh ngài họ Mai về thờ chung với ngài khai khẩn (như đã nói ở trên).

     Chuyện kể rằng:  Nghè thờ 2 bà để 2 bà ngăn chặn lũ lụt tràn vào làng và cũng từ đó về sau hết lũ quét vào làng. Xung quanh nghè có khuôn viên rộng, làng trồng cây lưu niên, cây cổ thụ, đặc biệt là cây xoài to cao, bom thả gần gốc mà cây xoài vẫn đứng vững không lay chuyển.  Năm 1968, làng cho anh Lê Thanh Dũng – khi ấy là phó chủ nhiệm chặt cây để làm hầm và “săng đất” cấp cho bà con khi qua đời (anh Lê Thanh Dũng quê ở Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh,  đã về quê sau ngày giải phóng miền Nam).

-         Hướng Đông Bắc có đền âm hồn thờ những vong linh “ bất đắc chi tử” của dân làng. Bên cạnh đền có cây bàng xã to cao, sầm uất nay làng xây sân khấu cạnh nhà văn hóa thôn.

-         Hướng Đông, cận bờ sông lại có đền thờ “Mụ” thường gọi là đền thờ Đa mụ, vì cạnh đền thờ làng trồng cây đa to lớn, chuyện kể rằng: Ngày xưa, ở vùng dưới thường có đò đi chợ Mai (chợ Mai ở làng Phù Chánh, xã Hưng Thủy ngày nay). Khi đò qua đây thì bị chìm, làm chết một bà. Làng đưa lên bờ cấp cứu rồi bà chết tại đó. Dân làng lập bàn thờ tạm, hằng ngày thắp hương khói cho bà. Về sau những người mê tính lợi dụng linh hồn bà cho rằng: xóm đó cháy là do không cúng bà; con trẻ đau đầu, đỏ mắt,… đều đến khấn bà, vì vậy mà làng cho xây đền thờ bà, cử người trong coi thờ cúng đàng hoàng (nay ở chổ máy bơm cận nhà thờ tưởng niệm).

      Cách “Đa mụ” ra khoảng 200m làng lại trồng thêm một cây đa lớn. Cây đa đẻ nhánh mọc lên chín chồi, cành lá sum suê, rễ cây đa đâm xuống đất tạo nên cảnh quan vô cùng đẹp đẽ. Mùa hè, dân làng ra đồng thường nghỉ mát tại đây. Lâu ngày, trai làng lấy vợ khác xứ về, ai nấy đều giàu có, làm ăn phát đạt nên có câu: "Cây đa Quy Hậu chín chồi, lấy vợ khác xứ đến ngồi ăn chơi."

Tác giả bài viết: Trích trong "ký sự Quy Hậu quê tôi"