Chợ quê
LỆ THỦY Nguyễn Xuân Thụ
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam
Hội viên Hội Sử học Việt Nam
Nói đến chợ quê, đó là hình ảnh những chợ không ồn ào náo nhiệt, nhưng đằm thắm hương vị riêng làm say đắm lòng bao thế hệ từng sinh ra và lớn lên ở đó. Chợ quê Lệ Thủy cũng vậy, cũng như bao chợ quê khác trên mọi miền đất nước, nhưng mang một nét văn hóa đặc trưng và độc đáo của làng quê đầy nắng gió của khúc ruột miền Trung. Đó là môi trường và không gian chợ quê Lệ Thủy từ vùng biển, cửa sông đến vùng đồi núi trung du không chỉ là hoài niệm mà là một bộ phận quan trọng của đời sống xã hội có sức sống bền bỉ và trường tồn gắn liền với văn hóa làng xã.
Có lẽ vậy, cha ông ta bao đời đã đúc kết, lưu giữ, truyền lại cho con cháu, rằng: Chúng ta sinh ra, lớn lên và trưởng thành đều gắn bó với dòng sông, bến nước, những ngôi chợ quê bé nhỏ và thầm lặng quả là chí lý. Để mà hôm nay nay đây chúng ta hãy dành một chút thời gian mà hồi tưởng, quan sát, suy ngẫm sẽ thấy những tiềm ẩn về chợ quê làng xã có từ xa xưa của Lệ Thủy quê mình.
1. Sơ lược về địa lý, dân cư, tài nguyên, phong tục tập quán và đời sống của người dân Lệ Thủy
Lệ Thủy là một huyện thuộc tỉnh Quảng Bình; phía Nam giáp huyện Vĩnh Linh (thuộc tỉnh Quảng Trị), phía Bắc giáp huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), phía Tây giáp tỉnh Khammouan của Lào, phía Đông giáp biển Đông; diện tích tự nhiên 142.052 ha, dân số năm 1998 là 140.804 người, hiện nay... Huyện Lệ Thủy có 2 thị trấn: Kiến Giang và Nông trường Lệ Ninh và 26 xã: An Thuỷ, Cam Thủy, Dương Thủy, Hoa Thủy, Hồng Thủy, Hưng Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy, Liên Thủy, Lộc Thủy, Mai Thủy, Mỹ Thủy, Ngân Thủy, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung, Phong Thủy, Phú Thủy, Sen Thủy, Sơn Thủy, Tân Thủy, Thái Thủy, Thanh Thủy, Trường Thủy, Văn Thủy, Xuân Thủy.
Lệ Thủy có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt. Phía Đông có bờ biển dài.... với cồn cát, bãi cát trắng mịn; phía Tây (có dãy Trường Sơn hùng vĩ) chung biên giới với nước bạn Lào; có Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh chạy qua, đường sắt Bắc Nam; có dòng sông Kiến Giang thơ mộng.
Về địa hình, Lệ Thủy có nhiều cồn cát chạy dọc theo bờ biển tạo thành một dãi trường thành phía Đông, phía sau cồn cát là những cánh đồng, thung lũng, đồi núi. Địa hình dốc từ phía Tây sang phía Đông; hơn 80% diện tích tự nhiên là đồi núi, nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa. Khí hậu trong năm chia thành 2 mùa rõ rệt. Mùa khô nắng gió khốc liệt, mùa mưa xuất hiện bão lũ, có gió mùa Đông Bắc.
Toàn bộ diện tích tự nhiên được chia thành các vùng sinh thái khác nhau: vùng núi cao như: Hoa Thủy, Văn Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy..., vùng đồi và trung du như: Dương Thủy, Trường Thủy, Sơn Thủy, Thái Thủy...; vùng đồng bằng có các xã: Liên Thủy, Xuân Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, Xuân Thủy...; vùng cát ven biển như: Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung... Địa hình đa dạng, phong cảnh hữu tình ấy đã tạo nên bức tranh ngoạn mục, tiềm ẩn sức sống dồi dào, sáng tạo của con người nơi đây.
Chạy giữa vùng đất ấy là những con sông xinh đẹp, dòng nước trong mát, bờ sông thoai thoải. Hai bên sông là làng quê yên ả nếp mình dưới rặng tre xanh và những cánh đồng tươi tốt được bồi đắp phù sa màu mỡ khi mùa lũ về, để mùa sau cho những cánh đồng bội thu.
Lệ Thủy là một huyện nông nghiệp, những cánh đồng ruộng đất tốt chuyên trồng lúa, ngô, khoai, sắn...., vùng trung du trồng cây ăn quả như chuối, mít, cam, mía, vừng, lạc, các loại đậu....Ngoài ruộng đồng cày cấy vun trồng, mùa nào thức ấy, người dân còn có vườn tược trồng cau, chuối, đu đủ và các loại rau như: bí, bầu, rau cải...Trong vườn lúc nào cũng có rau xanh để làm thức ăn và còn đem ra bán ở chợ tăng thu nhập cho gia đình.
Phát triển chăn nuôi cũng là một thế mạnh của Lệ Thủy. Gia đình nào cũng nuôi vài ba con heo, đàn gà, vịt, ngan, ngổng... mèo, chó. Ở vùng trung du thế mạnh là chăn nuôi trâu bò, nuôi dê... Nổi bật về chăn nuôi ở Lệ Thủy là nuôi vịt. Vịt nuôi thành đàn hàng trăm con, đủ các loại: vịt giống, vịt thịt, vịt đẻ. Những người nuôi vịt thường làm lò ấp để bán trứng vịt lộn, hoặc bán con giống. Tại một số xã người dân còn nuôi ong lấy mật, nuôi dê, ngỗng để lấy thịt phục vụ dân sinh.
Hiện nay nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm phát triển mạnh mẻ khắp nơi đã tạo thành hàng hóa không những cung cấp cho nhân dân trong huyện, trong tỉnh mà còn bán ra các tỉnh bạn.
Lệ Thủy còn có sản vật rừng rất phong phú và đa dạng. Tài nguyên rừng là nguồn vô tận đối với nhân dân. Rừng Lệ Thủy có nhiều loại gỗ quý trầm hương, lim, sến, táu... nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm. Rừng cung cấp gỗ làm nhà, củi đun và các sản vật khác. Các loại tre, lá nón, mây, đương, củ nâu, nhựa thông...là sản vật vô cùng cần thiết đối với các làng nghề, làng chài lưới và đời sống dân sinh. Chính với những sản vật của rừng đã tạo làng nghề sản xuất chổi đót ở thôn Lệ Bình, xã Mai Thủy; làng đan lát, mộc dân dụng của thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy; làng nghề sản xuất chiếu cói của thôn An Xá, Lộc Thủy; làng nghề sản xuất rượu truyền thống của thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy; làng nghề sản xuất nón lá truyền thống của làng Quy Hậu, xã Liên Thủy. Những sản phẩm của những làng nghề, làng nghề truyền thống này góp phần cho chợ quê Lệ Thủy càng phong phú, đậm đà mộc mạc chân quê.
Bờ biển Lệ Thủy còn là những thắng cảnh đẹp, cùng thềm lục địa rộng lớn, với trữ lượng cá, tôm, hải sản phong phú, tạo cho việc đánh bắt nguồn hải sản phục vụ đời sống và dân sinh không những trong huyện mà còn các vùng lân cận. Ngoài ra mặt nước nuôi trồng thủy sản có tiềm năng lớn. Với các hồ An Mã, Hồ Sen, phá Hạc hải.... rất thuận lợi cho việc nuôi trồng tôm, cá. Tiềm năng các nước ngọt sông suối, ở các hồ, đầm phá nước lợ cho nhiều tôm, cua, cá, rạm... nuôi sống người dân Lệ Thủy từ bao đời nay.
Con người và vùng đất Lệ Thủy đã hòa vào dòng chảy của lịch sử dân tộc về sự hình thành và phát triển của mình để in dấu ấn những nét làng xã văn hóa đặc trưng và độc đáo, tạo nên văn hóa chợ quê - Chợ quê Lệ Thủy.
Vùng đất Lệ Thủy đã trãi qua nhiều lần thay đổi về địa giới và tên gọi[1].
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, huyện Lệ Thủy thuộc phủ Quảng Ninh[2], tỉnh Quảng Bình.
Từ Cách mạng Tháng tám 1945 đến 1976, huyện Lệ Thủy thuộc tỉnh Quảng Bình.
Đầu năm 1976 đến năm 6/1989, huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh sáp nhập thành huyện Lệ Ninh thuộc tỉnh Bình - Trị - Thiên.
Tháng 7 năm 1989, tỉnh Bình - Trị - Thiên tách thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Huyện Lệ Ninh được tách 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh. Huyện Lệ Thủy thuộc tỉnh Quảng Bình.
2. Chợ quê Lệ Thủy xưa và nay gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của văn hóa làng xã
2.1- Tiến trình lịch sử làng xã Lệ Thủy
Đất Lệ Thủy từ phía Nam của huyện Quảng Ninh đến phía Bắc huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị), có chiều dài......, rộng....... Trên mảnh đất này các nhà khoa học đã xác định nhiều làng có nền văn hóa từ xa xưa. Nhưng rõ nét nhất, gần gủi nhất với thời đại chúng ta là cách đây 1.000 năm là các đợt di cư của người dân vùng phía Bắc vào Quảng Bình, Lệ Thủy để thiết lập cộng đồng cư dân bằng thiết chế làng xã. Làng xã, xóm thôn ra đời và cũng từ đó mà hình thành nơi trao đổi, mua bán hàng hóa, vật dụng phục vụ cho đời sống xã hội. Trong dân gian gọi nôm na đó là chợ quê.
Trãi qua những năm tháng xây dựng và phát triển, làng xã Lệ Thủy có bề dày lịch sử vô cùng oanh liệt và đáng tự hào. Thế kỷ 11 diễn ra đợt di dân đầu tiên từ phía Bắc vào, chủ yếu bằng đường thủy, ghe thuyền cập bến Nhật Lệ và từ của Nhật Lệ, họ tiếp cận các vùng đất thấp của đồng bằng. Ngược dòng Nhật Lệ đến Bình Giang (sông Kiến Giang) một cách nhanh chóng và thuận lợi, lập nên huyện Lệ Thủy ngày nay. Đây là vùng đất màu mở, nông nghiệp phát triển, làng xóm sầm uất, tập trung, hàng hóa sản xuất ngày càng nhiều, phong phú, nên việc trao đổi mua bán hàng hóa là nhu cầu cần thiết với đời sống xã hội. Những chợ quê ra đời để đáp ứng cho nhu cầu đó.
Các nhà khoa học cho biết, vào thời Hồng Đức (thế kỷ 15 sau công nguyên), huyện Lệ Thủy có 6 tổng gồm 28 xã, 2 trang. Như vậy vào thời kỳ này làng xã ở Lệ Thủy đã hình thành, ổn định và phát triển cho đến ngày nay. Có những làng xã đã có thiết chế như: làng Quy Hậu, An Xá, Mỹ Lộc, Võ Xá.....Cho đến thời kỳ nhà Nguyễn, làng xã Lệ Thủy đã ổn định và phát triển rất mạnh mẽ so với trước, dân cư không chỉ ở vùng đồng bằng mà được mở rộng khắp các vùng đất trong huyện, từ đó đòi hỏi phải có nhiều chợ quán để trao đổi, mua bán hàng hóa sinh hoạt trong cộng đồng nhằm sinh sống và phát triển.
Khi thực dân Pháp xâm lược, cũng như nhiều địa phương khác ở Quảng Bình cũng như cả nước, tình hình kinh tế của nhân dân Lệ Thủy gặp nhiều khó khăn, bởi thiên tai, địch họa. Thực dân Pháp cấu kế với quan lại địa phương hà hiếp, bóc lột dân ta, kìm hãm phát triển thương mại, ngành nghề thủ công... nhưng văn hóa làng xã Lệ Thủy vẫn được giữ vững và tồn tại. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, làng xã Lệ Thủy đổi đời. Từ gông cùm xiềng xích, người dân sống độc lập tự do, xây dựng cuộc sống mới. Mọi hoạt động cộng đồng, nhất là nét văn hóa như: chợ, hội hè... vẫn sinh hoạt bình thường và tấp nập hơn. Chợ quê góp phần động viên mọi người học bình dân học vụ, diệt “giặc dốt” rất hiệu quả, nhất là đối với chị em phụ nữ, vì chợ chủ yếu là chị em phụ nữ.
Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng và chính phủ, nhân dân Lệ Thủy tiêu thổ kháng chiến, thực hiện “vườn không, nhà trống”, đa số dân sơ tán và tản cư lên chiến khu. Song ngoài những chợ ở làng xã, còn có nhu cầu chợ chiến khu cũng được mở ra khắp nơi để nhân dân trao đổi hàng hóa. Chợ mới ở chiến khu Lệ Thủy ra đời có ảnh hưởng lớn, góp phần phục vụ kháng chiến nhiều mặt (trao đổi hàng hóa giữa các vùng; thông qua phiên chợ, lực lượng giao liên, trinh sát nắm bắt tình hình địch, ta ... ).
Các hình thức nhóm họp chợ trong thời gian này phải thích hợp với thời chiến, như: chợ sớm, chợ đêm, chợ chạy, chợ cóc.... mở ra khắp nơi theo nhu cầu sinh hoạt của vùng tự do, vùng giáp ranh, vùng tạm chiếm. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những chợ làng quê Lệ Thủy âm thầm làm “người nội trợ” tích cực phục vụ kháng chiến đến ngày toàn thắng.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta thắng lợi, miền Bắc tiến lên xây dựng CNXH, miền Nam còn tiến hành cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Lệ Thủy là huyện đầu cầu giới tuyến. Công cuộc phục hồi, phát triển sản xuất và ổn định đời sống nhân dân của huyện đang trên đà thắng lợi, một cuộc sống mới CNXH đang thay da đổi thịt. Kế họach 5 năm (1961-1965) xây dựng miền Bắc XHCN chưa kết thúc thì miền Bắc phải chuyển từ thời bình sang thời chiến.
Đầu năm 1965, Đế quốc Mỹ dùng máy bay hiện đại cùng pháo tầm xa từ Hạm đội 7 ồ ạt đánh phá miền Bắc mà Quảng Bình, Lệ Thủy là mục tiêu quan trọng. Cuộc sống của nhân dân bị đảo lộn. Các chợ từ thị trấn đến làng xã không nhóm họp được như trước đây. Để phù hợp với tình hình thời chiến, tránh máy bay địch phát hiện, gây thương vong, chợ làng xã vẫn nhóm họp vào buổi sáng sớm từ 3 giờ đến 5, 6 giờ sáng. Các chợ được nhóm họp dưới lũy tre, xa mục tiêu bắn phá của máy bay Mỹ, có hầm hào trú ẩn. Yêu cầu họp chợ trong giai đoạn này phải gọn nhẹ, nhanh chóng, giảm lượng người càng nhiều càng tốt. Người đi chợ mặc quần áo màu tối, tránh đi đường lớn, đông người. Chợ thời chiến rất đơn giản, không lều quán, không xây kiên cố, không cố định. Hình thức họp chợ phong phú, đa dạng, như: chợ đêm, chợ chạy, chợ cóc.... Cũng trong thời gian này các hợp tác xã mua bán ra đời khắp các làng xã. Hợp tác xã mua bán là cơ sở vững chắc một thời cung cấp thực phẩm cho những đơn vị bộ đội đóng quân, thanh niên xung phong,, dân công hỏa tuyến. Hợp tác xã mua bán còn là nơi trao đổi hàng hóa giữa nhà nước và sản phẩm của nhân dân.
Trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ vô cùng ác liệt và tàn khốc, vậy mà những ngôi chợ quê bình dị thầm lặng, vẫn nhóm họp, vẫn sống vươn lên nuôi dưỡng những tâm hồn lạc quan yêu đời, yêu quê hương, kiên cường chiến đấu bảo vệ và xây dựng quê hương của người dân Lệ Thủy nơi đất lửa anh hùng.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, chợ quê Lệ Thủy trở lại như xưa. Các chợ vẫn nhóm họp và có phần tấp nập, nhộn nhịp hơn xưa.
Ngày nay dân cư Lệ Thủy ngày càng phát triển, đời sống sinh hoạt xã hội được cải thiện, ngày càng càng phong phú. Toàn huyện có hàng chục chợ, có xã 2 đến 3 chợ, có xã trước đây không có nay chợ được mọc lên. Ngày nay phương tiện giao thông, đường sá thuận tiện, bà con buôn bán khắp nơi, giao thương hòa hợp với yêu cầu của mọi người. Cuộc sống ngày càng được nâng lên theo nhịp điệu thời gian, chợ ngày càng tấp nập, đông đúc nhộn nhịp, hàng hóa đa dạng, phong phú, không còn mấy chợ tiêu điều, vắng lạnh, buồn bã, vắng khách. Hễ nơi nào thuận lợi cho mọi phương tiện và đủ điều kiện thì xuất hiện chợ nhằm đáp ứng mọi nhu cầu hàng ngày của người dân.
Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, quê hương Lệ Thủy nói riêng có nét sinh hoạt văn hóa chợ quê thật đa dạng, đặc sắc. Những ngôi chợ quê Lệ Thủy bình dị, thân thương, hiền hòa tiềm ẩn sức sống của người dân nơi đây, quanh năm cần mẫn, sáng tạo trong lao động, nhưng cũng vô cùng nhân hậu và kiên cường.
2.2- Những chợ quê Lệ Thủy
Chợ quê Lệ Thủy gắn liền với quá trình khai phá, xây dựng và phát triển của văn hóa làng xã, nghĩa là ra đời từ xa xưa. Theo các nhà nghiên cứu khoa học, rất nhiều chợ quê Lệ Thủy ra đời rất sớm (mà theo các cụ cao niên kể lại, chợ có từ xưa, không biết chính xác từ bao giờ), trong đó phải kể đến là Chợ Tréo (Liên Thủy), Chợ Chè (Hồng Thủy), Chợ Mai (xã Hưng Thủy), Chợ Thùi (xã An Thủy), Chợ Mỹ Lộc (xã An Thủy), Chợ Hòa Luật (xã Cam Thủy), Chợ Cưởi (Thanh Thủy), Chợ Hôm Trạm (xã Mỹ Thủy), Chợ Mỹ Đức (xã Sơn Thủy), Chợ Đôộng (làng Xuân Mai, xã Mai Thủy),.... Dân cư ngày càng đông đúc, sản xuất phát triển, mạng lưới, phương tiện giao thông đảm bảo thông thương buôn bán trao đổi, nhu cầu đời sống xã hội càng tăng, chợ quê Lệ Thủy có điều kiện phát triển, nhiều chợ mọc lên ở vùng núi như Chợ Thác Tre (xã Trường Thủy), Chợ Ba Kanh (Bến Tiến), Chợ Nông trường Lệ Ninh (Sơn Thủy), Chợ Phú Hòa.... Có những xã trước đây không có chợ nay mọc lên chợ chiều đông đúc, tấp nập như chợ chiều[3] Quảng Cư (xã Xuân Thủy), chợ Cầu Ngò (Dương Thủy) nhóm họp vào buổi sáng,.... Xã Liên Thủy- nằm vị trí trung tâm huyện, thuận lợi về giao thông, buôn bán... ngoài Chợ Tréo có từ xa xưa, gần đây mọc thêm 2 chợ: 1 chợ sáng ở khu vực cầu Quy Hậu (Liên Thủy) và 1 chợ chiều nằm cuối thôn Xuân Hồi, sát đường lộ Cam Liên, gọi là chợ Xuân Hồi,...
Chợ quê Lệ Thủy phong phú, đa dạng, mỗi chợ mang nét đặc trưng văn hóa của mỗi làng xã, khu vực.
Chợ Thùi thuộc xã An Thủy, bán rất nhiều mặt hàng đặc sản như: tôm cá, ốc, rạm, ốc biêu, chim chóc, cá tràu, chuột đồng, nhưng đặc biệt nhất là tép tươi và tép khô. Đây là mặt hàng nổi tiếng gắn liền với nghề đơm tép và dũi tép- một nghề truyền thống bao đời của người dân khai thác nguồn lợi thủy sản từ phá Hạc Hải rộng mênh mông mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi này.
Chợ Mai thuộc xã Hưng Thủy, từ khi ra đời đến nay đều nhóm họp vào buổi sáng, nên người ta đặt tên chợ là Chợ Mai. Chợ Mai ở một vùng quê dọc triền cát trên con đường kinh lý Bắc – Nam nổi tiếng khắp vùng với các sản vật: cá, khoai, sắn và các loại đậu.
Chợ Hôm Tuy ở Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, nằm bên bờ sông Kiến Giang. Đặc sản chủ yếu của Chợ Hôm là gạo và rượu.
Chợ Hôm Trạm ở Mỹ Thủy, xã Mỹ Thủy, đặc sản chủ yếu là cá sông suối náng (nướng), cá đồng, cá biển và gạo.
Chợ Hôm Hòa (chợ Hòa Luật), xã Cam Thủy. Chợ có bán các loại ốc, hến, lươn, rùa, ba ba, các loại tôm tép, cá. Nơi đây xưa có nhiều rừng cây nên chim vạc cò, cói cói, bò chao.... về đây làm tổ. Ngày nay chợ Hòa Luật rất nhiều rau màu quanh năm, không những cung cấp cho nhân dân trong vùng mà cho toàn bộ dân cư trong huyện.
Chợ Chè thuộc xã Hồng Thủy, có rất nhiều sản vật miền biển như: tôm, cá, mực, cua, rạm, sò, ốc, hến, ngao...nổi tiếng ở vùng phá Hạc Hải nước lợ. Song đặc biệt nhất là có hàng chè xanh nổi tiếng ở các nơi đến bán như: Vạn Xuân (Quảng Ninh), Sen Thủy, Làng Chuồn (Hoa Thủy), Hồ Xá (Vĩnh Linh)...
Mỗi chợ quê có những nét văn hóa riệng biệt, nhưng có một nét chung là tình người luôn được giữ gìn. Đến với chợ quê Lệ Thủy đều được ghi nhận và bắt gặp nét đậm đà tình quê, tình người. Hình ảnh chợ quê là những người bà, người mẹ, người chị tất tưởi gánh hàng, đội hàng, bưng hàng ra chợ bán rau quả hoặc các sản vật làm được từ vùng đất của mình, để có một số tiền ít ỏi nuôi sống gia đình hàng ngày. Cả nhà trong cuộc sống hàng ngày vẫn hướng về bữa ăn do người phụ nữ lo liệu. Bởi vậy, giờ đây trong tâm trí của họ đầy ắp những kỷ niệm êm đềm, đằm thắm của những người thân trong từng bát canh, con cá, miếng cơm, củ khoai, củ sắn,... Chính những kỷ niệm giản dị ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn con người từ lúc mới sinh thành cho đến lúc nhăm mắt xuôi tay.
Dựa vào các đặc điểm dân cư, địa giới, truyền thống văn hóa dân gian, nếp sống, phong tục các làng xã mà có thể tạm chia ra các chợ quê: Chợ quê vùng đồng bằng, chợ quê trung du, chợ quê ven biển, chợ quê vùng núi cao.
Như vậy chợ quê Lệ Thủy cũng mang những rất rõ chợ quê của từng vùng như: chợ đồng bằng có: chợ Tréo, chợ Thùi, chợ Cây Đa Mỹ Lộc, chợ Hôm Trạm...; Chợ ven biển có: Chợ Chè, Chợ Mai...; Chợ quê trung du có: Chợ Mỹ Đức, Chợ Đôộng....
3. Một số hình ảnh chợ quê Lệ Thủy
[1] Do chưa có điều kiện nghiên cứu sâu, về thay đổi địa danh, tên gọi, chúng tôi chỉ giới hạn từ sau năm 1945 đến nay (nghĩa là từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945). [2] Trước năm 1945, tỉnh Quảng Bình có 2 phủ (phủ Quảng Ninh và Phủ Quảng Trạch) gồm 7 huyện. Phủ Quảng Ninh có 3 huyện là huyện Phong Lộc, Phong Phú (Phong Đăng) và huyện Lệ Thủy. Phủ qau3ng Trạch có 4 huyện: Bình Chánh, Minh Chánh, Bố Trạch và Tuyên Hóa. [3] Nhóm họp vào khoảng 14 giờ cho đến 21 giờ.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://langquyhau.com.vn là vi phạm bản quyền
Ý kiến bạn đọc